Hàng trăm năm trước, người Trung Quốc đón Tết Đoan ngọ cầu kỳ và nhiều hình thức hơn.
Hàng trăm năm trước, người Trung Quốc đón Tết Đoan ngọ cầu kỳ và nhiều hình thức hơn.
Hơn 100 năm trước ở Trung Quốc, vào những năm 1920, dân thành phố biết cách “vui chơi giải trí” hơn bạn nghĩ.
Ăn tối xong dạo chợ đêm
Không giống như ngày nay, “hộp đêm” thời xưa là những hàng quán để người dân dừng lại tham quan trong quá trình tản bộ, dạo mát “tiêu cơm” sau bữa tối. Các hàng quán này liên kết với nhau hình thành nên mô hình chợ đêm.
Cảnh bày hàng trong chợ đêm trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
Nhiều người bán hàng rong chong đèn, cầm nến. Các mặt hàng hầu hết là quạt gấp, gương, khăn tay và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác, giá rẻ hơn một chút so với các cửa hàng bình thường.
Tuy nhiên, vì ánh sáng từ nến không đủ rõ ràng, khách hàng phải lựa chọn cẩn thận nếu không sẽ mua phải đồ chất lượng kém.
Một khu mua sắm tấp nập vào dịp năm mới trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
Cảnh tượng này cũng xuất hiện vào ban ngày, người bán hàng rong thường bày hàng và rao bán dọc theo đường phố. Bán hoa, đồ hình nộm, chổi lông gà, bánh kẹo, bánh bao… đủ các loại mặt hàng.
Chủ quầy hàng kéo khách chào mời hàn huyên, “tiểu nhị” rao mời khách vào thưởng thức rượu và món ăn, người nào cũng trả giá, tiền trao cháo múc, thổi hồn cho phố phường thêm náo nhiệt, tràn đầy sức sống.
Chơi lễ, đón năm mới với quan niệm truyền thống
Người Trung Quốc ngày nay đón lễ bằng cách nào? Ví dụ như Đoan ngọ, người hiện đại ăn bánh ú, treo lá thuốc (vừa để trừ tà vừa phòng chữa bệnh trong mùa hè nắng mưa thất thường), xem những tiết mục truyền thống trên Tivi.
Song, hàng trăm năm trước, người Trung Quốc đón Tết Đoan ngọ cầu kỳ và nhiều hình thức hơn. Ví dụ như nam giới phải dùng rượu hùng hoàng viết chữ “Vương” trên trán để tránh ngũ độc (rắn, rết, bọ cạp, ếch độc, tắc kè có độc). Nữ giới phải cài trâm được kết bằng vải bố hình hổ, hồ lô hoặc hoa đào; cũng có thể buộc vào trước ngực trẻ em dùng để trừ tà.
Hổ bằng vải trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
Ví dụ như Thất Tịch, hay còn được gọi là Tết Khất Xảo. Người phụ nữ đổ nước vào bát lớn và đặt bên cửa sổ, thả kim khâu vào trong. Nếu kim nổi trên mặt nước, bóng kim dưới đáy bát tản ra như một bông hoa, chứng tỏ cô gái này sở hữu đôi tay tài tình, có thiên phú trong may vá thêu thùa.
Tập tục “Khuê nữ thả kim” vào Thất Tịch trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, những hoạt động tương tự vô cùng phổ biến trong Hoàng cung và dân thường.
Tranh Nguyệt Mạn Thanh Du của họa gia cung đình Trần Mai trong Cố Cung và Khất Xảo Đồ Sách của Nhiệm Bá Niên đều có khắc họa những tập tục trên.
Vào ngày 15/7 hằng năm, vào buổi tối trời thanh mát, người lớn và trẻ nhỏ cầm đèn lồng hoa sen, đến bờ sông thắp nến và thả xuống sông.
Thả đèn trên sông trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
“Thả đèn sông” không chỉ thể hiện nỗi nhớ của người thời đó về những người thân yêu đã mất, mà còn chứa đựng những lời chúc tốt đẹp dành cho người còn sống.
Vui chơi giải trí hàng ngày đa dạng không kém thời nay
Vào những ngày bình thường, thành phố Bắc Kinh cũng náo nhiệt không kém mùa lễ hội.
Quán trà và rạp hát trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
Dân chúng đến tiệm trà nói chuyện hàn huyên, nhiều người tụ tập đánh bài. Không ít người ngồi trong rạp hát khen “Hay, hay, hay” trước những vở kịch truyền thống.
Mùa hè, nhiều người đến Thập Sát Hải thưởng trà ngắm hoa, mùa đông thì chơi đùa trên mặt băng đông cứng.
Ngắm sen ở Thập Sát Hải trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
Trò chơi mùa đông không phải là trượt băng như thời hiện đại, mà là “kéo giường băng”.
“Giường băng” dài khoảng 1,6m, rộng khoảng 1m, thường được đóng bằng gỗ, mặt dưới có thanh sắt, có thể chở 3-4 người và có thể lớn hơn tùy thuộc vào độ “chịu chi tiền” của người chơi. Người tổ chức trò chơi hô “kéo” một tiếng, “giường băng” được 2 người thợ dùng gậy nhọn đẩy, hành khách trải nghiệm cảm giác trượt trên mặt băng trong mùa đông giá rét nhưng đầy thích thú.
“Kéo giường băng” trong bộ tranh “Phong tục Bắc Kinh”.
Trong bộ tranh Phong tục Bắc Kinh thể hiện: Mặt dưới của chiếc “giường băng” đơn giản đóng đinh thanh gỗ ngang, tiếp theo đóng thêm tấm sắt, cuối cùng thắt nút chặt chẽ, được kéo bởi 1-2 người thợ. Nếu muốn dừng lại, người thợ sẽ nhảy xuống kéo chậm tốc độ đến khi dừng hẳn. Đây chính là trò chơi được giới quý tộc trong cung ưa chuộng.
Tranh “Băng hi đồ quyển” mô tả cảnh quý tộc thời nhà Thanh chơi các trò trên mặt băng.
Trong Băng hi đồ quyển lưu trữ trong Cố Cung, xuất hiện hình ảnh Hoàng đế ngồi trên “giường băng”. Từ đó có thể thấy, hoạt động chơi trên băng phổ biến khắp toàn quốc, từ dân thường cho đến Hoàng thân quốc thích.
Những phong tục dân gian Trung Quốc từ hàng trăm năm trước đã được nhà Hán học Người Nhật, Aoki Masaru lưu lại đầy đủ.
Năm 1925, Aoki Masaru (38 tuổi) đến Bắc Kinh. Ông phát hiện rằng với sự thịnh vượng của văn hóa phương Tây, nhiều phong tục dân gian truyền thống Trung Quốc đang dần biến mất.
Để giữ lại những điều đáng trân quý này, Aoki Masaru đã thuê các họa sĩ Trung Quốc vẽ 117 bức tranh phong tục Bắc Kinh, ghi lại chi tiết các lễ hội truyền thống của Trung Quốc, bao gồm nghi lễ cưới-tang, đồ dùng sinh hoạt, trang phục và ẩm thực, giải trí, hí kịch, nghệ thuật… Từ đó tạo nên Trung Hoa phong tục đồ phổ (sau này được đổi tên thành Bắc Kinh phong tục đồ phổ, tạm dịch là Tranh phong tục Bắc Kinh).
Nguồn: Thepaper
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/bo-tranh-co-khac-hoa-chuyen-vui-choi-giai-tri-cua-dan-thanh-thi-bac-kinh-100-nam-truoc-20220918182259843.chn” name=””]