Người ta cứ gọi Măng Đen là “Đà Lạt thứ hai” nhưng tôi không thích cách gọi ấy. Nơi đây có những nét đẹp khác biệt so với phần còn lại của dải đất hình chữ S, khiến những trái tim xáo động cũng trở nên an bình, để rồi như “rơi rớt trên triền đồi” một mảnh tâm hồn vì quá đỗi say mê.
Nàng thơ của đại ngàn Tây Nguyên
Từ lâu, cái tên Măng Đen (Kon Tum) luôn được nhắc đến như một “Đà Lạt thứ hai” với khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, tiết trời se lạnh dễ chịu và cảnh quan đầy quyến rũ khiến không ít người nóng lòng được ghé đến một lần. Tôi cũng như phần đông những kẻ ưa khám phá vẫn luôn ao ước một ngày được chạy xe dọc theo những dốc đồi trùng điệp, tìm về chốn hoang sơ ngắm cụm khói bản làng hòa lẫn sương mờ.
Lều glamping giữa núi rừng Măng Đen |
Măng Đen còn được người Mơ Nâm – một dân tộc thiểu số ở vùng bắc Tây Nguyên – gọi với cái tên T’Măng Deeng. Một người bản địa đã cắt nghĩa cho tôi rằng, T’Măng có nghĩa là nơi ở hoặc vùng, còn Deeng theo tiếng Mơ Nâm có nghĩa là bằng phẳng và rộng lớn. Măng Đen là tên gọi đã được Kinh hóa, thể hiện đây là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.
Quả thực, Măng Đen rộng lớn nhưng địa hình bằng phẳng, được rừng nguyên sinh bao bọc, tựa như miếng vải màu xanh còn sót lại mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho Tây Nguyên, để rồi bất kỳ ai đến cũng sẽ choáng ngợp trước cảnh sắc tuyệt diệu bốn mùa hoa nở, như lời ca mộc mạc, sâu sắc của Lê Cát Trọng Lý – một nghệ sĩ tôi mến mộ cũng đã chọn gắn bó với Măng Đen, yêu Măng Đen một cách nhẹ nhàng:
“Hôm nay, trời không nắng không mưa
Mình không nhớ không mong ngày sau
Dưới thông già im
Hôm nay, đường không bóng ai qua
Chỉ có tiếng cây khua vào nhau
Tiếng côn trùng kêu… tiếng côn trùng kêu
Dưới thông già im
Tiếng côn trùng kêu, giữa căn nhà im”.
(Trích Rơi rớt trên triền đồi – Lê Cát Trọng Lý)
Nét ban sơ của bản làng trong thung lũng
Khung cảnh nên thơ ở làng Kon Tu Rằng |
Băng qua những con đèo khúc khuỷu từ Cư M’Ga (Đắk Lắk) lên tới Măng Đen, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh thấu xương thịt của mảnh đất cao hơn 1.200m so với mực nước biển. Dù quãng đường dài gần 300km đầy mệt mỏi, vít ga tê tay mới thấy được điểm dừng, rồi sốc nhiệt độ ngay tức khắc khi cảm nhận cái lạnh giữa ngày hè nắng gió, cũng chẳng ai rên rỉ một lời vì còn mải chìm đắm trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Tôi đến Măng Đen vào một ngày tháng Ba đẹp trời, là “thời điểm vàng” khi “nàng thơ của đại ngàn Tây Nguyên” khoe sắc với những rặng thông xanh ngắt hai bên đường, sương phủ mờ cả thị trấn như dải tơ giăng e ấp.
Ngày đầu đến, tôi gặp chị Huế – “thổ địa” của đất này, đã lang thang từng ngóc ngách nơi đây trong nhiều năm. Qua bản phác thảo của chị, Măng Đen hiện lên như một món quà của thiên nhiên với “bảy hồ, ba thác”. Đó là hồ Toong Ly Leng, Toong Pô, Toong Đam, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Đak Ke cùng ba ngọn thác: Pa Sỹ, Đak Pne và Đak Ke.
Có không ít truyền thuyết xoay quanh cụm hồ và thác của Măng Đen, càng tạo cho miền đất này sự huyền bí mê hoặc. Nhưng, Măng Đen đâu chỉ có thế! Yêu Măng Đen là biết tìm về với rừng, đến những chốn hoang sơ và tách biệt như: làng Kon Pring, khu 37 hộ, làng Kon Tu Rằng…
Nằm nép mình trong những thung lũng xanh nơi rừng thông, ruộng bắp, những ngọn thác bao phủ, nhiều bản làng của người dân tộc miền núi được dựng lên, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc khiến du khách chẳng ngại đường xa để vượt đèo, dốc đến tận nơi chiêm ngưỡng. Cũng bởi những lời giới thiệu hấp dẫn ấy, xe tôi lại lăn bánh đi tìm những góc thanh bình và mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng vùng miền.
Từ cổng chào Măng Đen Đại Ngàn, chỉ cần chạy xe hơn năm cây số là đến được làng du lịch cộng đồng Kon Pring. Sau đợt sương sớm vừa trút xuống, con đường đất càng thêm sình lầy và khó đi bởi nhiều đoạn đang được cải tạo.
Phóng tầm mắt từ những khúc cua đầu tiên, chúng tôi thấy những mái nhà rông, nhà gỗ lấp ló ẩn mình bên triền núi, là Kon Pring – chốn nguyên sơ, mộc mạc và mến khách; cũng là nơi người dân tộc Xê-đăng trước đây chỉ biết cấy lúa, trồng ngô, giờ tập trung phát triển du lịch để thoát đói nghèo, quyết tâm bám trụ đất này.
Một ngôi nhà rực rỡ sắc màu tại làng Kon Pring |
Những ngày du khách chưa vào đến bản làng, Kon Pring thuộc Kon Plông (huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum) là một nốt trầm trên bản đồ du lịch. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, cứ đến Măng Đen, du khách lại ghé thăm Kon Pring bởi lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan… và những giá trị văn hóa bản địa còn được lưu giữ. Nơi đây, những bức tượng gỗ đậm chất Tây Nguyên, những mái nhà rông truyền thống hay những căn nhà gỗ sặc sỡ dễ dàng “hớp hồn”
du khách…
Đó mới là điểm bắt đầu hành trình, bởi đi sâu theo hướng thác Pa Sỹ, chúng tôi còn lạc vào những chốn hoang sơ, thơ mộng như khu 37 hộ hay cầu treo đỏ Măng Đen, làng Kon Tu Rằng – những điểm đến khó tìm hơn mà không phải du khách nào cũng biết tới.
Người ta thường tìm đến khu 37 hộ để trải nghiệm hái cam tận vườn, thưởng thức ly nước ép cam mát lạnh tươi ngon ở vài quán cà phê nằm sâu trong rừng hoặc đơn giản chỉ là chạy xe loanh quanh chốn ấy, thu vào tầm mắt những khoảng trời cao rộng xanh trong, hít hà hương thơm dịu nhẹ của hoa rừng, lá thông, nhựa cây…
Rặng cà phê chín đỏ bên bìa rừng |
Tôi nghĩ cũng bởi khí hậu đặc trưng se se lạnh và những rừng thông trải dài xanh mượt như nhung nên nhiều người hay gọi Măng Đen là “Đà Lạt thứ hai”. Đến khi thực sự tự trải nghiệm, tôi mới thấy Măng Đen đẹp một cách hoàn toàn khác biệt.
Hầu hết homestay, nhà nghỉ tại Măng Đen đều tập trung và trải dài trên con đường chính dẫn vào trung tâm. Dù dạo gần đây nổi lên với “cơn sốt bất động sản” khiến khách ghé thăm ngày càng nhiều nhưng Măng Đen chưa bao giờ ồn ào và náo động như Đà Lạt hiện tại. Càng đi sâu vào những cánh rừng nguyên sơ như khu 37 hộ, tôi lại càng thấm thía cảm giác ấy.
Chạy xe dọc triền đồi, sau khi băng qua những đoạn dốc nghiêng hiểm trở, nhỏ hẹp, xe cũng đến được làng Kon Tu Rằng và cầu treo đỏ. Bên tai tôi văng vẳng thanh âm của suối róc rách, chim hót véo von. Trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa xanh mướt.
Những kho thóc được thiết kế giống nhà sàn thu nhỏ với mái tranh, vách gỗ hiện ra san sát nhau. Người dân Kon Tu Rằng cũng như hầu hết các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên luôn tin rằng có những vị thần cai quản lúa. Bởi vậy, những kho lúa này không chỉ dự trữ lương thực mà còn mang những giá trị lớn trong đời sống tinh thần, với ước mong mùa màng bội thu, sức khỏe đủ đầy.
Thật không uổng công tìm đường đến chốn hoang sơ ấy. Kon Tu Rằng là một mảnh trong veo chỉ có thiên nhiên hiền hòa, xanh mướt, khiến chúng tôi dừng lại thật lâu chỉ để đắm mình trong sự mộc mạc tinh khôi.
Một buổi “tắm rừng”, nghe rừng kể chuyện
Trở lại thị trấn sau hơn nửa ngày lang thang giữa những cánh rừng và triền dốc, cơ duyên giúp chúng tôi gặp được anh Thắng – một người có tình yêu mãnh liệt với rừng. Anh bảo nếu chỉ khám phá Măng Đen đến đây thì chẳng thể cảm nhận trọn vẹn năng lượng và sức sống mãnh liệt của mảnh đất này.
Lời nói ấy khiến chúng tôi quyết định thay đổi lịch trình để theo anh Thắng trải nghiệm đi thác, tắm rừng, ngủ trong rừng rồi tản bộ thong dong giữa những tán thông vào một sớm mai đầy nắng.
Tình yêu Măng Đen thực sự sâu đậm khi chúng tôi đi bộ xuống miếng rẫy đã được anh Thắng mua từ nhiều năm trước để trồng rừng, sống hướng về tự nhiên.
Bập bùng bếp lửa |
Nhiều năm trước, anh Thắng cũng là một người mê du lịch khám phá. Vậy nhưng, những chuyến đi vẫn không thể giúp anh tìm thấy sự tịnh yên trong lòng. Một lần tình cờ ghé thăm Măng Đen, anh Thắng đã “phải lòng” miền đất này, để rồi chọn nơi đây là nhà, gắn bó với rừng để thực hiện hoài bão lớn lao: bảo vệ tự nhiên.
Giữa thiên nhiên xanh trong và những âm thanh nguyên bản của núi rừng, từng lời kể thấm vào những trái tim mộng mơ, giúp chúng tôi cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của người đàn ông đó với miền đất này.
Măng Đen vẫn lặng lẽ theo nhịp thở của những người di cư đến đây. Có những người mang theo bao nỗi niềm trăn trở, cũng có những người chọn lối sống chậm và thuận tự nhiên giữa một mảnh đất hứa hẹn đầy tiềm năng.
Sau 2km cuốc bộ trong rừng, ngắm nhìn thiên nhiên bằng đủ mọi giác quan, chúng tôi vào đến ngôi nhà sàn bình dị của anh Thắng. Bao quanh nhà là những cây quýt rừng trĩu quả và rặng cà phê ngả màu chín đỏ tạo thành lối vào tự nhiên đẹp thơ mộng. Tôi không khỏi phấn khích khi nghe tiếng thác đổ ngay sau nhà. Và rồi bên dòng suối nhỏ cạnh nhà, chúng tôi hiểu hơn về trải nghiệm “tắm rừng” dưới sự chỉ dẫn nhiệt thành của anh Thắng.
“Tắm rừng” còn được gọi là shinrin-yoku. Thuật ngữ tiếng Nhật này có nghĩa là tắm trong rừng hoặc tham gia hoạt động trong rừng với các giác quan được sử dụng.
Thiên nhiên là nơi tốt nhất để xoa dịu và chữa lành tâm hồn con người, nơi gạt bỏ mọi trăn trở hay tác động của công nghệ. Đắm mình giữa không gian, thanh âm và năng lượng của rừng cũng chính là biện pháp để kích thích mọi giác quan, giúp mỗi người cảm nhận sự bình an sâu thẳm, đón nhận trọn vẹn năng lượng đất trời, nhanh chóng lấy lại sự cân bằng sau những chuỗi ngày dài mệt mỏi.
Giữa mênh mông đất trời, chúng tôi hít thở không khí trong lành, ngắm những vệt nắng đan qua tán lá, lắng nghe chim hót và khám phá ra cả những loài cây cộng sinh quấn lấy nhau mấy chục năm giữa rừng Măng Đen.
Tối ấy, bên bếp lửa bập bùng trong căn nhà sàn nhỏ, trên tay là ly trà nóng tự hái lá ngoài bìa rừng, chúng tôi râm ran trò chuyện. Len lỏi đâu đó trong tâm hồn, tôi cũng dần yêu rừng, yêu Măng Đen một cách không cầu kỳ, hoa mỹ.
Bài và ảnh: Nguyễn Thùy Trang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/roi-rot-tren-trien-doi-mot-manh-tam-hon-a1460998.html” name=””]