Nghe chị vui vẻ tự nhận mình là “gái ế”, chúng tôi thường tự hỏi: “Sao chị xinh đẹp, chăm chỉ kiếm tiền thế mà lại không ai yêu? Vô lý!”.
Một ngày, tôi vô tình gặp lại chị Vân ở sân ga. Nhìn đống đồ đạc trên sân ga đợi tàu, ai cũng biết đấy là một cuộc di chuyển tới nơi ở mới.
“Gia đình dọn đi đâu sống hả chị?” – tôi hỏi. Chị thì thào: “Chị đi Sài Gòn. Chị lấy chồng nên theo chồng, mang cả bà ngoại”.
Chị Vân là người thợ may giỏi nhất tôi từng biết. Thời học cấp III, chúng tôi hay may đồ ở tiệm của chị, hay nghe chị vui vẻ tự nhận mình là “gái ế”. Khi ấy, chúng tôi thường tự hỏi: “Sao chị xinh đẹp, chăm chỉ kiếm tiền thế mà lại không ai yêu? Vô lý!”.
Quả thật, mỗi lần ghé tiệm, nhìn sự ngọt ngào của chị giữa đống vải vóc áo quần bừa bộn, tôi lại liên tưởng tới bộ phim nào đó mà chị là nữ chính xinh đẹp. Cách chị nói năng tự tin, điềm đạm, thu hút khiến chúng tôi rất thích.
Tôi đem thắc mắc hỏi người anh họ thì được biết chị Vân ế vì chê hết thảy những chàng trai xung quanh. Ai tới tán tỉnh, chị cũng tìm ra điểm bất ổn. Anh họ tôi nói: “Cô ấy nghĩ không cậu nào ở đây xứng với cổ. Kén quá thì ế. Biết cổ nhiêu tuổi không? 36 tuổi rồi đó, nhìn kỹ cũng xập xệ rồi”.
Ảnh mang tính minh họa – Wiroj Sidhisoradej |
Nghe lời nhận xét của anh họ, tôi rất bực. Rõ ràng là anh coi thường phụ nữ độc thân. Nhưng nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, đối với phụ nữ ở các tỉnh lẻ, các vùng quê, 36 tuổi như chị Vân gần như không còn cơ hội. Các chàng trẻ sẽ tìm đến các cô nhỏ tuổi hơn. Các chàng lớn hơn thì đã có vợ.
Ở quê tôi, người đã ly hôn cũng không nhiều như ở thành phố lớn để mong có chuyện “rổ rá cạp lại”. Chưa kể, quê tôi thiếu việc làm vì không có nhà máy xí nghiệp, những người đàn ông trẻ “ổn ổn” đều vào thành phố lớn học tập và làm việc. Những cậu ham chơi, lười học, tư tưởng lạc hậu (anh họ tôi chẳng hạn) và không có cơ hội ra đi mới ở lại quê hương làm những công việc lao động chân tay.
Trên “mặt bằng đàn ông” như vậy mà chị Vân lại không chịu hạ tiêu chuẩn thì chị một mình là phải. Tôi dần quên câu chuyện riêng của chị khi đi vào thành phố học và tìm việc.
Cho tới hôm nay, gặp chị tại sân ga, tôi mới nhớ lại chuyện xưa. Chị kể, năm trước chị gặp và quen chồng qua mạng xã hội. Không vội vàng gì, chị thẳng thắn cho anh biết chị là “gái ế không hạ giá”; chỉ khi nào tìm ra người đàn ông như mong đợi, chị mới lên xe hoa. Chị đã thu xếp và bằng lòng sống độc thân tới cuối đời.
“Người đàn ông như mong đợi của chị thế nào?” – tôi hỏi vui và liếc qua chồng chị – một người đàn ông có vẻ trí thức, chững chạc, hiền lành, đang sắp đồ đạc.
Chị Vân cười: “Cũng đơn giản thôi: có nghề nghiệp với thu nhập ổn định, có quan điểm và lối sống phù hợp với chị, yêu thương tôn trọng phụ nữ”. “Và còn điều quan trọng nữa em nè: Anh ấy có thể đưa chị đi khỏi vùng đất định kiến với phụ nữ không chồng” – chị Vân nháy mắt với tôi.
Yên Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/buoc-ra-vung-dinh-kien-a1514061.html” name=””]