Vào vụ, khoảng 300 hộ dân ở Hiệp Hòa, Bắc Giang có thể thu về hàng trăm triệu đồng nhờ những cây cổ thụ trong vườn.
Đó là câu chuyện có thật tại xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ở làng Vân Xuyên có khoảng hơn 300 hộ gia đình nhà nào cũng có ít nhất một cây trám đen cổ thụ trong vườn. Vào vụ, mỗi cây cho thu hoạch từ vài chục kg cho đến hàng tạ quả.
Những cây trám nhiều năm tuổi mỗi năm chỉ cho thu hoạch một lần vào khoảng tháng 10, nhưng loại quả này mang lại giá trị kinh tế rất cao, giá thu mua tại gốc khoảng 120.000 – 130.000 đồng/kg.
Ở làng Vân Xuyên, người sở hữu nhiều cây trám nhất là anh Chu Văn Bắc, với khoảng 20 cây trám đen cổ thụ. Mỗi cây cho thu hoạch từ 1 – 2 tạ quả một vụ. Còn những cây có tuổi thọ dưới 30 năm thì chỉ cho thu hoạch khoảng vài chục kg mỗi vụ. “Đây là thành quả từ đời cha, ông để lại, bởi muốn một cây cho ra hàng tạ quả mỗi năm thì chúng phải được trồng từ đời cha, ông chúng tôi, mỗi cây đều có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi”, anh Bắc nói.
Vụ này, với 20 cây trám cổ thụ, cho ra khoảng 1 tấn quả. Tính giá rẻ nhất 120.000 đồng/kg thì những cậy đại thụ này cũng mang về cho gia đình anh Bắc ít nhất 120 triệu đồng.
Còn nhà chị Ngô Phương Thủy cũng sở hữu 7 gốc cổ thụ trên 100 năm tuổi và 10 gốc có tuổi thọ khoảng 20 – 30 năm. Vườn trám nhà chị Thủy mỗi năm cũng cho thu hoạch từ 1 – 2 tấn quả, mang lại một khoản thu nhập lớn cho cả gia đình.
Anh Trần Lưu, người dân sống tại làng Vân Xuyên, cũng là một trong những hộ gia đình sở hữu gần chục cây trám đen cho biết: “Hiện tại đang là thời điểm vào vụ, thương lái từ khắp nơi tìm về đây săn đón, mua bằng được trám đen tận gốc. Cứ có bằng nào là họ mua hết bằng đấy”.
Trám ở đây được ví như “vàng đen” của dân làng vì loại quả này mới mang lại giá trị kinh tế lớn hơn hẳn các giống cây trồng khác. Thêm vào đó là cũng không mất nhiều công sức, thời gian để chăm sóc. Chỉ tốn công leo trèo. Nhưng việc trèo lên ngọn cây để hái quả trám là một công việc nguy hiểm và không dành cho số đông.
Chính vì thế, ở đây có nghề làm thợ trèo trám. Vào vụ, những thợ trèo trám chuyên nghiệp tại đây cũng kiếm được khoảng 500.000 – 600.000 đồng mỗi ngày.
Vì cây trám cao lại có tán rộng nên thợ hái trám phải treo lên cây, dùng sào rung cành cho trám rụng xuống. Phía dưới gốc trám phải được lót bạt để làm sao trám rụng xuống không bị dập mà vẫn còn nguyên phấn.
Để quả trám không bị dập, nát, bán được giá tốt nhất, nông dân trải những tấm bạt rộng xuống mỗi gốc cây khi hái.
Anh Lưu cho biết thêm, trước đây cây trám đen chỉ được trồng làm bóng mát, lấy gỗ. Còn quả trám chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình chứ ít người mua vì không nhiều người biết ăn loại quả này. “Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích. Quả trám từ đó được chế biến thành sản phẩm đóng hộp, dán tem, nhãn và đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc. Vì thế, cứ đến mùa trám là thương lái đổ về, có đến đâu mua hết đến đó”.
Theo anh Lưu, sở dĩ trám đen hiện tại rất “có giá” vì được nhiều người biết đến. Trám đen có thể chế biến được nhiều món khác nhau như trám kho thịt, trám kho cá, xôi trám đen, canh trám nấu gà, trám muối…
Trong khi đó, để trồng trám đến lúc được thu hoạch cần đến hàng chục năm chứ không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Do đó mà quả trám luôn có giá cao so với các loại quả khác. (Ảnh: Nhân vật Trần Lưu cung cấp)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/treo-len-ngon-cay-thu-hoach-vang-den-nong-dan-bo-tui-hang-tram-trieu-dong-20221005165721366.chn” name=””]