Tuổi già, nhưng nhu cầu tình cảm làm sao già được, nó chỉ chín chắn hơn thôi.
Nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh – Deborah Moggach – là tác giả nhiều cuốn sách về tình yêu và hôn nhân. Tiểu thuyết của bà thường lấy cảm hứng từ những mối tình tuổi xế chiều. Một trong số đó đã chuyển thể thành bộ phim “bom tấn” kéo hàng triệu người cao tuổi đến rạp.
Deborah Moggach khi bà 64 tuổi |
Theo Moggach, người già ngày nay lãng mạn hơn và nhiều khát vọng hơn. Ngày xưa, đàn ông 50 tuổi đã lên lão. Đàn bà mới “30 tuổi đã toan về già”. Nếu chẳng may người bạn đời mất sớm hay ly hôn thì đành ở vậy nuôi con, rất hiếm có ai đi bước nữa. Nhưng ở thời đại chúng ta, người cao tuổi vẫn yêu, vẫn kết hôn ngày càng nhiều. Cách đây mấy chục năm, tuổi thọ trung bình chỉ chừng 60 tuổi.
Đến tuổi ấy coi như “gần đất xa trời” rồi còn yêu đương gì nữa. Ngày xưa, có ông 60 tuổi, tuy vẫn khỏe mạnh nhưng đã đóng sẵn cỗ quan tài bằng gỗ tốt, để cạnh bàn thờ hằng ngày ngắm nghía. Ngày nay người ở tuổi 60, vẫn một đoạn đời phía trước gần 20 năm nữa – một khoảng thời gian đáng kể.
Khi còn trẻ, chúng ta đóng nhiều vai trò khác nhau như làm con, làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ… Đến tuổi 60, hầu hết chúng ta đã hoàn thành các vai trò đó và con cái cũng đã trưởng thành. Chúng ta được quyền thể hiện những thế mạnh cá nhân mà trước đây có thể ta không biết là mình có. Tuổi 60 là cơ hội lớn để chúng ta khẳng định lại chính mình. Hai chữ “nghỉ hưu” không phải là dấu chấm hết của cuộc đời, dù có người hài hước gọi là ACCC tức là “ăn chơi chờ chết”.
Ngày nay, nghỉ hưu có nghĩa là bạn được sống cho mình, được làm những gì mình thích. Một trong những việc đó là được yêu, được kết hôn, nếu bạn rơi vào cảnh cô đơn hay phải chia tay vì hôn nhân bất hạnh.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: PressFoto |
Ở tuổi 64, Moggach khẳng định: “Chúng ta sẽ sáng tạo lại cái thế giới mà chúng ta đã đi qua. Chúng ta phải thiết kế lại tuổi già”. Deborah Moggach đặt câu hỏi: “Tại sao bạn không thể bắt đầu một tình yêu và có một cuộc sống mới ở tuổi 60?”.
Một trong những niềm vui của con người hiện đại là được tự do lựa chọn lối sống như mình muốn, miễn là không vi phạm đạo đức và pháp luật. Bà nói về người chồng mới của mình: “Anh ấy luôn làm tôi thích thú bằng những cách không giống như những gì tôi trải nghiệm trước đây. Mỗi mối tình có cách yêu riêng của nó. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, vì nước luôn luôn chảy. Cho dù cuộc hôn nhân trong quá khứ của bạn thế nào thì mối quan hệ mới vẫn có màu sắc riêng của nó”. Bà tiết lộ: “Đuôi mắt tôi đã xuất hiện những nếp nhăn của tuổi tác nhưng may mắn là anh ấy không mấy quan tâm đến điều này”.
So với các thế hệ trước, ngày nay người cao tuổi có nhiều niềm vui hơn và được khám phá những khía cạnh mới của hôn nhân hiện đại. Nhiều đôi vợ chồng già ngày nay vẫn cùng nhau đến sàn khiêu vũ, đi du lịch với bạn bè. Tôi có người bạn gái là giáo viên trung học mới nghỉ hưu được vài năm. Chồng chị qua đời vì bệnh hiểm nghèo, để lại 2 người con khi chị vừa tròn 50 tuổi. Cô con gái đi lấy chồng xa, con trai được học bổng toàn phần du học nước ngoài sắp về nước. Chị thường tâm niệm, tuổi già sẽ sống cùng vợ chồng con trai.
Nhiều người khuyên chị cứ “bung lụa” đi chơi đây đó, có cơ hội tìm người hợp ý thì đừng xua tay. Nhưng chị nghĩ tuổi này còn đi bước nữa làm gì, vui với con cháu là đủ.
Quả nhiên ít lâu sau người con trai về nước đem theo cả người yêu. Sau khi tổ chức đám cưới cho con, ba mẹ con sống với nhau đầm ấm dưới một mái nhà.
Một hôm, chị có việc phải về quê mấy ngày, nhưng vì lỡ tàu, chị lại quay lại. Vừa bước vào nhà, chị thấy lạ – nhà chỉ có vợ chồng con mà sao trên lầu có tiếng cười đùa ầm ĩ khác thường. Chị nhẹ nhàng bước lên cầu thang, nhìn vào, như không tin ở mắt mình. Đôi vợ chồng trẻ vừa ăn cơm vừa thách đố nhau gì đó mà chồng thua bị vợ phạt “véo tai” nhưng anh ta nhanh chân chạy được. Vợ mặc cái váy ngắn cũn cỡn vừa đuổi theo vừa hô “Đồ ăn gian đứng lại” vừa cười như nắc nẻ. Chuyện này không bao giờ xảy ra khi có chị ở nhà.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: JCOMP |
Bất ngờ nhìn thấy mẹ bước vào, họ ngượng nghịu xin lỗi mẹ và xúm vào hỏi han mẹ đi về có mệt không. Chị bảo mẹ không sao rồi lẳng lặng về phòng mình nằm thượt ra giường. Chị đang suy nghĩ miên man thì con dâu bước vào, nói năng từ tốn: “Chắc mẹ đi từ ga về mệt, không muốn ăn cơm; để con nấu tô cháo gà cho mẹ nhé!”. Tiếng người con trai từ cửa phòng nói chen vào: “Để anh lấy xe đi mua cho nhanh”.
Chị nhớ lại, hồi trẻ vợ chồng chị cũng thích sống riêng, nhưng cha mẹ không đồng ý. Bỗng nhiên chị nghĩ đến người bạn trai theo đuổi mình cả năm nay mà cứ bị chối từ. Anh cũng sống một mình vì các con đang đi làm xa. Tại sao chị lại không thể đón nhận tình yêu chân thành của anh? Chị âm thầm lên kế hoạch…
Tuổi già, nhưng nhu cầu tình cảm làm sao già được, nó chỉ chín chắn hơn thôi.
Chuyên viên tâm lý Trịnh Trung Hòa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhu-cau-tinh-cam-lam-sao-gia-duoc-a1485292.html” name=””]