Giá năng lượng tăng cao, người dân nhiều nước châu Âu phải lựa chọn giữa các nhu cầu cơ bản nhất để tiết kiệm năng lượng khi mùa đông khắc nghiệt đang đến.
Lựa chọn khó khăn giữa ăn hay sưởi ấm
Một buổi chiều ở một trung tâm hỗ trợ thực phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn ở Berlin, Đức, chị Monique Ruck mang theo một cái túi để đựng phần ăn gồm các loại hoa quả và một ít bánh cho 3 con nhỏ của mình. Mỗi tuần chị có 200 Euro để trang trải chi phí sinh hoạt, số tiền ít ỏi khiến chị chỉ có thể mua đồ giảm giá và nhờ cậy vào các ngân hàng thực phẩm. Hóa đơn năng lượng tăng phi mã khiến hầu bao của chị ngày càng eo hẹp hơn.
Chị Ruck chia sẻ một cách chậm rãi: “Tôi đang trả 111 Euro cho tiền điện, nhưng sớm thôi, hóa đơn điện sẽ tăng gấp đôi lên hơn 220 Euro. Tôi phải từ bỏ nhiều nhu cầu để duy trì đèn điện sáng trong nhà. Khi bọn trẻ ăn thừa, tôi sẽ ăn nốt thức ăn của chúng. Đơn giản như tôi thích ăn kem nhưng giờ cũng không thể chi trả cho món đó nữa”.
Đáng tiếc là ở châu Âu những ngày này, câu chuyện của chị Ruck chẳng phải là cá biệt.
Chị Monique Ruck dùng bữa với con của mình tại trung tâm hỗ trợ người thu nhập thấp tại Berlin, Đức – Ảnh: Reuters
Nhà là nơi chúng ta tìm về, là nơi an toàn và ấm áp để che chở cho các gia đình, nhưng đối với hơn 4 triệu hộ gia đình ở Anh, thực tế lại rất khác. Chi phí sinh hoạt ở mức cao nhất trong một thập kỷ, mùa đông năm nay nhiều gia đình sẽ phải đối mặt với quyết định khó khăn giữa việc chọn chi những đồng thu nhập ít ỏi để mua thức ăn hay sưởi ấm ngôi nhà của mình.
Ở Anh, tổ chức “Don’t Pay UK” đang kêu gọi người dân tẩy chay hoá đơn năng lượng từ ngày 1/10 và chiến dịch “Enough is Enough” do công đoàn hậu thuẫn đã khởi động một loạt cuộc tuần hành và hành động từ cuối tháng 8 nhằm kêu gọi tăng lương, áp trần giá thuê nhà, giá cả phải chăng cho năng lượng, lương thực – thực phẩm và thuế đánh vào người giàu.
Một cuộc biểu tình phản đối chi phí năng lượng tăng cao ở London, Anh – Ảnh: AP
Một cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí ngày càng tồi tệ ở châu Âu đã dẫn tới các cuộc biểu tình của người lao động trong các lĩnh vực giao thông công cộng, y tế và hàng không ở Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ. Người biểu tình kêu gọi tăng lương để giúp họ ứng phó với tốc độ lạm phát bùng nổ.
“Chẳng ai muốn bị cúp điện cả” – chuyên gia cấp cao Simone Tagliapietra của viện nghiên cứu kinh tế Bruegel ở Brussels phát biểu, nói thêm rằng tất cả các lựa chọn đều phải được xem xét nhằm tránh kịch bản đó, bao gồm cả những biện pháp gây ô nhiễm. Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga căng thẳng, nhiều nước châu Âu vận hành trở lại các nhà máy nhiệt điện. Một số chuyên gia kinh tế nói rằng nhu cầu trước mắt phải đảm bảo đủ điện và nhiệt sưởi sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các mục tiêu trung và dài hạn của châu Âu về tăng cường sử dụng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.
“Mùa đông bất mãn” đe dọa sự ổn định xã hội
Dù châu Âu chọn con đường nào, mùa đông sắp tới nhiều khả năng sẽ tràn ngập bất ổn xã hội. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo “mùa đông của sự bất mãn toàn cầu đang ở trước mắt”, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng và chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Ông Guterres kêu gọi mạnh tay đánh thuế các tập đoàn năng lượng hóa thạch để hỗ trợ các nước và người dân chịu thiệt hại do khủng hoảng khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo về “mùa đông bất mãn” vì chi phí sinh hoạt tăng mạnh – Ảnh: Reuters
Bình luận được ông Guterres đưa ra sau khi Hội đồng Châu Âu (EC) tung ra đề xuất các nước EU đánh thuế 33% nhắm vào lợi nhuận thặng dư của các doanh nghiệp năng lượng. Trước đó, Anh cũng áp thuế 25% với các doanh nghiệp năng lượng trong năm nay nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì chi phí năng lượng tăng cao. Tuy vậy, Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết sẽ không tăng thuế thêm.
Khi buộc phải chọn giữa các nhu cầu cơ bản, giữa ăn uống hay sưởi ấm thì tâm lý bất mãn của người dân sẽ lan rộng, các hoạt động phản đối trên quy mô lớn có thể sẽ khiến các chính phủ lung lay, đây là cảnh báo của bà Naomi Hossain, giáo sư về chính trị phát triển tại Đại học Hoa Kỳ ở Washington, D.C.
“Một cuộc biểu tình về năng lượng thường biến thành một cuộc biểu tình chính trị, giống như đã xảy ra ở Sri Lanka” – nơi làn sóng biểu tình phản đối khủng hoảng kinh tế đã khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa của nước này phải từ chức hồi tháng 7, bà Hossain nhấn mạnh.
Giá bánh mì trung bình trên toàn EU đã tăng 18% vào tháng 8/2022 so với một năm trước – Ảnh: AP
Cảm giác đau ví vì phải thanh toán những hóa đơn năng lượng quá đắt đỏ là dấu hiệu không lành cho các chính phủ ở châu Âu, giáo sư Hossain cũng thúc giục các chính phủ trong khu vực lắng nghe những gì đang xảy ra trên đường phố và tìm biện pháp để giải toả sự căng thẳng đó. “Cho tới khi mọi người cảm thấy nhu cầu năng lượng của họ được lắng nghe, tôi không cho là có lý do để họ dừng biểu tình”, bà Hossain nhận định.
Châu Âu gấp rút ứng phó khủng hoảng năng lượng
Đối mặt với nguy cơ phải cúp điện liên miên, các nước EU đã đưa ra một loạt biện pháp để tiết kiệm năng lượng. Chính phủ Tây Ban Nha ra quy định giới hạn nhiệt độ điều hoà không khí ở mức không thấp hơn 27 độ C tại các toà nhà công cộng, khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm.
Trong khi đó, Pháp đang tập trung vào “sự điều độ năng lượng” bằng các biện pháp dự kiến sẽ triển khai từ cuối mùa hè này, bao gồm tắt đèn của các biển hiệu quảng cáo ngoài trời vào ban đêm và phạt những cửa hiệu để cửa mở trong lúc đang sưởi ấm hoặc làm mát.
Các cửa hàng tại Pháp sẽ bị phạt tiền nếu bật điều hòa và mở cửa – Ảnh: Getty
Đức – nước châu Âu có mức độ phụ thuộc lớn nhất vào năng lượng hoá thạch của Nga – đã đưa ra mức trần nhiệt độ sưởi ấm là 19 độ C trong mùa Đông năm nay đối với các toà nhà công cộng và bể bơi công cộng. Một số thành phố như Augsburg đang tính tắt bớt đèn giao thông.
Trong bối cảnh áp lực của cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng lớn, các chính phủ châu Âu đang gấp rút triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân. Trong năm 2021, các nước châu Âu đã chi gần 500 tỷ euro để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp do giá khí đốt và năng lượng tăng cao. Đây là kết quả nghiên cứu do tổ chức Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) công bố ngày 21/9.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất các giải pháp cải tổ thị trường điện – Ảnh: Reuters
27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chi 314 tỷ euro để triển khai các biện pháp trên, trong khi Anh chi 178 tỷ euro. Tuy nhiên, nếu tính cả việc các chính phủ có dư địa tài chính lớn hơn đã tiến hành quốc hữu hóa, cứu trợ, cung cấp các khoản vay thì các nước EU có thể đã chi đến gần 450 tỷ euro. Nhiều biện pháp được biết là chỉ áp dụng tạm thời nhưng Bruegel cho rằng sự can thiệp của nhà nước đã dần trở thành một hình thức hỗ trợ. Chuyên gia cấp cao Simone Tagliapietra của Bruegel cho rằng điều này rõ ràng không bền vững đối với tài chính công.
Ủy ban châu Âu hôm 14/9 cũng đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề năng lượng. Theo đó, các thành viên EU được khuyến khích cắt giảm 10% tổng mức sử dụng điện và bắt buộc cắt giảm 5% lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm. Kế hoạch cũng đề xuất áp thuế lên các công ty năng lượng hóa thạch để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, gia đình gặp khó khăn. Những biện pháp này sẽ được thảo luận và bỏ phiếu trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 30/9 tới.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/an-hay-suoi-am-lua-chon-kho-khan-vi-khung-hoang-nang-luong-tai-chau-au-20220923134958548.chn” name=””]