Tuyến đường mòn trên Hòn Bảy Cạnh, Vườn Quốc gia Côn Đảo luôn xuất hiện những bất ngờ từ hệ sinh thái. Mới đây nhất, ngày 3/11, trong lúc tuần tra bảo vệ rừng, các cán bộ kiểm lâm đã phát hiện loài bồ câu Nicoba, vốn đã đi vào Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Hòn Bảy Cạnh – Nơi “đất lành chim đậu”
Côn Đảo có nhiều bãi biển hoang sơ và thơ mộng. Đặc biệt hơn nữa là thiên nhiên của Côn Đảo rất hùng vĩ, nhiều rừng rậm nguyên sinh ôm lấy đảo hòa mình giữa biển cả bao la.
Hòn Bảy Cạnh, là đảo lớn thứ 2 trong số 16 hòn đảo của Côn Đảo. Nằm về phía Đông Nam của Côn Đảo, Hòn Bảy Cạnh được bao phủ bởi cụm rừng nguyên sinh và hệ sinh thái rừng ngập mặn, là nơi cư trú của hơn 150 loài động vật và gần 900 loài thực vật.
Ở Hòn Bảy Cạnh, khác với những vùng đảo khác, có nhiều dấu chân con người đến “làm phiền” hoặc khai thác tài nguyên quá mức, nơi đây có tài nguyên sinh vật biển vô cùng phong phú như san hô não, cá bướm, rùa biển xanh, lợn biển,… và nhiều loài trong đó đã ghi danh vào Sách đỏ cần được bảo tồn.
Nếu là người theo chủ nghĩa “xê dịch”, chắc hẳn bạn sẽ không quá ngạc nhiên với những loài sinh vật biển ở đây. Chẳng hạn như cua xe tăng – loài cua nhát ơi là nhát, chạm vào là trốn luôn vào hang do chúng tự đào sâu đến 2m cơ đấy.
Cua xe tăng được mệnh danh là loài cua cạn lớn nhất Việt Nam vì mai của chúng dài tới 10cm, càng siêu khoẻ có thể xé lá cây trong chốc lát. Đến nơi đây du lịch, du khách có thể tham quan rừng ngập mặn, rừng lá rộng, ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng. Những điều này đều đơn giản cả.
Nhưng, cũng ở nơi ấy, đã xuất hiện một loài bồ câu cực kỳ hiếm và xinh đẹp – bồ câu Nicoba.
Bồ câu Nicoba xuất hiện ở Vườn Quốc gia Côn Đảo ngày 3/11. Ảnh: TTXVN
Được biết, bồ câu Nicoba chỉ xuất hiện tại Vườn Quốc gia Côn Đảo và ngày 3/11 vừa qua cũng là lần hiếm hoi chúng “lộ mặt” tại lâm phần Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Nicoba – Loài bồ câu quý hiếm và xinh đẹp
Bồ câu Nicoba thuộc loài Nicobarica, chi Caloenas, họ Columbiformes, bộ bồ câu Columbidae.
Chúng được tìm thấy tại các hòn đảo nhỏ yên tĩnh và vùng biển tại quần đảo Nicobar tới đảo Mã Lai, Solomon và cả Palau nữa. Và đó, bồ câu Nicoba hiện là thành viên duy nhất của chi Caloenas, họ hàng gần nhất còn tồn tại của chim Dodo.
Nghe có vẻ phức tạp là vậy, còn ở Việt Nam, chúng được gọi với những cái tên dễ nhớ hơn như bồ câu lông cổ, bồ câu kền kền hay bồ câu đuôi trắng. Và chúng chỉ được tìm thấy ở Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoại hình đặc biệt xinh đẹp
Điểm đáng chú ý ở loài bồ câu Nicoba là bộ lông đặc biệt. Màu xanh kim loại pha ánh đồng bí ẩn của bộ lông khiến chúng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Không chỉ vậy, phần lông cổ dài tủa ra xung quanh tạo thành một lớp xếp nếp khá kiêu kỳ cho loài bồ câu này.
Bộ lông của Nicoba không chỉ một màu, hệ màu được luân chuyển và nối tiếp rất khéo léo, tôn lên màu xanh tím óng ánh. Nếu nhìn không kỹ, nhiều người sẽ tưởng lầm chúng là loài chim công đang còn nhỏ.
Nếu phần lông cánh có hơi đen và ánh kim xanh tím thì phần đuôi ngắn màu trắng chỉ lộ ra khi bay. Còn phần lông bụng thì đen hoàn toàn.
Ngay trên gốc mỏ màu đen của bồ câu Nicoba có một cục u nhỏ màu đen hình móc câu. Để phân biệt trống và mái thì chỉ cần nhìn xem cục u to hơn là nhận ra được bởi con trống sẽ có cục u to hơn.
Con non sẽ được phủ một “chiếc áo” màu đen bóng và khi trưởng thành đến khoảng hơn 30cm thì màu lông đẹp đẽ của chúng sẽ rõ rệt và sắc nét nhất.
Đời sống có phần “hướng nội”
Bồ câu Nicoba thường kiếm ăn ở hai sinh cảnh chính là rừng ngập mặn và rừng thường xanh nửa rụng lá. Đôi khi, chúng có thể “mở lòng” để kiếm ăn cùng loài bồ câu xanh. Chủ yếu, chúng đi kiếm ăn một mình, thỉnh thoảng mới thấy đi đôi. Thức ăn ưa thích của chúng là các loại hạt, quả cây trong rừng.
Có vẻ sống “hướng nội” nên bồ câu Nicoba sinh sống và làm tổ ở các đảo yên tĩnh, nhiều cây xanh, rừng rậm và đặc biệt là không thích “tiếp” con người.
Sống đơn giản nên việc làm tổ của loài bồ câu Nicoba cũng không quá cầu kỳ. Tổ của chúng chỉ là vài ba cái que nhỏ được kết chắc chắn để giữ trứng không rơi ra ngoài. Có lẽ việc mỗi tổ chỉ có một quả trứng to màu trắng, nở ra quân số cũng không nhiều nên bồ câu Nicoba cũng trở nên hiếm hơn.
Chim trống và mái sẽ thay phiên nhau ấp trứng khoảng hơn 20 ngày thì con non sẽ nở. Sau 5-6 tuần được nuôi dưỡng, con non trở nên cứng cáp và thêm một chút thời gian nữa chúng có thể tự kiếm ăn và sẽ rời xa bố mẹ để sống độc lập.
Bảo tồn và phát triển loài chim quý hiếm
Dữ liệu về bồ câu Nicoba hiện vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển loài bồ câu này rất quan trọng và cần thiết. Bởi chúng là 1 trong 6 loài trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới khi xét về danh lục các loài chim tại Côn Đảo.
Chia sẻ từ ông Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, bồ câu Nicoba là loài chim quý hiếm ở nước ta và thế giới, có giá trị về cả mặt khoa học lẫn thẩm mỹ.
Được biết, trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ tăng cường các hoạt động bảo vệ, theo dõi nghiên cứu và tuyên truyền để người dân chung tay nâng cao ý thức cùng bảo vệ loài chim quý hiếm và xinh đẹp này.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/bi-an-nicoba-loai-bo-cau-huong-noi-quy-hiem-moi-xuat-hien-tai-vuon-quoc-gia-con-dao-20221106121536258.chn” name=””]