Avatar: The Way of Water hoành tráng và đầy tính nhân văn, xứng đáng với nền móng mà Avatar (2009) từng thiết lập.
Năm 2009, Avatar từng tạo ra một cơn địa chấn trên quy mô toàn thế giới. Người xem, dù là mọt điện ảnh hay khán giả đại chúng, đều phải ngả mũ kính phục trước khung cảnh hành tinh Pandora và những người Na’vi được James Cameron sáng tạo, thổi hồn trên màn ảnh với sự trợ giúp của công nghệ làm phim 3D. 13 năm kể từ mốc thời gian ấy, Avatar trở lại với phần hậu truyện Avatar: The Way of Water. Đây là phần đầu tiên của chuỗi phim hậu truyện dự tính kéo dài bốn phần mà vị đạo diễn ấp ủ, tiếp tục đưa khán giả khám phá những chân trời ít ai biết đến của hành tinh Pandora.
Giữa bối cảnh Hollywood đã bão hòa các ý tưởng, và dường như không có một bom tấn mới ra rạp nào nào đủ tốt, Avatar: The Way of Water gánh trên vai kỳ vọng của cả giới phê bình và người hâm mộ về một tác phẩm mang đến trải nghiệm có một không hai như Avatar (2009) đã từng. Kỳ vọng ấy có thể đọc được qua mức đầu tư khổng lồ, qua những con số doanh thu ước tính, những đề cử giải thưởng được trao cho The Way of Water từ trước cả khi phim chính thức phát hành. Tác phẩm kỳ công của James Cameron cuối cùng cũng chính thức ra rạp từ ngày 16/12 với độ dài đáng nể – hơn 190 phút. Nhưng đó là 190 phút mà một khi đã trải qua, khán giả sẽ muốn quay trở lại, và tiếp tục quay trở lại.
Kỳ quan Pandora dưới lòng đại dương
Avatar: The Way of Water mở ra ở mốc thời gian 15 năm sau các sự kiện của phần phim đầu tiên. Bước ra từ cuộc chiến khốc liệt với Người Trời, Jake Sully (Sam Worthington) và Neytiri (Zoe Saldana) đã tìm thấy bình yên bên nhau. Họ trở thành vợ chồng, sinh con đẻ cái và chớp mắt đã thành phụ huynh của 4 đứa trẻ. Nhưng cuộc sống yên bình ấy chẳng kéo dài mãi mãi khi hiểm họa một lần nữa kéo đến từ một vì sao xa trên bầu trời. Sau cuộc đấu tranh tinh thần đầy đau đớn, nhà Sully phải rời bỏ mảnh đất quê hương giữa núi rừng, trở thành những kẻ tị nạn tại bộ tộc Metkayina sinh sống rải rác ở các vùng duyên hải của Pandora.
Tại Metkayina, gia đình Sully phải học cách thích nghi với một môi trường sống mới, hòa nhập với một nền văn hóa vừa quen vừa lạ. Lũ trẻ nhà Sully – gồm con trai cả Neteyam (Jamie Flatters), con trai thứ Lo’ak (Britain Dalton), con gái út Tuk (Trinity Jo-Li Bliss) và cô con gái nuôi Kiri (Sigourney Weaver) – đã nhanh chóng kết bạn với lũ trẻ người Metkayina và cùng nhau khám phá hệ sinh thái kỳ vĩ bên dưới lòng đại dương. Nhưng giữa cảnh sống yên bình ấy, Neytiri vẫn luôn cảm thấy cuộc đời mình tạm bợ, Jake canh cánh về mối hiểm nguy treo lơ lửng trên đầu. Bản thân các con anh cũng có những cách phản ứng rất khác nhau trước cuộc di cư đột ngột. Tình huống càng thêm ngặt nghèo khi một lần nữa kẻ thù truyền kiếp của Jake Sully đã lại kéo quân tới trước cổng nhà.
Sau 15 năm, chiến tranh đã một lần nữa tìm tới Jake Sully, buộc anh và gia đình phải bỏ xứ mà đi (Ảnh: 20th Century Studios)
Trong lần trở lại này, James Cameron đã tìm ra công thức để đưa những câu chuyện cũ, cảnh cũ, người xưa từ thời Avatar (2009) lên màn ảnh rộng mà không hề tạo cảm giác khiên cưỡng hay quá tải thông tin với khán giả. Chỉ trong vài chục phút mở đầu phim ngắn ngủi, kịch bản đã xong xuôi phần “lễ” – giới thiệu lại nhân vật cũ, điểm danh nhân vật mới, tóm tắt các sự kiện cũ, cập nhật tình hình trong 15 năm, đặt vấn đề trong phần phim mới… – để bước sang phần “hội” là chuyến di cư của nhà Sully. Nhưng động lực của chuyến di cư đến miền đất mới ấy lại là sự hủy diệt tự nhiên, một cuộc thảm sát đúng nghĩa do những “Người Trời” da trắng reo rắc. Mâu thuẫn này từng là xương sống của Avatar và giờ tiếp tục là sợi chỉ đỏ được James Cameron sử dụng để dẫn dắt phần phim mới của mình.
Về tổng thể, sự chuyển tiếp từ Avatar tới Avatar: The Way of Water nhìn chung khá mượt mà nhờ duy trì được chủ đề trung tâm sáng rõ. Phần hậu truyện đã hoàn thành được hai mục tiêu: Đưa khán giả chu du vào miền đất thần tiên – mà nhiều tờ báo đã không ngần ngại mô tả bằng cụm từ “kỳ quan điện ảnh” – và kể một câu chuyện đầy tính ẩn dụ về những người tha phương vì chiến tranh, về nỗi đau mất mát cũng như khát vọng hòa bình.
Khung cảnh miền duyên hải Pandora được dựng lên đầy vẻ thần tiên nhưng cũng tràn sức sống (Ảnh: Disney)
Ở vế đầu tiên của lời ngợi khen, nếu 13 năm trước thế giới phải ngỡ ngàng trước vẻ thần tiên ma mị của những cánh rừng nguyên sinh Pandora, thì đến The Way of Water, họ một lần nữa phải sững sờ trước vẻ đẹp của thế giới đại dương mà James Cameron cùng ê-kíp đã dày công xây dựng. Còn nhớ chỉ vài tháng trước, khán giả yêu điện ảnh từng chu du tới một vương quốc khác dưới lòng đại dương trong Black Panther: Wakanda Forever (2022).
Tuy nhiên Talokan chỉ giống như một phông nền được tô vẽ đầy ước lệ ở đằng sau lưng nhân vật. Còn vùng duyên hải của Pandora, trái lại, mang đến cảm giác của một vùng đất có thật, với hệ sinh thái đa dạng, đầy sức sống. Đó là không gian đang bao lấy nhân vật, sản sinh ra họ, nuôi nấng họ lớn lên và đón nhận họ khi đã nhắm mắt lìa đời. So sánh vậy để thấy đây không chỉ là cách biệt về công nghệ. Nó còn phản ánh tâm hồn, sự mộng mơ của người đạo diễn nhào nặn nên những khung hình tưởng tượng ấy.
Câu chuyện gia đình ấm áp
Có thể thấy khoảng thời gian cách biệt 13 năm giữa hai phần phim Avatar ngoài đời thật và 15 năm trong diễn biến trên phim đã được kéo gần bằng một cuộc chuyển giao thế hệ. Trên màn ảnh, khán giả không chỉ thấy những thay đổi trong cuộc đời của dàn nhân vật mình từng một thời yêu mến mà còn được giới thiệu với con cái họ và nhanh chóng trở nên gắn bó với chúng. Nếu trong Avatar, khán giả được khám phá Pandora qua điểm nhìn của anh lính Jake, thì tới The Way of Water, người đưa khán giả đi khám phá những chân trời mới của hành tinh này chính là bốn anh chị em nhà Sully. Chúng được thừa hưởng sự can đảm, táo bạo của cả bố lẫn mẹ, nhưng lại có cả sự bồng bột, vô lo vô nghĩ lẫn khao khát chứng tỏ bản thân của tuổi mới lớn.
Dàn nhân vật thiếu niên đã mang đến sức sống mới cho bộ phim (Ảnh: 20th Century Studios)
Hồi một của phim được kể qua góc nhìn của Jake như một sự hồi cố tri tân gắn với Avatar (2009), cũng đồng thời khắc họa những thay đổi trong tâm lý nhân vật này từ chỗ một người người lính trở thành một người trụ cột gia đình. Nhưng khi nhà Sully đã tới ở cùng tộc Metkayina, vai trò người kể chuyện được nhường lại cho các con anh, đại diện bởi cậu bé Lo’ak. Nhờ sự thay đổi góc nhìn này, khán giả đã có thể tạm gác những ám ảnh đầy mùi khói lửa hủy diệt để thả hồn vào những khung cảnh thần tiên một cách vô tư và đầy háo hức.
Những đứa trẻ đã mang đến sức sống cho hồi hai của The Way of Water. Khán giả bị cuốn theo câu chuyện của chúng, để bản thân bị trôi theo những vui buồn, hờn giận của tuổi mới lớn – những diễn biến đôi khi dễ đoán, đôi khi hơi sách vở nhưng vẫn được xử lý theo một cách khá chừng mực. Sự mất cảnh giác của khán giả có thể cũng chính là một phút xao nhãng của Jake khi trong suốt hồi hai của tác phẩm, anh xuất hiện thưa vắng hơn, với vai trò của một người phụ huynh đau đầu vì đám con tuổi mới lớn thay vì một chiến binh cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù.
Hồi hai của The Way of Water có thể coi như một cuộc triển lãm nghệ thuật trong lòng đại dương kết hợp với thước phim gia đình tuổi mới lớn trong trẻo. Nhưng nó cũng là phần thử thách người xem hơn cả vì nhịp phim đột ngột bị kéo dãn. Xét cho cùng, đây vẫn là sự chờ đợi xứng đáng bởi hồi ba của phim, bắt đầu bằng cuộc tấn công của “Người Trời” vào quần đảo đã đẩy mạch phim gấp gáp trở lại. Đây chính là phần kem trên mặt bánh gateaux, chiêu đãi những khán giả đã đồng hành cùng bộ phim suốt hai tiếng trước đó.
Avatar: The Way of Water làm rất tốt khâu xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật (Ảnh: Disney)
Lúc này, The Way of Water chuyển mình, mang dáng dấp của một siêu phẩm chiến tranh kịch tính, nghẹt thở. Ánh đèn sân khấu trở lại với Jake, hay nói đúng hơn, anh chia sẻ nó với gia đình mình. Jake ra trận, nhưng tâm thế đã khác. Anh không còn là một chiến binh trừ gian diệt bạo. Anh là người cha làm tất cả để bảo vệ gia đình. Đây cũng là trường đoạn mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc mãnh liệt hơn cả. Vì chiến tranh không phải trò đùa. Đây là điều mà Jake đã thấm thía, nhưng với các con anh – những đứa trẻ sinh ra và lớn lên khi Pandora đã bình yên – chúng buộc phải tiếp nhận bài học này theo những cách thật khó khăn.
Avatar: The Way of Water hoành tráng, mãn nhãn, đáng đồng tiền bát gạo, là phần tiếp nối xuất sắc tác phẩm ra mắt năm 2009. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi phim còn kéo dài nhiều phần. Ở vế đầu tiên, The Way of Water chắc chắn làm “mát mặt” khán giả và chính 20th Century Studios cùng Disney. Nhưng ở vế thứ hai, phim đặt ra nhiều khó khăn lớn cho chính James Cameron và ê-kíp của ông.
Vì The Way of Water quá hoành tráng về hình ảnh và nhìn chung đã trọn vẹn về nội dung – cả mặt diễn biến lẫn cảm xúc – khán giả bước ra khỏi rạp sẽ đặt câu hỏi: Ta sẽ chờ đợi điều gì ở phần tiếp theo? Đây có lẽ cũng là nỗi trầm tư của đạo diễn James Cameron khi bắt tay thực hiện phần thứ ba của loạt phim và chuỗi phim tiếp theo sau nó. Bởi The Way of Water đã là một bước tiến lớn so với Avatar (2009), thì chắc chắn phần phim thứ ba cũng sẽ được kỳ vọng trở thành một cú đột phá so với sản phẩm liền trước, dù phần thứ hai đã quá vẹn tròn.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/avatar-the-way-of-water-dich-thi-la-ky-quan-the-gioi-chu-khong-don-thuan-la-mot-bo-phim-20221216201556066.chn” name=””]