Dù có những ngày cuộc sống mang lại nhiều thử thách và bế tắc tưởng chừng không thể vượt qua, Minh Phương vẫn không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để có cuộc sống đủ đầy cho con gái.
Lê Nguyễn Minh Phương (sinh năm 1987, quê Đà Nẵng) từng là một giảng viên Đại học Ngoại ngữ. Cô nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc vào năm 2013 và theo học Thạc sĩ tại Trường Đại học danh giá Yonsei.
Năm 2016, Minh Phương tiếp tục nhận được học bổng học lên Tiến sĩ tại Trường Đại học Yonsei. Năm 2018, cô là 1 trong 15 sinh viên được Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc mời đến nhà Xanh tham quan và dùng tiệc. 1 năm sau, cô trở thành công dân Việt Nam đầu tiên trong số những người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc được vinh danh “Công dân danh dự Thủ đô Seoul”.
Để có được những thành tựu đó, Minh Phương đã trải qua những ngày tháng vô vàn khó khăn, thử thách. Không chỉ hoàn thành tốt việc học, giảng dạy, tham gia các hoạt động cộng đồng, cô còn cố gắng để có thể đưa mẹ và con gái sang đoàn tụ tại Hàn Quốc. Không ít người khi biết về câu chuyện của Minh Phương đã dành tặng cho cô hai chữ “phi thường”.
Xin chào chị Minh Phương, chị có thể chia sẻ hành trình chị đến với xứ Hàn khi đang làm mẹ đơn thân?
Mình bắt đầu học tiếng Hàn là sau khi tốt nghiệp cấp 3, có 2 năm vừa bươn chải mưu sinh vừa hỗ trợ kinh tế cho mẹ vừa tự học. Sau 2 năm đó, mình mới thi vào đại học. Tốt nghiệp đại học, mình ở lại trường trở thành giảng viên và bắt đầu kết hôn.
Năm 2012, mình đỗ học bổng tại Hàn nhưng biết tin có con gái đầu lòng, mình tạm gác ước mơ. 1 năm sau đó, mình tiếp tục trúng học bổng nhưng đó là lúc mình và chồng lại ly hôn. Không thể bỏ lỡ cơ hội lần 2, mình để con ở nhà cho bà ngoại chăm sóc, một mình sang Hàn học tập.
Lúc phải đưa ra quyết định ly hôn mình cũng buồn chứ, chẳng ai muốn kết hôn để rồi lại ly hôn cả. Nhưng mình khi đó đã nghĩ rằng, nếu như mình không thực sự hạnh phúc thì mình sẽ không thể tiếp tục vừa gánh vác về kinh tế vừa chu toàn việc nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc được. Nên mình đã quyết định dừng lại cuộc hôn nhân đó và tự mình gây dựng cuộc sống hạnh phúc cho cả hai mẹ con và mẹ đẻ mình nữa. Mình xác định rằng, mình phải đi và phải tìm cách để có thể đưa con mình sang cùng.
Khi sang Hàn Quốc, Minh Phương rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Minh Phương trong vị trí Radio host của KBS World Radio.
Mất bao lâu chị mới đưa mẹ đẻ và con gái sang Hàn đoàn tụ và đã gặp những khó khăn gì, thưa chị?
Sang Hàn Quốc, mình ở ký túc xá và lập tức tìm việc làm thêm để vừa lo cho cuộc sống, vừa có thể gửi một chút về cho gia đình. Lúc ấy mình vừa áp lực kiếm tiền, vừa lo vì không được ở gần con, nhớ con và cảm thấy có lỗi với con. Vì vậy mình quyết tâm lắm, chỉ sau 9 tháng học ở Seoul, mình bắt đầu đi tìm nhà để đưa mẹ và con gái sang vào năm 2014.
Lúc đi tìm thuê nhà mình cũng gặp nhiều chuyện bế tắc lắm vì không có tiền trong tay, phải lo tiền đặt cọc thuê nhà rồi lại lo chi phí cho cuộc sống, lo thủ tục cũng rất vất vả. Tuy nhiên sau đó nhờ có những sự giúp đỡ thì mọi việc cũng thuận lợi. Khi đưa được con sang rồi mình vẫn gặp khó khăn về kinh tế, nhưng vấn đề về tinh thần thì đã tốt hơn rồi vì mình yên tâm khi được ở gần mẹ, gần con.
Lúc đó mình nhận làm rất nhiều việc để trang trải cuộc sống như: đi dạy tiếng Hàn, dạy tiếng Việt, biên dịch tài liệu, phiên dịch…
Chị chia sẻ một chút về bé và thời gian dành cho con ra sao khi công việc quá bận rộn?
Con gái mình tên Minh Châu, sinh năm 2012. Hiện bé được 9 tuổi và đang học lớp 3. Công việc của mình cũng có đặc thù riêng. Ngoài việc đi dạy ở trường thì những công việc khác không cố định, không gò bó thời gian nên mình sắp xếp được và có những khoảng thời gian rảnh.
Thông thường mình rảnh vào buổi tối. Thời gian đó cả nhà sẽ cùng ăn cơm, trò chuyện, xem thời sự, xem phim Việt Nam, chơi cùng con hoặc dạy con học. Đến khoảng hơn 22h thì 2 bà cháu đi ngủ và mình tiếp tục làm công việc. Do đó nên mình hay thức khuya và dậy sớm, vì mình muốn ưu tiên những khoảng thời gian rảnh cho gia đình trước rồi mới đến thời gian cho công việc và thời gian cho sở thích cá nhân. Đây cũng là thói quen sinh hoạt của mình từ lúc có thai đến tận bây giờ.
Thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh thì thỉnh thoảng cuối tuần mình đưa 2 bà cháu đi chơi. Hoặc mỗi khi mình đi tham gia sự kiện, đi làm chương trình ở xa thì kết hợp đưa 2 bà cháu đi chơi cùng luôn.
Sau khi sang Hàn Quốc được 1 thời gian, Minh Phương đã cố gắng sắp xếp để đưa mẹ và con gái sang cùng.
Minh Châu thể hiện tình cảm với mẹ như thế nào, thưa chị?
Con cũng già dặn, biết suy nghĩ, tình cảm, biết quan tâm đến mẹ. Khi mẹ đi làm chưa về là bé cũng hay hỏi bà sao mẹ về muộn thế, hoặc mẹ mau về ăn cơm nha. Hay có lần mình đi dạy về và ngủ quên trên xe buýt, thế là sau thỉnh thoảng Minh Châu lại mượn điện thoại của bà rồi nhắn cho mẹ: “Mẹ ơi mẹ có ngủ quên không? Mẹ nhớ dậy nhé”. “Vitamin” giúp mình quên hết những mệt mỏi sau cả một ngày dài chính là những dòng tin và thật nhiều những icon trái tim của bạn ấy đấy.
Là một single mom nuôi con ở nước ngoài, nhiều người đoán mọi việc với chị cũng không dễ dàng?
Năm 2014, mình từng không có điều kiện cho Minh Châu đi học mẫu giáo. Vì ở Hàn Quốc, trẻ nhỏ là người nước ngoài đi học mẫu giáo thì sẽ tốn chi phí khá đắt, khoảng hơn 500 USD/tháng (gần 12 triệu đồng). Vì vậy nên từ khi bé còn nhỏ mình luôn ý thức làm sao có thể vừa dạy tiếng Hàn để sau này đi học tiểu học con có thể theo kịp chương trình học như các bạn Hàn Quốc, vừa dạy tiếng Việt để con không bị “mất gốc” hoặc xa hơn là “mù chữ”.
Lúc đó ở nhà mặc định bà ngoại sẽ nói tiếng Việt còn mình thì nói cả tiếng Việt và tiếng Hàn. Đến 1 thời gian Minh Châu quen thì con có thể hiểu sau đó bắt đầu nói chuyện với mẹ bằng tiếng Hàn. Trộm vía là con học rất nhanh và thích nghi tốt.
Lớn hơn 1 chút, khoảng 4-5 tuổi thì Minh Châu nói tiếng Hàn giỏi hơn, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Hàn. Bàn luận phim Hàn, thỉnh thoảng dịch sang tiếng Việt để bà cùng hiểu là cách mình luyện cho bé sử dụng hai ngôn ngữ một cách linh hoạt hơn, diễn đạt trôi chảy hơn khi mở rộng vốn từ vựng sẵn có. Bây giờ thì Minh Châu còn có thể đọc viết được cả hai thứ tiếng luôn.
Thời điểm bé mới đi học lớp 1, có lần lớp chuyển cô giáo mới nên mình có nói với cô giáo là: “Nhiều khi mà cô nói mà con không nghe thì cô cũng đừng trách, không phải là con không nghe mà là vì có thể bạn ấy không hiểu, con cũng mới đi học thôi”. Nghe vậy thì cô giáo rất bất ngờ. Cô nói cô cứ nghĩ Minh Châu đã đi học từ bé rồi vì thấy con cũng không khác nhiều so với các bạn, thậm chí có những khi tranh luận với nhau, Minh Châu còn giành phần thắng.
Chị thấy cách nuôi con ở Việt Nam và Hàn Quốc có điểm gì giống và khác nhau?
Ở bên Hàn khi đi học thì các cô cũng sẽ dạy cho con sự tự lập. Những năm đầu thì sẽ không dạy những thứ quá to tát mà dạy chủ yếu về lễ nghĩa, tác phong, nề nếp… Thỉnh thoảng sẽ học, diễn tập những cái rất là gần gũi trong cuộc sống, chẳng hạn như các kỹ năng sinh tồn khi có động đất hay hỏa hoạn…
Tâm lý của bố mẹ thì cũng giống ở Việt Nam thôi, các phụ huynh chú trọng giáo dục sớm cho con. Những gia đình có điều kiện thì họ còn đầu tư cho con học múa, học vẽ, đàn, hát, đánh golf…từ rất nhỏ. Với Minh Châu thì chủ yếu những môn như là vẽ, múa, đàn thì mình tự dạy con ở nhà, chứ đi học ở trung tâm thì đắt tiền lắm. Học hành thì những cái dễ bà sẽ dạy bé, còn nếu khó hơn thì đợi khi mẹ về hai mẹ con lại cùng nhau học.
Nhiều mẹ ở trong hoàn cảnh giống như chị thường cưng chiều con hơn một chút để bù đắp lại thiệt thòi cho bé, chị có như thế không?
Mình không nghĩ con thiệt thòi để phải chiều chuộng, bù đắp vì ngoài kia còn có nhiều bạn nhỏ có tuổi thơ buồn và thiếu thốn hơn bé rất nhiều. Tuy con lớn lên chỉ có mẹ nhưng vẫn được yêu thương, được chăm sóc, được khám phá thế giới xung quanh và học hỏi điều mới mỗi ngày. Với Minh Châu, bạn ấy là người hiểu chuyện nên mình chia sẻ với con rất thẳng thắn và muốn cho con một cái nhìn thực tế về cuộc sống, chứ không tô vẽ mọi thứ màu hồng để rồi lớn lên con ra đời, va vấp thì sẽ cảm thấy thất vọng.
Với mẹ mình và mình thì quan điểm khi dạy con thứ nhất là phải tự lập. Thứ 2 là thông qua các chương trình tivi hay phim ảnh, mình cho con tiếp xúc để hiểu được nhiều mặt của cuộc sống và tự con có suy luận cho chính mình. Có những lúc đang xem phim và bạn ấy đưa ra một câu cảm thán hay một kết luận nào đó thôi mà cũng làm mình giật mình vì như bà cụ non luôn ấy (cười). Thứ 3 là dạy cho bạn ấy luôn tự tin để hòa nhập vào môi trường mới.
Chi phí nuôi con mỗi tháng của chị hết khoảng bao nhiêu? Chồng cũ của chị có trợ cấp nuôi bé không?
Với gia đình mình thì mọi chi phí đều phải tiết kiệm tối đa. Chẳng hạn như trước đó mình không cho con đi học mẫu giáo là để tiết kiệm chi phí và cũng vì muốn trước khi đi học ở trường Hàn Quốc con có thể nói tốt được tiếng Việt trước.
Quần áo mình cũng không mua cho con quá nhiều, trừ những đồ điệu đà để đi chơi thì mình thường mua đồ size lớn hơn một chút để mặc được lâu hơn. Ăn uống mình cũng luôn tính toán để tiết kiệm một chút nhưng vẫn phải cân bằng về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của con.
Về học tập, may mắn là ở Hàn Quốc khi bé vào lớp 1 trường công lập thì toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền sữa,… sẽ được nhà nước hỗ trợ. Mình chỉ chi thêm các khoản mua sách vở, dụng cụ học tập,… Ngoài ra mỗi kỳ mình đăng ký cho con học 2 môn ngoại khóa, học phí khoảng 100 USD/môn/khóa 3 tháng.
Khi ra tòa, hai bên cũng có thỏa thuận là ba bé chu cấp nuôi con 2 triệu đồng/tháng nhưng khoảng hơn 7 năm nay thì không có trợ cấp gì nữa, một mình mình lo thôi.
Chị có những định hướng như thế nào trong tương lai cho con gái?
Với Minh Châu mình cho bé tiếp xúc với âm nhạc, hội họa và thấy con có năng khiếu với những môn này giống mẹ. Mình không ép con mà tôn trọng sở thích của bé nhưng cũng ở bên cạnh để cho con những định hướng tốt hơn. Hiện tại, Minh Châu có khiếu ngôn ngữ, thích học Toán và nghệ thuật nữa. Mình hỏi con muốn làm nghề gì bé nói muốn trở thành nghệ sĩ Piano, có lúc thì nói là sau muốn làm giáo sư đại học, dạy tiếng Việt, tiếng Hàn giống mẹ.
Hiện tại, Minh Phương đang hoàn thành luận văn Tiến sĩ.
Cô cũng không vội vàng trong chuyện tình cảm mà chờ đúng người, đúng thời điểm.
Tiêu chuẩn về người bạn trai mới của chị như thế nào?
Hiện tại thì mình chưa có bạn trai. Những năm qua mình nghĩ đó không phải là lúc thích hợp để bước vào một mối quan hệ tình cảm nào đó, vì mình có quá nhiều điều phải suy nghĩ, lo lắng, nhiều người phải được ưu tiên hơn. Đến thời điểm này, mình đang được làm công việc mình thích, giúp đỡ và định hướng được cho một số người khác, lại được ở bên cạnh chăm sóc cho gia đình nên mình đang cảm thấy vui và hạnh phúc.
Mình cũng không đặt ra hình mẫu lý tưởng nào cả vì đó là câu chuyện của cảm xúc và cả duyên số nữa (cười).
Trong suốt những năm tháng bươn trải ở Hàn Quốc, lại đèo bồng thêm con nhỏ và mẹ đẻ, chị có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, muốn buông bỏ tất cả?
Nhiều lắm chứ. Việc có gia đình thực ra luôn là áp lực và cũng là động lực để mình cố gắng. Nhiều khi mình cảm thấy bản thân chưa làm tốt, rằng đáng lẽ mình phải cho gia đình mình một cuộc sống tốt hơn, từ đó lại càng tạo thêm áp lực cho chính mình.
Mỗi lúc như vậy mình hay chọn cách ở một mình để nhìn lại mình của ngày hôm qua, nhìn lại khoảng thời gian mới rời khỏi cuộc hôn nhân cũ, gần như tay trắng sang đây du học…Tất cả những điều đó, những con người đó chính là nguồn động lực to lớn để mình gượng dậy và lại mạnh mẽ để bước tiếp.
Những dự định của chị trong thời gian sắp tới là gì? Liệu có đưa con gái về Việt Nam?
Hai năm nay vì dịch bệnh nên việc nghiên cứu và viết luận án Tiến sĩ của mình tạm gác lại để tập trung cho việc đi làm, nên mục tiêu của mình là sớm có thể quay lại với luận án. Sau khi hoàn thành việc đó rồi, mình muốn dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và gia đình, yêu thương mình hơn một chút, sống chậm lại một chút, không ôm đồm quá nhiều công việc nữa.
Về chuyện ở Hàn Quốc hay về Việt Nam thì chắc chắn là mình sẽ muốn trở về, dù sớm dù muộn, vì đó là quê hương của mình. Nhưng về ở thời điểm nào thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Mình mong muốn được tiếp tục công việc vừa giảng dạy, tiếp xúc và gặp gỡ được nhiều bạn trẻ, vừa quảng bá và kết nối được hai đất nước như những gì mình đang làm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
|
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/me-don-than-viet-tung-khong-du-hoc-phi-con-o-han-4-nam-sau-duoc-moi-den-nha-xanh-d290221.html” alt_src=”” name=””]