“Khi hát nhạc của người khác, mình cố gắng tìm một điểm để chạm, để níu vào, để tình tự, để cất tiếng hát còn khi hát bài của mình, tất cả như một khối đồng nhất, trong suốt”.
Có lẽ, Hoàng Quyên đã quên mất hôm đó chúng tôi nói với nhau những gì và cô đã cười nhiều ra sao vì kể từ lần gặp cuối, sau khi cô ra MV Xin cho hôm nay trôi đi một thời gian, đến nay đã hơn nửa năm. Hơn nửa năm, Quyên đã kịp sống và hát, kịp tung ra các sản phẩm “dọn đường” để có thể công bố Quyên Gallery – dự án mới nhất – bất cứ lúc nào.
Lần này, cô trình diện thêm một chân dung khác của mình: Hoàng Quyên – người viết nhạc. Thoạt nghe có vẻ lạ lẫm nhưng ngẫm kỹ, hóa ra nó đã chực chờ nơi thẳm sâu nào đó trong chính giọng hát bung nở của cô gái 9X này. Một Hoàng Quyên không chỉ làm chủ chất giọng alto đặc biệt của âm nhạc Việt Nam đương đại mà còn làm chủ ca từ, giai điệu, người “phá ngã” chính mình để được thong dong bay, thụ hưởng cảm giác của một nghệ sĩ không có điều gì ngoài tự do và sáng tạo.
Giống như một con tằm miệt mài nhả tơ gần một thập niên qua, kể từ Vietnam Idol 2012, Hoàng Quyên đã xây dựng nên một thế giới riêng thực sự là của mình bằng tất cả nỗ lực và đắm say không ngừng |
Tiếp sau MV Xin cho hôm nay trôi đi, Hoàng Quyên vừa ra mắt single The Square vào tối 11/2 gồm hai ca khúc The Square và Ngày vụt nhanh trên chuyến đi cùng anh, đúng những ngày xuân mới. Quyên đặt tên The Square cho single, cho khoảnh khắc Quyên nhận ra những thắc mắc đã qua, “giống như một nghệ sĩ đứng trước tấm toan trắng và phóng cọ vẽ, cánh cửa đã mở, tôi đang tự xây dựng cả thế giới trong tâm trí mình kể từ đây”.
Khi hát bài của mình, cảm nhận được nó là một khối trong suốt rất đặc biệt
Phóng viên: Hoàng Quyên này, một ngày tỉnh dậy, bạn cứ thế mà trở thành người viết nhạc ư?
Hoàng Quyên: (Cười lớn) Thực ra, tôi không khiên cưỡng làm bất cứ điều gì cả. Mọi thứ cứ đến một cách tự nhiên và như mọi người thấy, tôi đang có một đứa con tinh thần rất lớn: dự án Quyên Garllery (gồm MV, single, album, live concert). Không giống những dự án trước, lần này, tôi hát nhạc của mình đấy.
Còn nhớ, hồi rủ anh Thanh Bùi làm khách mời trong live show Rét đầu mùa (2015), anh nói: “Hoàng Quyên phải viết vì nghe Quyên hát, anh thấy có rất nhiều điều trong đó”. Có lần, anh Thanh mời tôi đến trường dạy nhạc của anh trao đổi về việc trau dồi kiến thức sáng tác để Hoàng Quyên có thể trở thành một nhạc sĩ – ca sĩ nhưng lúc đó tôi vẫn không tin mình có thể viết. Mọi thứ cứ trôi, cho đến một ngày đặc biệt, tôi muốn chạm đến giới hạn của mình.
Giờ nghĩ lại, đúng là tôi đã có rất nhiều nghi ngại về việc tại sao mình lại bắt đầu muộn như thế này, đặc biệt là việc viết nhạc. Song tôi nhớ, hình như Van Gogh cũng “phát tiết” khả năng vẽ khá muộn (27 tuổi); điều đó làm tôi tự tin rằng mình cũng chưa muộn.
*Trong cái ngày đặc biệt ấy, câu hát đầu tiên đã cất lên trong tâm trí của bạn ra sao?
–Một ngày tháng Bảy năm ngoái, trên đường đi tập thể dục về, tôi đi qua một quảng trường rộng, không khí oi bức khó chịu, sắp mưa, bầu trời như sắp rụng… cứ thế lọt vào lòng mình. Có quá nhiều điều chất chứa. Bình thường, tôi sẽ viết nhật ký, nhưng hôm đó, tôi vừa đi bộ lững thững, vừa ngước nhìn bầu trời và hát một cách rất tự nhiên: “Ngày mưa trời buồn, quảng trường rộng lắm, em trên lối một mình…”. Khi câu hát đầu tiên vang lên, tôi nhận ra có một điều gì đó rất lạ đang vẫy gọi mình. Chính trong khoảnh khắc đó, tôi biết từ hôm nay Hoàng Quyên sẽ trở thành một người khác.
Vì đặc biệt như thế, tôi đã đặt tên cho ca khúc của mình là The Square (Quảng trường) để kỷ niệm một thời khắc muốn lưu nhớ.
Ảnh: Tang Tang |
* Và một quảng trường “vật lý” cũng là một quảng trường “tinh thần” ấy phải chăng như muốn nói Hoàng Quyên của tuổi 30 đang cần đi trên một
“đại lộ” mới?
–Như một giây phút thấu tỏ thêm bản thân thì đúng hơn. Giống như một con tằm miệt mài nhả tơ gần một thập niên qua, kể từ Vietnam Idol 2012, Hoàng Quyên đã xây dựng nên một thế giới riêng thực sự là của mình bằng tất cả nỗ lực và đắm say không ngừng. Tất nhiên, không phải bỗng dưng mà bắt kịp chuyến tàu đến thế giới ấy. Tôi đã luôn dành cho nó thời gian thực sự để đi đến, để thuộc về và làm chủ nó. Để rồi Quyên của ngày hôm nay ngó lại những năm tháng đó, bình thản đón nhận và chia sẻ.
Thỉnh thoảng, có người hỏi: “Sao Hoàng Quyên không đi về phía khán giả nhiều hơn?”, “Có cảm giác Hoàng Quyên đang cố tình nén mình lại?”… Có nhiều câu hỏi, tôi đã không trả lời được cho khán giả lẫn chính bản thân. Có lẽ, phải chờ đến lúc này, mọi người mới có thể thấy Hoàng Quyên đã thôi hết những ngần ngại để chia sẻ tất thảy bản thân mình.
* Khi Quyên hát nhạc của Quyên, cảm giác khác Quyên hát nhạc Lê Minh Sơn, Trần Viết Tân, Võ Thiện Thanh… như thế nào?
–Trước đây, nghe và hát một ca khúc của người khác có thể khiến mình khóc, cũng có thể khiến mình cười nhưng câu chuyện chỉ dừng lại ở đó. Khi hát nhạc của mình, điều đó “khủng khiếp” hơn nhiều. Tôi sợ bản thân đi sâu vào thế giới nội tâm của mình quá và không làm chủ được những giọt nước mắt.
Những ca khúc ấy giống như những trang nhật ký giản phác, bộc lộ những năm tháng đi qua, trước đây giấu bặt, giờ lại bộc bạch trước hàng ngàn người. Tôi đã phải học cách kiềm chế để chôn niềm xúc động khôn nguôi của mình. Khi hát nhạc của người khác, mình cố gắng tìm một điểm để chạm, để níu vào, để tình tự, để cất tiếng hát còn khi hát bài của mình, tất cả như một khối đồng nhất, trong suốt. Rất đặc biệt.
Hát tây hơn. Nhiều người làm được, cần gì Hoàng Quyên
“Quyên vẫn thường nói với những người thân yêu của mình: “Quyên sinh ra để hát và yêu”. Có lẽ hai điều ấy đủ cho Quyên một đời sống. Nhớ mỗi lần đi hát, Quyên lại chúc khán giả: “Chúc các bạn sẽ luôn yêu, đam mê và bay lên”. Tưởng không thực tế nhưng lại thật cần. Đừng ngại ngần trao tình yêu, hãy yêu tất cả những điều ta nhìn thấy, cảm thấy… Đó là đời sống mơ ước mà thật gần, không xa xôi”. Hoàng Quyên |
* Từ tháng 7/2021 tới nay, bạn đã viết được bao nhiêu ca khúc rồi mà “dám” ra cả album?
–Cả hoàn thiện, cả đang ở mặt chất liệu thì nhiều nhưng biên tập để chúng có thể đứng cạnh nhau thì khoảng 8 – 9 bài. Hiện, tôi đang chọn những thứ tốt nhất, hay nhất có thể để biên tập thành một album cá nhân.
Khi tôi bắt đầu viết, có thể ai đó sẽ tò mò không hiểu cô Hoàng Quyên sẽ chọn phong cách nào. Thực ra, mọi thứ diễn ra không theo một trật tự thông thường nào cả. Điều đến trước lại bị những điều đến sau vẫy gọi. Hoàng Quyên không hiểu. Mọi toan tính biến mất. Chỉ còn lại những gì tự nhiên nhất; chỉ còn lại sự tự do.
Dự án này rất đặc biệt khi những cộng sự của tôi đều là người nước ngoài. Họ giúp Hoàng Quyên nhận ra: Nên phá vỡ tất cả những lo ngại của bản thân để xem mình là ai và khi ta ở trên cao thì cứ thoải mái bay, không giới hạn.
Có quá nhiều kiến thức mới mà tôi phải học hỏi mỗi ngày. Khi làm việc với các bạn quốc tế tôi mới biết: Nước mình đang chơi một mình một phách và có điều gì đó sai sai. Chẳng hạn, tôi đã viết ca khúc Xin cho hôm nay trôi đi, nhưng khi làm việc với các bạn, người đặt hợp âm cho bài hát sẽ có vai trò đồng sáng tác như Quyên. Một bài hát sẽ có ba phần là nhạc, lời, hợp âm. Ở Việt Nam không phải vậy. Điều đó khiến tôi nhận ra những gương mặt lâu nay vẫn đứng trong bóng tối, những người chuyên “đóng vai phụ” ở hậu trường. Đã đến lúc ta cần nhìn nhận và đánh giá họ một cách công bằng, sòng phẳng.
* Sao Hoàng Quyên lại chọn bắt tay với một ê-kíp toàn người nước ngoài cho dự án này?
–Từ dự án Quyên 23, tôi đã luôn mong muốn có cơ hội được làm việc cùng các nghệ sĩ quốc tế. Tôi cũng từng ước ngày nào đó, mình sẽ làm một điều gì đó với những làn điệu Tày quê hương kết hợp cùng nhạc quốc tế. Tôi không nghĩ cơ hội đó lại đến sớm như vậy. Tất nhiên, tới thời điểm hiện tại, có một chút thay đổi: Hoàng Quyên chẳng cần phải “bê” nguyên Tày để làm việc với các bạn quốc tế nhưng tôi biết Tày ở trong máu, trong âm nhạc của tôi. Ở đó, luôn có sự chống chếnh của vùng Bắc bộ.
*Như trong ca khúc Xin cho hôm nay trôi đi mà Hoàng Quyên đã công bố, có câu “Rằng em đang vỡ tan mình” phải không?
–Đúng vậy. “Rằng em…” chỉ có trong chèo mà thôi. Nhiều người có thể hát sai lời theo thói quen nhưng tôi luôn nói với họ: “Câu này không được hát sai vì cô gái viết ra bài hát đó là một người rất yêu chèo. Các bạn hát đúng câu đó giúp Quyên”. Những ca từ kiểu vậy trong âm nhạc của Hoàng Quyên còn nhiều lắm. Hay những câu như “Em nhớ, ta ngày đầu đón đưa…” mà nếu ai tinh ý sẽ nhận ra, cái chòng chành đó là của dân gian Bắc bộ. Hoàng Quyên đã chọn cho mình một con đường, một bản sắc để “chơi” cùng bạn bè quốc tế. Ở đó, tôi không cần biến thành một cô châu Âu hay châu Mỹ; tôi cứ là một cô châu Á rặt, một cô Tày rặt làm việc với họ. Điều đó mới khó, chứ để hát “Tây quá” thì nhiều người có thể làm được, cần gì Hoàng Quyên (cười).
MV The Square – Hoàng Quyên:
*Khi làm việc với họ rồi, nhìn lại mặt bằng chung của thị trường âm nhạc Việt Nam, bạn thấy
thế nào?
– Có một sự thật: Rất nhiều người làm nghề cố tình làm nhạc dễ để bán. Tôi không đánh giá chuyện đó đúng hay sai nhưng rõ ràng, họ quá chiều khán giả. Lâu dần, điều đó làm cho âm nhạc Việt Nam càng thụt lùi so với thế giới. Tất nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những người có nhu cầu học hỏi, khám phá bản thân trong công việc sáng tạo mà Hoàng Quyên chỉ là một trong số đó.
Tôi hay một vài người giống tôi không có tham vọng thay đổi cả một lịch sử âm nhạc vì việc đó quá lớn. Hãy để mọi thứ thật tự nhiên. Dòng chảy đó sẽ ghi nhận ở thời điểm đó đã có những con người là chính họ nhất. Mà thực ra, khi đặt những cái an toàn bên cạnh những cái đột phá, cái nhờ nhờ bên cạnh sự mới mẻ… chúng ta nhìn thấy rất rõ.
Tôi nghĩ, đây cũng là thời buổi có lợi cho những người có nhu cầu sáng tạo, đột phá. Hoàng Quyên vốn ham học hỏi, cũng phải ngơ ngác rất nhiều khi làm việc với các bạn quốc tế. Tất nhiên không phải cái gì của nước ngoài cũng hay, cũng đẹp nhưng rõ ràng, không phải tự nhiên mà người ta hay lấy “quốc tế” làm chuẩn.
Tôi đang trưng bày nội tâm của chính mình
*Chúng ta gặp nhau khi Hoàng Quyên 20 tuổi. Sau đó, bạn đã kịp làm một loạt dự án, làm mẹ và kỷ niệm chặng đường mười năm kể từ Vietnam Idol bằng dự án Quyên Gallery sắp tới. Thời gian trôi nhanh “kinh hoàng” nhỉ?
–Tôi không thích làm cái gì đó có ý nghĩa như là kỷ niệm vì… nghe già lắm. Hoàng Quyên rất trẻ. Hoàng Quyên cũng vừa bắt đầu một con đường thôi mà (người viết nhạc – PV). Sau mười năm là một sự khởi đầu để đi tiếp chứ không phải ngó lại những điều đã qua. Tôi xem dự án Quyên Gallery là một món quà cho tương lai, cho những ngày sắp tới của mình. Đó không chỉ là cánh cửa của cá nhân Hoàng Quyên mà còn là cánh cửa mới nối dài tới khán giả của mình.
Sở dĩ, lấy Quyên Gallery làm tên dự án bởi vì tôi mê tranh (dù không phải tinh tường lắm). Khi viết nhạc, từng ca khúc ra đời chẳng khác gì một triển lãm cá nhân mà lật từng trang, từng trang sẽ gặp từng tâm tư của Hoàng Quyên. Tôi nghĩ, tôi thực sự đang trưng bày nội tâm của chính mình ở đó.
* Bạn tự nhận là người sống chậm, hát chậm, viết chậm so với mọi người nhưng nhìn lại “profile” của bạn trong lĩnh vực âm nhạc thì có chậm đâu?
-Âm nhạc là công việc chính của Hoàng Quyên mà, không làm nhạc thì tôi biết làm gì. Nhân đây, Quyên kể chị nghe một chuyện vui: hễ Hoàng Quyên ra mắt một sản phẩm âm nhạc nào đó, các báo lại giật tít “Hoàng Quyên trở lại…”. Thành ra, năm nào cũng thấy “trở lại”. Khó hiểu quá! Sự thực là, Hoàng Quyên có đi đâu đâu mà trở lại. Quyên vẫn làm nhạc mỗi ngày, vẫn sống và đam mê nó như hơi thở. Ngay cả thời điểm mùa dịch, vắng show, nhiều ca sĩ chuyển sang làm thêm một cái gì đó thì Hoàng Quyên vẫn không thay đổi công việc của mình. Thậm chí, tôi làm nhạc một cách cực nhọc (cười).
*Bình thường, Quyên bận… hát nhạc của người khác. Có khi, nhờ giãn cách mà khán giả mới có cơ hội nghe nhạc của bạn đấy. Trong những ngày căng thẳng, ngột ngạt vì COVID-19 và tự “lockdown” với bên ngoài, Hoàng Quyên đã làm gì để quên sầu?
– Bình thường, đi hát, Quyên vui và hạnh phúc khi kết nối được với khán giả; giờ mọi thứ tạm ngừng lại thì tôi có thời gian soi chiếu lại mình, kết nối với bên trong và chợt phát hiện, ở đó có một kho báu và tôi bắt đầu đào sâu vào. Thực sự, tôi đã khai thác bản thân, lắng nghe chính mình rất nhiều trong thời gian qua. Đó là điều mà có khi những ngày bình thường, mình cũng bỏ quên, không để ý.
* Và rồi, Quyên nhác thấy mỗi bông hoa là một mặt người?
– Có một bài hát chưa có tên mà tôi rất thích ca từ, giai điệu của nó. Bài hát được viết ra chỉ vì không hiểu sao có những lúc Hoàng Quyên yêu cuộc đời, yêu muốn tan ra như thế. Kỳ lạ nhỉ? Tôi yêu tất cả những điều tôi nhìn thấy, yêu cả những người không yêu mình. Để rồi, câu chuyện tình yêu trải khắp đó đã giúp tôi viết nên một bài hát rất đặc biệt, có câu “Cuộc đời bốn mùa để cho ta yêu người”.
Tôi cũng chợt hiểu khi ta thăng hoa trong đời sống, đam mê của mình, một lúc nào đó, ta cũng biến thành thiên thần. Hoàng Quyên đã chạm được vào điều đó khi sáng tác. Khi quay trở ra đời sống bình thường, điều đó luôn nhắc nhớ tôi khát vọng: Thực ra, khoảnh khắc đẹp đẽ đó mới là điều chúng ta luôn hướng đến. Hoàng Quyên đã có cơ hội cảm được nó thì sẽ luôn đặt nó trong tim mình, để nó đi theo mình.
* Một ngày bình thường trong mùa COVID-19 của bạn diễn ra thế nào?
–Cũng chẳng khác ngày thường là mấy. Sáng ra, Quyên sẽ kiếm một cốc cà phê để thưởng thức một ngày mới bắt đầu. Quyên không đọc báo buổi sáng vì sợ một ngày sẽ hỏng mất vì khối thông tin đồ sộ của thế giới bên ngoài. Có khi Quyên dành cả buổi sáng nói chuyện với con, thậm chí chỉ để ngắm hoa.
Buổi chiều, Quyên sẽ ra ngoài tản bộ một chút, chơi thể thao, ngắm cây cối, đất trời… Quyên cũng hay đi bộ vào buổi tối vì khi đó không nhìn rõ quá nhiều thứ, nó cho mình một thế giới rất rộng và hư ảo, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Quyên viết nhạc bất cứ lúc nào, khi cảm xúc đến. Có bài chỉ tốn 39 phút, không sửa chỗ nào.
Mà lạ lắm, đôi khi Hoàng Quyên thấy hơi tiếc thời gian khi phải xử lý những chuyện khá cồng kềnh trong đời sống, rồi họp hành, chụp hình cho dự án… Tiếc về những cảm xúc mình bỏ lỡ. Thế mà ngồi ngắm hoa cả ngày, chẳng làm gì hết, Quyên không thấy tiếc.
* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Đậu Dung (thực hiện)
Ảnh: Tang Tang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ca-si-hoang-quyen-toi-co-di-dau-dau-a1457405.html” name=””]