Có nhiều thói quen nấu ăn tưởng chừng như vô hại nhưng lại không hề tốt cho sức khỏe, chị em cần tránh.
1. Đợi dầu ăn bốc khói mới cho rau vào nấu
Nhiều người có thói quen để cho dầu thật nóng già, đến mức bốc khói rồi mới cho thực phẩm, rau củ quả vào chiên, xào. Tuy nhiên, khi chảo dầu bốc khói, nhiệt độ của dầu đó thường lên tới trên 200 độ C. Nếu cho rau vào chảo lúc này, nhiều chất dinh dưỡng trong rau bị phá hủy, thậm chí sản sinh ra chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngoài ra, ở nhiệt độ này, không chỉ các vitamin tan trong dầu bị phá hủy mà các axit béo thiết yếu cho cơ thể cũng bị oxy hóa và phá hủy làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu.
Không chỉ thế, thức ăn có thể có mùi khét nếu chiên trong dầu bắt đầu bốc khói.
Do đó, khi nấu ăn, bạn chỉ nên để nhiệt độ của dầu ở mức 150 độ C. Cách đơn giản nhất để kiểm tra xem dầu đạt hay chưa thì dùng đũa tre nhúng vào dầu. Thấy có nhiều bọt xung quanh nổi lên tức là nhiệt độ dầu vừa đủ để bắt đầu nấu.
2. Sau khi nấu xong không cọ xoong nồi lại nấu luôn món khác
Để nhanh và tiện, đỡ mất thời gian, nhiều người có thói quen nấu ăn xong một món, lấy hết thức ăn trong nồi ra bát hoặc đĩa rồi lại sử dụng luôn xoong/nồi đó để nấu món khác mà không hề cọ rửa.
Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng, dầu mỡ và cặn thức ăn của món trước sẽ bám trên bề mặt nồi tưởng như sạch sẽ nhưng khi đun lại ở nhiệt độ cao chúng sẽ sinh ra chất gây ung thư như benzopyrene.
Do đó, cách tốt nhất và an toàn nhất là mỗi khi chiên hoặc nấu xong một món ăn, bạn nên vệ sinh nồi cẩn thận trước khi làm món sau. Điều này không chỉ giúp giảm việc sản sinh các chất độc hại mà còn tránh làm ảnh hưởng đến hương vị của món ăn sau do cặn thức ăn của món trước để lại.
3. Dùng dầu thừa để nấu món mới
Để tiết kiệm, nhiều người dùng dầu ăn rán thừa của món trước để xào, nấu món ăn mới. Tuy nhiên cách làm này rất hại sức khỏe. Dầu sau khi sử dụng nhiều lần ở nhiệt độ cao dễ sinh ra các chất gây ung thư như benzopyrene, andehit…
Không chỉ thế, dầu ăn thừa của các món chiên rán đã có vị của món đó, nếu tận dụng nấu món sau chắc chắn món mới sẽ bị ảnh hưởng đến hương vị. Chẳng hạn tận dụng dầu thừa của cá rán để xào rau hay nấu canh chắc chắn món rau hay canh đó sẽ có vị tanh của cá…
Cách tốt nhất nên sử dụng dầu ăn một lần, sử dụng dầu mới để nấu ăn, không nấu lại dầu ăn cũ, đặc biệt là dầu đã chiên rán ở nhiệt độ cao.
4. Cho nhiều dầu vào món rau xào
Bản thân nhiều người rất thích cho nhiều dầu ăn vào để xào rau, vừa muốn rau có độ bóng, lại tránh bị cháy chảo. Tuy nhiên, bản thân rau rất hút dầu, nếu nấu quá nhiều dầu sẽ không có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ của cơ thể.
Vì vậy, lượng dầu để nấu mỗi một món rau xào không nên quá một muỗng canh. Ngoài ra, cũng nên hạn chế nấu nhiều món chiên rán, xào để hấp thụ quá nhiều dầu vào cơ thể. Cách chế biến tốt cho sức khỏe thường là luộc, hấp.
5. Tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu
Trong quá trình nấu nướng sẽ sinh ra một lượng lớn các chất độc hại và máy hút mùi đóng vai trò rất quan trọng trong việc loại bỏ khí thải.
Một số người thích tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu. Trên thực tế, sau khi nấu xong vẫn còn lượng khí thải chưa được loại bỏ vẫn còn trong bếp.
Vì vậy, cách tốt nhất là sau khi nấu xong, đừng tắt ngay máy hút mùi mà để máy tiếp tục chạy từ 3 đến 5 phút để đảm bảo thải hết khí độc hại ra ngoài. Ngoài ra, hãy cố gắng mở cửa sổ khi nấu nướng, để ở một mức độ nhất định, nó cũng có thể làm giảm dư lượng chất độc hại trong nhà bếp.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/5-thoi-quen-khi-vao-bep-tuong-tien-loi-nhung-lai-lam-hong-vi-mon-an-gay-hai-suc-khoe-d283475.html” alt_src=”” name=””]