Vợ tôi vừa nhận được tiền thai sản đúng thời điểm em gái sắp nhập học. Biết bố mẹ cũng khó, tôi đề nghị cô ấy trích 1 nửa ra hỗ trợ thì cô ấy bĩu môi: Không có mùa xuân ấy đâu!
Nhà tôi vốn không giàu, để giúp tôi có thể hoàn thành chương trình đại học thì bố mẹ đã phải cố gắng vay mượn rất nhiều. Lúc nào tôi cũng chỉ mong nhanh nhanh kiếm được tiền rồi lo giúp bố mẹ xây nhà, an dưỡng tuổi già.
Thế nên, suốt thời sinh viên tôi đã ra sức làm thêm và vẫn cố trau dồi kiến thức. Ngay khi tốt nghiệp, tôi đã được nhận vào một công ty đa quốc gia với mức lương gấp 2, gấp 3 các bạn cùng trang lứa. Dù mọi người rất ngưỡng mộ, nhưng tôi phải đánh đổi toàn bộ thời gian trong ngày, không bạn bè, không yêu đương, cũng chẳng có thời gian cho bản thân.
Bẵng đi khoảng chừng 6 năm, khi ấy tôi cũng tích được một số tiền lớn cho bố mẹ sửa lại nhà, lo cho em gái học đại học, tôi mới bắt đầu nhận ra cuộc sống của mình tẻ nhạt tới nhường nào. Ngày nào cũng chỉ từ phòng trọ tới công ty, công ty về phòng trọ, thui thủi 1 mình làm bạn với cái máy tính và điện thoại.
Nhờ 1 người đồng nghiệp, tôi đã quen và kết hôn với Thương. (Ảnh minh họa)
Tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện phải tìm đối tượng yêu đương. Nhưng thật sự, chàng trai chẳng chút kinh nghiệm tình trường như tôi thì rất khó. Bạn bè tôi cũng chẳng giữ liên lạc với ai để mà nâng tầm mối quan hệ hay nhờ họ mai mối.
May mắn thay, một người đồng nghiệp không thân lắm, thấy tôi cũng hiền lành, có chí nên giới thiệu Thương cho tôi. Cô ấy cũng cùng quê với tôi, đang làm kế toán cho một công ty tư nhân. Thương không quá xinh, nhưng duyên dáng, biết cách làm đỏm. Quan trọng, cô ấy có vẻ là người biết vun vén cho gia đình, nhà bên ấy cũng gọi là có chút của ăn của để.
Chuyện tìm hiểu, yêu đương của chúng tôi cũng chẳng có gì đặc sắc. Tôi nghĩ, lúc ấy cả 2 đều vì thấy tuổi tác lớn nên xác định kết hôn chứ tình cảm không sâu đậm. Cưới xong thì tôi có 300 triệu tiết kiệm, bố mẹ vợ cũng góp thêm 500 triệu để mua nhà. Còn Thương nói, khi nhận nhà cô ấy sẽ lo làm nội thất.
Bố mẹ tôi thì vui ra mặt, bảo con dâu như thế còn được nhờ. Nhưng khi về ở ổn định, tôi mới thấy không vui chút nào. Vợ bỏ ra có 200 triệu sắm đồ mà cái gì cô ấy cũng muốn quyết.
Tôi khó chịu vì vợ và nhà vợ bỏ ra hơn có 1 chút mà ngày nào cũng kể công. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, Thương rất hay kể công. Hễ nói đi nói lại 1 hồi là vợ lại quay qua khoe khoang kiểu: “cái tủ này vợ chọn bên cửa hàng A 3 chục triệu đó chồng” rồi “ông bà lại vừa cho cái tủ giày, vợ sửa sang lại tiết kiệm cũng dăm triệu”… Sự hào hứng của vợ lại đang khiến nỗi bực dọc trong tôi trỗi dậy.
Nhưng chỉ hay khoe nhà mình có điều kiện hơn, góp công nhiều hơn đã đành, khi về sống chung tôi càng chán ghét vợ. Chúng tôi thống nhất hai vợ chồng góp 15 triệu vào quỹ trả góp mua nhà, 5 triệu vào quỹ sinh hoạt gia đình. Còn lại, tiền ai nấy tiêu.
Rõ ràng thống nhất thế rồi, nhưng khi tôi cho em gái thì vợ lại hay tỏ ra không hài lòng. Thương hay kiểu bóng gió: “Có bao nhiêu em đều vun vào cho cái gia đình này, lo cho đứa con trong bụng. Anh thì chỉ lo cho nhà anh thôi. Vợ bầu mà anh còn chưa mua cho vợ nổi 1 hộp sữa. Nhà mới nhưng anh chưa từng mua 1 đĩa hoa quả thắp hương”.
“Tiền đóng quỹ chung thì em cầm rồi, em còn muốn thế nào nữa? Lương anh còn có chút ít, lo cho bố mẹ tí không được à? Không lẽ chờ ngày ông bà nằm xuống thì lo đóng quan thật to thật đẹp chắc? Em đừng có ích kỷ”, tôi bực dọc nói với vợ.
Vợ luôn tỏ ra không hài lòng khi tôi lo cho bố mẹ và em gái nghèo khó ở quê. (Ảnh minh họa)
Hai vợ chồng tôi cơ bản chẳng mấy khi nói chuyện cùng nhau, nhưng hễ nói chuyện thì đều là những cuộc tranh luận so đo, tính toán kiểu vậy. Tôi thấy phát chán.
Nhưng sau khi vợ sinh, công việc của tôi cũng khó khăn. Công ty yêu cầu cắt giảm nhân sự và dù tôi là một người làm được việc nhưng không giỏi giao tiếp, ít nói chuyện với tất cả nên nằm trong số bị cho nghỉ đầu tiên. Cú sốc ấy khiến tôi mất ăn mất ngủ cả tuần.
Song, điều quan trọng nhất là tôi mãi không xin được việc mới chế độ tốt. Vị trí quản lý thì không tới mà nhân viên thì công ty nói thẳng không đủ lương trả. Đúng kiểu cao thì với không tới mà thấp thì không chịu được.
Suốt thời gian sau đó, vợ tôi nghỉ sinh con ở nhà nhưng vẫn đứng ra lo vay mượn trả góp căn hộ. Tôi cũng biết thân biết phận nên cố gắng chăm vợ chăm con nhiều hơn.
Thế nhưng, đáp lại sự quan tâm của tôi, Thương lại đầy hằn học và coi thường. Hôm ấy, cô ấy hí hửng gọi điện thoại khoe với đồng nghiệp là đã nhận được tiền thai sản, hơn 40 triệu. Tôi nhẩm tính, tiền nhà chẳng có tiền thai sản vợ vẫn lo được, hay tháng này trích 1/2 tiền thai sản, còn lại đi vay. Còn 1/2 tiền ấy nhờ vợ gửi về quê vậy, đúng đợt này em gái nhập học, bố mẹ ở quê thì đang khó.
Vợ nói hỗn khi tôi đề nghị gửi 1/2 tiền thai sản cho em nhập học, tôi đã tát cô ấy 1 cái cháy má. (Ảnh minh họa)
Nào ngờ, trong bữa cơm tôi đề xuất thế, vợ từ chối thẳng thừng. Cô ấy bảo còn phải nuôi con. Rồi sau 1 hồi thuyết phục qua lại không thành, Thương chỉ thẳng vào mặt tôi hét lên: “Không có mùa xuân ấy đâu! Bố mẹ anh đã lo cho con cho cháu được cái gì chứ? Em gái anh lên chơi cả tuần không đồng quà tấm bánh nào cho cháu, chị dâu còn phải hầu thêm. Còn anh, anh nhìn đi, nghỉ ở nhà hơn tháng rồi mình tôi cáng đáng. Tôi là vợ anh hay là người ở nhà anh vậy?”.
Những câu này thật sự là sự xỉ nhục đối với tôi. Tức giận, tôi thẳng tay tát vợ rồi bỏ vào phòng ngủ. Từ đó tới giờ, chúng tôi vẫn giận nhau. Tôi không có ý định làm lành nếu vợ không gửi tiền về quê cho em gái tôi.
[yeni-source src=”https://phunuvietnam.vn/bao-vo-trich-tien-thai-san-gui-cho-em-gai-vo-noi-1-cau-lam-toi-noi-dien-51202225885536566.htm” alt_src=”https://eva.vn/nghe-thuat-lam-vo/bao-vo-trich-tien-thai-san-gui-cho-em-gai-vo-noi-1-cau-lam-toi-noi-dien-c408a529006.html” name=””]