Chúng ta đôi khi sống như thể chẳng bao giờ có sự chia lìa của sinh ly tử biệt. Mà quên mất, sự cạn kiệt của duyên số luôn đến vào những thời khắc bất ngờ nhất.
Có lẽ ai cũng từng tiếc nuối với ao ước: Giá như thời gian quay ngược lại, để tôi có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình (Ảnh minh họa) |
Tôi từng đọc đâu đó câu chuyện: Một người đang khỏe mạnh đã nhờ người khác làm dùm mình cái “đám tang giả”. Mục đích là để có thể gặp gỡ bạn bè, người thân một lần lúc đang sống. Chứ khi đã mất đi, nằm xuống rồi, dẫu ai đó xa xôi về thăm viếng cũng đâu còn ý nghĩa gì.
Câu chuyện như “bịa” ấy, tôi chưa từng nghĩ tới nhiều, càng chẳng mấy ấn tượng, cho tới ngày ba tôi mất đi… Tại tang lễ của ba, tôi thấy nhiều đồng nghiệp cũ, bà con, bạn bè của ba xuất hiện. Những người mà lúc ba tôi còn, nếu họ ghé nhà, được gặp gỡ trò chuyện với họ, hẳn là ba tôi sẽ vui mừng hạnh phúc biết bao…
Nhưng bây giờ, mọi thứ liệu có phải quá muộn màng rồi không? Tôi tự an ủi bản thân rằng, người ta mất đi nhưng vẫn còn linh hồn. Tôi tự tay đốt nhang và đưa cho từng người tới viếng ba. Tôi thì thầm nói với ba rằng, đây là cô Phước, một người cùng quê, trước làm cùng công ty với ba, ba còn nhớ không? Đây là mấy ông bác chung tu viện với ba hồi còn rất trẻ, lâu lắm rồi. Hóa ra họ ở cũng gần nhà, mà bấy lâu ta không biết để qua lại. Đây là mấy anh chị, con của bác Thuận, người mà dịp tết ba hay ghé nhà ăn cơm, họ không hay biết ba bệnh để kịp tới thăm. Đây là…
Những năm cuối đời, ba sống cùng gia đình tôi, trong căn nhà phố nhỏ ở một quận vùng ven thành phố. Vợ chồng tôi bận bịu mưu sinh, nuôi dạy, đưa đón học hành hai đứa trẻ. Thời gian dành cho ba, nói chuyện với ba, quan tâm tới ba rất ít ỏi. Đa phần đều chỉ hỏi han tới các việc ăn ngủ, thuốc men thông thường.
Lâu lâu ba tôi bị nhức răng hay đau bao tử thì nhắn con gái, con rể mua thuốc dùm trên đường về. Họa hoằn có dịp cuối tuần, thì cả nhà mới cùng ra ngoài ăn tiệm, hoặc khi đám xá chi đó, tôi chở ba qua nhà bà con chơi, lắm khi tôi bỏ ba lại đấy rồi vù đi lo công việc, xong việc thì ghé đón sau.
Tôi hầu như quên mất rằng ba tôi cũng cần có bạn bè, cần giao thiệp. Rằng cuộc sống của ba sao đều đặn tẻ nhạt quá, rất ít niềm vui, hiếm dịp tụ họp. Người già, nhu cầu về ăn mặc, mua sắm cực kỳ đơn giản, tiết kiệm.
Khi tự tay mình soạn đồ cho chuyến đi xa cuối cùng của ba, tôi rơi nước mắt nhận ra, sau cả đời đi làm, nuôi cả gia đình, ba tôi đâu có tài sản gì đáng giá cho bản thân. Ít bộ quần áo, dăm cuốn sách báo, đồng hồ, mắt kính, ví da đều cũ sờn. Chỉ có cái điện thoại là khá mới, do ba tôi vừa thay năm rồi. Tôi tần ngần bấm vào cái màn hình cảm ứng, chợt nhớ, mình quên dành thời gian để chỉ ba mấy chức năng hiện đại của nó, như đã từng lần lữa hứa: Để lúc nào con rảnh…
Đấy cũng là một trong rất nhiều hối tiếc mà chính tôi, khi phải đối diện với mất mát, mới bàng hoàng thấu hiểu. Rằng chúng ta bận quá, vội quá, nhanh quá, gấp quá, ở bên người thân ít quá. Có lẽ bởi vì suy nghĩ, ra xã hội kết giao với người này người nọ thì không phải lúc nào cũng có cơ hội, nên cần tranh thủ sắp xếp trước. Còn ba mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng bà con… họ luôn ở sẵn đấy, gặp lúc nào chẳng được.
Chúng ta đôi khi sống như thể chẳng bao giờ có sự chia lìa của sinh ly tử biệt. Mà quên mất, sự cạn kiệt của duyên số luôn đến vào những thời khắc bất ngờ nhất. Ta có dằn vặt, day dứt, đau đáu, khổ sở, thì cũng khó xoay chuyển được gì nữa rồi.
Có chăng là ta thử thay đổi lối sống, ngay từ trong nhận thức. Thay vì tất tả lao ra ngoài, hối hả giành lấy những thứ phù phiếm dư giả thừa thãi về vật chất kia, thì hãy quay về bên trong, tập yêu thương và gần gũi nhiều hơn với tình thân của đời mình. Đừng để tới lúc thầm tiếc nuối với ao ước: Giá như thời gian quay ngược lại, để tôi có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình. Để tôi được bên ba những ngày người còn khỏe mạnh, chuyện trò, tận hưởng sự ấm êm sum vầy…
Hoàng My
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chung-ta-ban-qua-voi-qua-it-o-ben-nguoi-than-qua-a1472644.html” name=””]