Nghe yêu cầu bán đất của các con, cha mẹ chồng tôi từ chối ngay: “Đất đó cha mẹ để lại cho các con, không bán!”.
Thực tế, cha mẹ chồng tôi sở hữu hai mảnh đất gần năm tỷ, nhưng sống tằn tiện, trông vào đồng tiền góp hằng tháng của các con. Tôi đưa ra ý tưởng bán đất để ông bà có tiền chi tiêu thoải mái hơn.
Cha mẹ chồng tôi gốc Quảng Trị. Ngày xưa nhà ông rất nghèo, cha mẹ ông mất sớm, ông được vợ chồng bác trai nuôi dưỡng. Lớn lên, ông yêu rồi cưới vợ – một cô gái mồ côi được người dì nuôi dưỡng.
Dù chăm chỉ làm lụng nhưng khi những đứa con lần lượt chào đời, ở vùng đất khô cằn, sỏi đá, gia cảnh ông bà ngày càng khó khăn. “Có lúc cha mẹ phải ăn rau dại, còn ít gạo, nấu cháo loãng cho các con ăn”, mẹ chồng tôi kể.
Một số người trong xóm đi tha phương và dừng chân ở vùng Hàm Tân, Bình Thuận, họ quay về, đưa vợ con và anh em đi đến vùng đất mới. Cha mẹ chồng tôi nghe nhiều về vùng đất này nên nung nấu ý định theo hàng xóm “di cư vào Nam, hy vọng kiếm đủ gạo nấu cơm cho các con”. Ông bà quyết định gửi cậu con trai nhỏ là chồng tôi, khi ấy chưa được năm tuổi, cho người bà con, rồi dẫn hai đứa lớn vào xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Hai con tác giả đang chơi trên bãi biển với bà nội và bác |
Ở vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, ông bà cùng hai con khai hoang, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” từ mờ sáng đến tối. Bữa ăn của cả nhà cũng qua quýt với ít khoai mì “mượn” của hàng xóm, chấm với mắm cái độn măng… Tròn một năm lao động vất vả, ông bà đã trả hết lượng củ mì mượn hàng xóm và để dành được ít mì và bắp cho năm sau, bữa ăn cũng có thêm cá biển, thêm cua tôm ốc do ông ra biển đánh lưới.
Ba năm sau, ông bà đón đứa con nhỏ từ quê vào Bình Thuận và sinh thêm một đứa con. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng ba trong bốn người con của ông bà đều học xong cao đẳng, đại học.
Ra trường, người con trai chọn dạy học ở trường gần nhà. Cậu em út học và làm nghề xây dựng, nhưng thích làm thơ, không ham kiếm tiền, rồi cưới một cô vợ làm công nhân. Vợ chồng tôi kinh tế vững hơn, bởi khi chồng tôi có ý định gì, tôi không cản, nhưng luôn đưa ra những tình huống có thể xảy ra, nên chúng tôi không bị rủi ro, mất tiền.
Năm năm trước, cha mẹ chồng tôi lớn tuổi, không làm việc được nữa. Trong một cuộc họp gia đình, bốn anh em thống nhất mỗi người góp cho ông bà một triệu đồng mỗi tháng. Ông bà bệnh, các con chia đều phần chi phí. Hai năm COVID-19, thu nhập của các con trong nhà đều sụt giảm nghiêm trọng, hai trong bốn nàng dâu cũng thất nghiệp nên các khoản góp cho ông bà từ một triệu xuống còn vài trăm.
Đợt nghỉ lễ vừa rồi, vợ chồng tôi “đột kích” nhà cha mẹ trong giờ ăn để tìm hiểu cuộc sống của ông bà. Nhìn tô canh đu đủ nấu tôm “tìm hoài không thấy tôm”, đĩa cá kho toàn cá bé xíu, tôi giấu tiếng thở dài thật sâu.
Tôi phân tích với chồng và nói anh thuyết phục cha mẹ bán đất cho con theo hình thức trả góp. Nghĩa là giá bán theo thị trường, nhưng thay vì con cái trả một cục tiền quá lớn (số tiền không ai có), sẽ chuyển sang hình thức trả góp theo tháng. Mỗi tháng 2-3 triệu đồng một người. Các dịp lễ tết, hay khi ông bà ốm đau bệnh tật, số tiền góp sẽ tăng lên và trừ dần vào tiền tổng. Dù gì, đất đang có giá, hai miếng đất gần biển với diện tích gần một hecta của ông bà giá trị cũng vài tỷ.
“Dù cha mẹ nói chia đất cho con, nhưng chia thế nào, chia ra sao, không ai biết và cũng không đoán được. Nếu không nắm chắc điều gì trong tay, rất khó để người ta có động lực hay chịu chi nhiều tiền hơn”, tôi rỉ rả với chồng. Thấy tôi nói cũng có lý, chồng tôi nửa đùa nửa thật với cha mẹ, nhưng cả hai dứt khoát xua tay: “Đất của cha mẹ là để cho các con, không bán!”.
Tôi khuyên chồng hẹn cà phê nói chuyện riêng với các anh em. Lần thứ nhất, lần thứ hai, đến lần thứ ba thì chồng tôi báo thành công.
Ban đầu, từ anh Hai đến cậu Út đều không đồng ý chuyện “mua đất trả tiền cho cha mẹ” – lý do là cha mẹ đã nuôi mình lớn, giờ mình phải báo hiếu, đứa nào chăm cha mẹ nhiều hơn, được nhiều đất hơn… Chồng tôi im lặng nghe rồi phân tích từng ý. Rằng, hai miếng đất hiện nay của cha mẹ, miếng ba sào hiện có căn nhà cha mẹ đang ở, đang được người ta hỏi mua giá hai tỷ đồng thì giữ nguyên, cha mẹ vẫn tiếp tục ở, trồng cây cối. Khi cha mẹ mất, sẽ để lại cho anh Hai, làm nhà thờ tự.
Miếng đất gần năm sào còn lại, chia làm bốn, bán cho bốn anh em. Diện tích đất bằng nhau, giá bằng nhau, số tiền góp cũng bằng nhau. Cha mẹ sẽ chi tiêu hằng tháng bằng số tiền góp đó. Khi cha mẹ mất, số tiền còn lại, một nửa chuyển về cho nhà họ ở Quảng Trị để lo thờ cúng ở nhà thờ tổ, phần còn lại giao cho anh Hai giữ để lo giỗ chạp trong năm.
Ngoài ra, khi tên chồng được in trên sổ đỏ, mấy chị em dâu cũng yên tâm khi nghĩ vợ chồng đang đầu tư vào đất. Rằng, hiện tại số tiền vài trăm mỗi tháng, khá eo hẹp với cha mẹ… Cha mẹ có tài sản đất đai, sao lại phải sống vất vả như thế.
Sau 120 ngày nghe cả bốn con trai ra rả bên tai, cha chồng đã chịu để anh Hai chở lên huyện, yêu cầu đo đạc tách đất.
Từ khi là sinh viên, tôi đã biết mua đất để dành theo tư vấn của mẹ. Hiện, quỹ đất trước hôn nhân của tôi cũng khá hơn. Tôi xem đó như quỹ dự phòng nếu hôn nhân không ổn định hay sau này con cái muốn du học. Cha mẹ chồng tôi đã vất vả cả đời, đến nay ông bà đã hơn bảy mươi tuổi, lưng còng, tóc bạc.
Với “chính sách” bán đất trả góp cho các con do tôi đề xuất, hy vọng ông bà có thể có những bữa ăn ngon hơn, thoải mái chi tiêu, có tiền quà cho cháu, có sẵn tiền mua thuốc khi bệnh tật… Và ông bà sẽ rất vui khi không có cảm giác dựa dẫm con cái.
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cha-me-cu-ban-so-dat-du-dinh-cho-tui-con-a1475280.html” name=””]