Khi ra đời, Thủy không có đôi chân. Thủy di chuyển bằng đầu gối từng bước một. Khi bước lên chiếc xe máy ba bánh, bước đi trên đường hay nhấc mình lên từng bậc thang nơi làm việc, Thủy đều rất quyết tâm và chắc chắn.
Gần mười năm làm quản lý trung tâm giáo dục đặc biệt, phỏng vấn hàng trăm ứng viên, nhưng tôi chưa gặp ứng viên nào đặc biệt như Thu Thủy. Cảm ơn cơ duyên đã cho tôi được gặp, làm việc và học hỏi thật nhiều từ cách sống rất đẹp của em.
Phạm Thị Thu Thuỷ lên xuống các bậc thang khá vất vả |
Cô gái chỉ cao 1,1m
Ngoài công việc quản lý Trung tâm Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên, tôi còn giảng dạy tại Đại học Sư phạm TPHCM. Tôi hay nghe nhiều sinh viên nhắc đến Phạm Thị Thu Thủy, sinh viên ngành giáo dục đặc biệt, bằng sự mến mộ.
Nhiều người gặp Thủy thừa nhận: Chỉ cần trò chuyện sẽ cảm thấy thương mến và hết lòng khâm phục cô. Có thể, bởi vì trước muôn vạn khó khăn, nghịch cảnh phủ xuống cuộc đời, Thủy vẫn không đầu hàng số phận. Cũng có thể vì nụ cười tỏa nắng luôn túc trực trên môi cô giáo chỉ cao 1,1m.
Thủy đang là chủ nhiệm câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu của Trường đại học Sư phạm TPHCM. Thủy phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và truyền thông, lan tỏa loại hình ngôn ngữ này tại các trung tâm dành cho người khiếm thính. Thủy dành nhiều thời gian tham gia các diễn đàn cho người kém may mắn, các chương trình truyền hình, báo chí nhằm chia sẻ nghị lực sống, tinh thần không ngừng vươn lên trước nghịch cảnh cuộc đời.
Thủy đã thực hiện được ước mơ trở thành một giáo viên giáo dục đặc biệt |
Tôi nhận được đơn xin việc của em. Sau khi phỏng vấn, em vào làm việc với vị trí giáo viên giáo dục đặc biệt. Thủy đã gửi gắm đến nơi làm việc khát khao đóng góp công sức, để giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, chậm nói, rối loạn hành vi… khởi sắc hơn.
Vẫn yêu, dù không biết mẹ là ai
Khi ra đời, Thủy không có đôi chân. Thủy di chuyển bằng đầu gối từng bước một. Khi bước lên chiếc xe máy ba bánh, bước đi trên đường hay nhấc mình lên từng bậc thang nơi làm việc, Thủy đều rất quyết tâm và chắc chắn.
Có lần tôi hỏi Thủy: “Động lực nào giúp bạn vượt lên nghịch cảnh và sống rạng rỡ mỗi ngày?”.
Thủy bộc bạch: “Em bị bỏ rơi ở Bệnh viện Từ Dũ khi vừa chào đời. May mắn em được Trung tâm Tam Bình, Thủ Đức nhận về nuôi nấng và chăm sóc. Đến năm 12 tuổi, em chính thức trở thành một thành viên của làng Hòa Bình – mái ấm dành cho người khuyết tật.
Lúc còn ở trung tâm Tam Bình, chứng kiến những đứa trẻ khác có người đến thăm, em đã tự hỏi về sự tồn tại của mình trên cuộc đời này. Khi đó em cũng chỉ là một đứa trẻ chưa đủ nhận thức.
Em luôn tự hỏi và làm khó mình với suy nghĩ “Tại sao ba mẹ lại sinh con ra trên đời?”. Nhưng rồi khi có nhiều hiểu biết hơn, em nghĩ mẹ như một động lực giúp em cố gắng hoàn thiện chính mình”.
Mẹ trong lòng Thu Thủy là một hình tượng cô xây dựng bằng tất cả nỗi khát khao có mẹ mãnh liệt của một đứa trẻ khiếm khuyết và mồ côi.
Có người bật khóc khi thấy trang Facebook của Thu Thủy có dòng chữ “con yêu mẹ”. Dù Thủy không biết mẹ mình là ai, có yêu con không, vì sao sinh con ra; vì đâu mẹ bỏ rơi con, mẹ có kiếm tìm con dù chỉ một lần không, có tự hào khi thấy con luôn hướng về mẹ trên trang báo, trên sóng truyền hình hay trong từng khoảng nhớ mong; mẹ có biết con gái đã trở thành cô giáo của những đứa trẻ?… thì Thủy vẫn cứ yêu mẹ, vẫn sống như một người con gái đẹp, có mẹ cạnh bên, che chở.
Trang Facebook đầy lạc quan của Thuỷ |
“Thương cô Thủy con để trong tim”
Nhiều người nghe tới ngành giáo dục đặc biệt, giáo viên đặc biệt hay giáo dục trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, khuyết tật… là đã hình dung khó khăn trăm bề, những vất vả, hy sinh…
Nếu ai không có tâm, không có sức, không đam mê, không yêu trẻ thì không thể theo đuổi nghề lâu dài được. Nhưng Thu Thủy không ngại khó, ngại khổ, cô khởi phát ý định học tập và theo đuổi đến cùng.
Khi tôi tìm hiểu về cơ duyên đến với nghề giáo dục đặc biệt của Thủy, cô chia sẻ: “Khi em đủ tuổi vào lớp Một, tất cả các trường đều từ chối bởi vì em là người khuyết tật. Năm tám tuổi em mới được vào học lớp Một. Thời điểm đó em bị châm chọc là đứa trẻ không cha không mẹ và bị cô lập giữa bạn bè. Năm 12 tuổi, em được chuyển qua làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ. Em vừa đi học, vừa hỗ trợ những bạn có hoàn cảnh giống mình.
Từ đó em mới cởi mở và tự tin hơn. Khi được sống chan hòa trong môi trường cộng đồng người khuyết tật, em được là chính mình, em không còn co cụm lại vì sợ những ánh nhìn từ người khác. Trong thời gian đó, em được học ở Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật quận 3. Chính nơi này đã ươm mầm cho ước mơ trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt – dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính của em”.
Thủy hiểu rõ nhiều rào cản của người khuyết tật, tâm lý dễ tự ti trước ánh nhìn của người xung quanh. Thủy hiểu rõ khát khao được sống, được đóng góp sức lực nhỏ bé của người khuyết tật cho cộng đồng, hay chí ít là cho chính mình, để bớt cảm thấy chông chênh, bớt trở thành gánh nặng hay phụ thuộc vào người khác.
Vì là người khuyết tật, từng là đối tượng cần giáo dục đặc biệt, Thủy mong trở thành giáo viên, để được dạy những đứa trẻ đặc biệt. Thủy chăm chỉ học hành, ôn luyện và thi đậu vào Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm TPHCM: “Em nhận ra chỉ làm cô giáo, em mới có thể dạy trẻ khuyết tật. Em mong các bạn tự tin hơn, tích cực sống, mạnh dạn với mọi người xung quanh và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình”.
Vì lẽ đó, Thủy đã nỗ lực học hành, nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, không quên thiết lập các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, kết nối với những người cần giúp đỡ, chia sẻ… để tự bình thường hóa tâm lý bản thân, bình ổn cảm xúc, bình tâm với nghề.
Nếu người bình thường phải nỗ lực 100% thì Thủy nỗ lực 200, 300 hay 1000%… Và Thủy đã vỡ òa hạnh phúc khi cuối cùng đã đi hết chặng đường đại học bốn năm và trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt.
Khi say sưa dạy cho học trò, nghe học trò nói: “Thương cô Thủy con để trong tim”, Thủy càng tự nhắc mình rèn luyện, trau dồi, học hỏi quản lý, đồng nghiệp để không thụt lùi với kiến thức, phát kiến những phương pháp giáo dục mới mẻ, phù hợp với từng dạng trẻ đặc biệt.
Luôn biết ơn cuộc đời
Nhiều đơn vị muốn lan tỏa câu chuyện của Thủy cho cộng đồng nên tìm gặp cô. Dù lịch dạy học của Thủy dày đặc, còn phải dành thời gian làm giáo án, kế hoạch, học cụ… nhưng Thủy vẫn nhiệt tình hợp tác để được đến với mọi người trong yêu thương, thấu hiểu.
Với nụ cười luôn rạng rỡ, Thủy chia sẻ với tôi: “Em luôn biết ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc vì bất kỳ điều gì.
Em biết ơn cuộc đời luôn dành những điều tử tế cho em. Đối với em, những nỗi đau đã trở thành động lực, là bài học, là cơ sở để sống trọn vẹn hơn. Hoàn hảo hay không là do cách nhìn của mỗi người khi nhìn vào số phận đó như thế nào, có niềm tin và lòng biết ơn đối với cuộc sống này.
Vì đường đời nhiều gai, nên mình phải trải hoa hồng. Một ngày, em được sống, được thở đã là một ngày tuyệt vời. Em luôn nghĩ mình phải là chính mình, phải nỗ lực để ngày một tốt hơn, trở thành phiên bản tốt nhất, đặc biệt nhất”.
Mỗi lần gặp Thủy, tôi như vui khỏe hơn từ năng lượng lạc quan của cô. Mỗi sáng, Thủy đến Trung tâm An Nhiên trước giờ lên lớp một tiếng đồng hồ. Cô lau dọn bàn ghế, sắp xếp dụng cụ học tập. Buổi trưa, Thủy chăm cho các bé ăn, ru những bé khó ngủ.
Năm giờ chiều, Thủy lại lau dọn sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, rồi vui tươi trên chiếc xe máy ba bánh trở về làng Hòa Bình – mái ấm yêu thương của cô.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vi-duong-nhieu-gai-nen-minh-tu-trai-hoa-hong-a1477267.html” name=””]