Thoạt đầu, bạn chỉ định ở quê chăm má 45 ngày, đúng liệu trình thuốc bác sĩ chỉ định. Bạn định “kè” má thử một lần đi đến cùng xem sao…
Má sống quá lâu với bệnh khớp nên nghe thầy nào giỏi má cũng đi tìm, từ đông đến tây, từ châm cứu đến chích kim… Trên mạng quảng cáo loại thuốc khớp nào má cũng đặt mua, uống 1 – 2 lần rồi… nghỉ. Chỉ một điều bạn yêu cầu mà má không làm: Tập thể dục. Câu nói cửa miệng của má là: Má không làm được đâu con.
Bạn quyết định về quê theo sát lịch trình của má: Uống thuốc, song song bấm huyệt và lên một lịch trình tập luyện. Và rồi, từ 45 ngày theo dự định, cuối cùng bạn ở quê đến nửa năm.
Ngày thứ 40, bệnh của má cứ lình xình không giảm. Bạn nhắn tin cho chị Hai chia sẻ: “Em có cảm giác má không muốn bớt bịnh”. Bà chị gạt phăng: “Bậy mầy, ai lại không muốn hết bịnh chứ?”.
Bạn cáu: “Có người cả đời thích làm nạn nhân hơn là tìm giải pháp, Hai không biết sao”. Bà chị lèm bèm: “Mầy học vài khóa học, đọc vài cuốn sách là nghĩ có thể bắt bịnh người ta sao?”. Bạn cáu lắm nhưng không muốn nói nữa.
Cuối tháng thứ hai, bạn rủ: “Hay Hai về chơi với em một tuần, tiếp cho em chút năng lượng”. Bả lầm bầm: “Rồi mấy đứa nhỏ trong này để cho ai?”. Bạn nói tụi nó lớn rồi, tập cho tụi nó tự giải quyết chớ, rồi còn ba nó nữa chi. Bạn nghĩ có lẽ mình cũng chẳng nên kỳ vọng gì. Từ lúc lấy chồng sinh con, dường như vũ trụ của bà chị chỉ còn xoay quanh mấy “ngôi sao” tỏa sáng… trong nhà.
Tháng thứ ba, mẹ vẫn không thấy khỏe, bạn đồng ý ở nhà chăm vườn cây và cả ông nội trăm tuổi để ba đưa má vô Sài Gòn chữa bệnh. Quay đi quay lại, bạn thấy mình ở quê thêm 40 ngày nữa. Bạn nghĩ chuyến này má đã đi lại được, ba cũng cần học cách giúp đỡ má chăm sóc ông nội, bạn phải quay về với công việc của mình.
Rồi khi chuẩn bị đi, bạn nghe má ngỏ ý muốn sửa nhà kẻo mùa mưa tới, phải cơi nới cái hiên để vài bữa ông nội nằm xuống có chỗ cho bà con về… Thế là bạn ở nhà coi thợ. Bạn kêu hai ông anh rảnh về ngó qua chút, chớ bạn có rành gì về xây dựng.
Hai anh của bạn, ông thì than nợ ngân hàng lãi đang tăng quá, phải cày bừa trả nợ (làm như sợ về phải góp tiền sửa nhà); ông thì than nhiều việc, con nhỏ… ngồi chưa nóng đít đã đi.
“Con nhỏ” làm xong cái nhà mất cả tháng. “Con nhỏ” bặm môi gồng gánh một mình. Mà con người cũng kỳ, thấy có ai gánh đỡ là nghiễm nhiên nghĩ đó là việc của họ, mình vô can. Bạn hơi bất bình trước thái độ thờ ơ của “mấy người bọn họ” nhưng cũng không nói gì. Nếu mấy “ông bà” quẳng cục lơ lại thì yên chuyện.
Bà chị dâu lại còn giả lả: “Giàu út hưởng, khó út chịu”, bạn nghe muốn phát rồ. Máu nóng bốc lên đầu nhưng bạn chỉ nói: “Ừa, cha mẹ không phải của riêng út nghe mấy anh chị!”. Bạn nói rồi cầm điện thoại đặt vé vào lại Sài Gòn.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Bạn căn dặn ba rất nhiều lần: “Ba phải luôn nhớ là mình đã già, không phải là trai mới lớn, bỏ cái vụ “Ai nhiêu mình bấy nhiêu” đi nghen ba (từ chuyện nhậu, chuyện hút đến chuyện làm…)”.
Không biết ba nghe được bao nhiêu mà trong một phút loay hoay chỉnh cây chỉnh chậu, ba quên mất mình đã 70, bê cái chậu kiểng định dời sang chỗ khác. Vừa bưng lên thì nghe tiếng rốp. Bạn nghe ông già nghiến răng nghiến lợi thông báo: “Chắc gãy xương rồi con”. Cái đầu gối bị gãy một lần hồi trẻ giờ tổn thương lại.
Nhìn ông bước từng bước khó nhọc, kéo lê cái chân còn lại, bạn đành hủy vé. Hôm đưa ba đi chụp phim và khám bệnh, bạn có chụp toa thuốc gửi lên nhóm nhà. Không biết mọi người có xem không mà không ai nói gì.
Bạn lầm bầm với má: “Con mà biết vầy, con kêu má khỏi đẻ đứa nào, đẻ cái trứng luộc ăn còn có chút bổ dưỡng”. Má bạn thở dài nói: “Mai mốt má có đi trước thì con nuôi ba nghen”. Bạn thẳng thừng: “Má làm ơn nhớ rằng má có tới bốn đứa con chớ không phải một con út này nghen má”. Má có vẻ sốc.
Bạn vào Sài Gòn chưa được một tuần, chưa sắp xếp lại chỗ ăn chỗ ở và công việc thì nhận được điện thoại của ba. Ông nói tối qua ba chở má đi đám cưới con ông Hai Thọ, về tới cổng nhà rồi, mà cái chân ba yếu, chống chân sao không biết mà bị ngã xe.
Bạn hết hồn tưởng ba gãy tiếp chân kia hay chân cũ lại gãy thì nghe giọng ba ngùi ngùi: “Ba không bị sao mà ba làm má con gãy tay rồi. Con có thể gọi điện cho chị hay anh con động viên đứa nào về lo cho má ít bữa không con?”.
Trên đường ra bến kiếm xe về quê, bạn nghĩ thầm ba cũng chơi chiêu lắm chứ chẳng chơi! Muốn đứa nào về thì cứ gọi cho đứa đó chớ sao gọi kêu mình động viên mấy người kia làm gì. Mà thật, khi biết bạn về, bà chị dâu ngạc nhiên hỏi: “Ủa, về làm gì vậy út?”. Bạn nói về thăm má chớ làm gì, bả ừ há tỉnh bơ. Bạn ước mình có thể vô tư như mấy người bọn họ.
Từ lúc má gãy tay, bó bột đến ngày cắt bột, tháo băng vẫn không thấy bóng chim tăm cá nào. Bạn nghĩ ba má bạn không nói gì, vì họ cũng đã tiên liệu được tình hình, nhưng nỗi buồn trong ruột, dù có tiên liệu được, chắc gì đã tiêu tan.
Ban Mai
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-me-cua-ai-noi-buon-co-tieu-tan-a1470317.html” name=””]