Tuổi thơ của tôi là những ngày tháng hao gầy vì tổn thương. Phần lớn nỗi đau là do tôi đón nhận từ những cơn thịnh nộ của cha. Tôi đã nghĩ không bao giờ mình lấy chồng.
Tuổi thơ vắng tiếng cười
Mẹ tôi kể rằng, thời con gái mẹ từng được nhiều người theo đuổi, nhưng duyên nợ thế nào mẹ lại chọn cha – người bạn đồng nghiệp của anh trai mẹ.
Bà ngoại không đồng ý gả con gái đi xa. Tưởng rằng càng khó khăn để đến với nhau, cha sẽ càng trân trọng cuộc hôn nhân của mình. Thế nhưng ngược lại, khi tôi hai tuổi, cha bắt đầu sa đà vào cờ bạc, rượu chè, ông thường xuyên đánh đập và hành hạ mẹ. Mẹ tôi chỉ vun vén cho gia đình, thảo hiền với họ hàng. Có lẽ tận bây giờ mẹ cũng không thể tìm ra được lý do thỏa đáng để giải thích việc người đàn ông bên cạnh mình thay đổi.
Đoạn ký ức về tuổi thơ tôi chỉ gồm những mảng màu buồn. Là những lần tôi sốt cao co giật, mẹ vội vã vừa bồng con trên tay chạy đi đến bệnh viện, vừa ngoái đầu nhờ hàng xóm nhắn giúp cho cha – khi ấy đang sát phạt đâu đó trong những sòng bài. Là hình ảnh tôi ngồi bóp tay chân cho mẹ mỗi khi mẹ đớn đau vì cha đánh. Sau này tôi có em, hình ảnh ấy vẫn vậy, chỉ khác là thay vì mình tôi, thì có thêm thằng em trai nhỏ xíu, bò quanh giường, vừa khóc, vừa gọi “mẹ, mẹ ơi’’.
Tôi đã nghĩ sẽ không kết hôn cho tới khi gặp anh (Ảnh minh họa) |
Tôi từng trách, vì sao ở giai đoạn “chuyển mình’’ của đứa con gái mới lớn, tôi chẳng được nhận lời khuyên hay bất kỳ sự dạy dỗ nào của cha. Trái lại, chỉ là những vô tâm, những lời chửi rủa, những trận đòn chết đi sống lại. Tôi ám ảnh quá khứ đến nỗi thu mình lại như loài hoa mắc cỡ, nhạy cảm với tất cả mọi thứ ở trên đời.
Tôi tự ti, mặc cảm, đắm chìm mãi trong mớ hỗn độn. Tôi luôn nghĩ mình sẽ nếm trải cuộc đời và chết mòn trong vực thẳm của nỗi tổn thương như thế.
Tôi sợ lấy chồng, sợ sẽ gặp một phiên bản thứ hai của cha, sợ rằng những đứa con của tôi sau này sẽ có một tuổi thơ hệt như mẹ.
Phương thuốc kỳ diệu của tình yêu
Anh đến với tôi giữa những tháng ngày tôi chênh vênh nhất. Chúng tôi biết nhau qua một người bạn chung của cả hai và cưới nhau chỉ sau nửa năm tìm hiểu. Thời đó, ai cũng bảo sao tôi vội vàng. Chính tôi cũng bất ngờ khi thấy tình yêu của anh đủ sức khiến mình vượt qua được nỗi sợ hôn nhân.
Biết tôi nhạy cảm, anh luôn nhẹ nhàng. Tôi dễ tiêu cực, anh tìm cách để hóa giải tất cả những điều không vui trong tôi. Sợ tôi suy nghĩ và ám ảnh về hình ảnh người chồng lừa dối, anh chưa từng để tôi phải hoài nghi. Anh không rượu chè, không lê la hàng quán, anh chăm sóc, yêu thương mẹ và em trai tôi.
Anh luôn đồng hành, sẻ chia cùng tôi mọi vấn đề trong cuộc sống, chiều chuộng và ủng hộ tất cả những gì tôi muốn làm. Tôi thấy mình được yêu thương thật sự, điều mà chưa từng gặp được ở bất cứ người đàn ông nào, dĩ nhiên kể cả cha. Vì thế, tôi nhận lời làm vợ anh.
Thế nhưng, sau khi cưới, càng được chồng đối đãi tử tế, tôi lại càng làm cho cuộc hôn nhân căng thẳng vì bản tính suy diễn và dễ tổn thương của mình.
Tôi vẽ ra trong đầu mình hàng ngàn viễn cảnh về người đàn ông ngoại tình và vô tâm. Tôi luôn tự cho mình là nạn nhân trong những câu chuyện mà mình dày công ngồi tưởng tượng.
Nhiều lần chồng tôi đóng cửa ngồi hút thuốc và bật khóc ngoài hành lang. Những lúc ấy tôi cũng tự thấy mình có lỗi, nhưng chẳng hiểu sao cảm giác ấy qua nhanh, tôi tự dung túng cho những tiêu cực và dần nghiện cảm giác được ngụp lặn trong những nỗi đau.
Vậy nhưng chồng tôi luôn nhẫn nại yêu thương tôi. Thay vì bỏ mặc, anh cố gắng tìm hiểu cội nguồn những ẩn ức. Anh đồng hành và nghiêm khắc mỗi khi tôi tuyệt vọng muốn buông bỏ sự cố gắng chữa lành.
Chồng luôn nhẫn nại yêu thương tôi (Ảnh mang tính minh họa – MASTER1305) |
Anh dạy tôi cách nhìn trực diện vào những ám ảnh để xoa dịu và vỗ về chúng. Anh dạy tôi cách đặt những thứ quan trọng làm trung tâm, luôn xem gia đình là trên hết. Anh dạy tôi cách ý thức thời gian ở bên gia đình là hữu hạn để trọn vẹn yêu thương. Làm vợ anh, tôi ở trong trạng thái thoải mái: không có ấm ức khó giãi bày; không có cảm xúc tiêu cực phải đè nén; không phải gượng ép tinh thần.
Anh giúp tôi hiểu ra giá trị thật sự của gia đình là tình yêu thương, là sự sẻ chia và gắn bó. Tôi học cách trân trọng từng lời hỏi thăm, từng cử chỉ yêu thương, từng điều tử tế mình nhận, thay vì nghĩ đó là điều dĩ nhiên. Tôi tập cởi bỏ lớp áo vô hình mang dáng hình của cha mà bấy lâu nay tôi tiêu cực khoác lên cho chồng. Tôi nhận thức rằng những điều ám ảnh mình trong quá khứ chỉ là câu chuyện riêng của gia đình, không phải là mẫu số chung cho toàn xã hội.
Dù khó khăn nhưng cuối cùng tôi cũng len lỏi qua hàng rào dây kẽm nhọn dựng lên từ những tổn thương thời thơ ấu, để những dòng nước mát lành có cơ hội tràn vào, thanh khiết và tươi đẹp. Tôi biết mình đã thật sự thoát ra khỏi “nhà tù” quá khứ.
Lập gia đình, tôi không chỉ có thêm một người bạn, người đồng hành mà còn tìm được cho mình “phương thuốc’’ diệu kỳ chữa lành ký ức buồn đau. Tôi học được bài học về giá trị của gia đình từ người bạn đời: Sức mạnh từ gia đình có quyền năng kỳ diệu, đủ sức để làm liền những vết thương sâu hoắm.
Yến Nhi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/anh-da-giup-toi-chua-lanh-ky-uc-buon-dau-a1461672.html” name=””]