Chỉ vì mảnh đất mà sẵn sàng từ bỏ tình ruột thịt để đưa anh trai mình ra tòa. Câu chuyện không phải nay mới thấy nhưng vẫn đầy nhức nhối.
Tôi có từng nghe đâu đó trên đài báo về những vụ anh em ruột xô xát, mâu thuẫn rồi từ mặt nhau vì tranh giành đất thừa kế. Những chuyện ấy, tôi nghe xong rồi cũng quên ngay, cho đến khi tôi chứng kiến tận mắt câu chuyện từ xót xa từ gia đình ngay sát vách và thấm thía.
Nhà hàng xóm, cũng là nhà người thân trong họ tộc của tôi. Bác tôi sinh được 4 người con, anh trai cả và 3 cô em gái. Sau khi lấy vợ, anh cả dắt vợ con vào Nam lập nghiệp, nay gia đình nhỏ của anh ở Bình Phước.
Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp ở quê cùng mảnh vườn có mấy cây bưởi là nơi bác gái đơn thân ra vào suốt nhiều năm. Thi thoảng, một trong 3 cô con gái đã lấy chồng lên thăm hỏi hoặc chỉ thấy đông người khi nhà có giỗ.
Anh cả mấy chục năm nay cũng chỉ về được đôi ba lần, còn lại định kì gửi tiền về cho các em gái để chăm nuôi mẹ. Khi các em khó khăn kinh tế, người anh cũng ít nhiều phụ giúp, coi như thay trách nhiệm của người cha.
Không ít gia đình rơi vào bế tắc khi xảy ra mâu thuẫn về đất đai (ảnh minh họa) |
Bác gái nhất quyết không chịu bỏ nơi chôn rau cắt rốn theo con trai vào Nam. Mãi cho đến khi đã lẫn, ở độ tuổi ngoài 80, anh mới đón được con trai vào chăm sóc những ngày cuối đời.
Sau khi bác gái vào Nam, ngôi nhà hương hỏa ở quê càng lạnh lẽo. Tôi chỉ thấy loáng thoáng có người qua lại vào ngày tết và vài ngày giỗ. Gần đây tôi bắt đầu nghe chuyện mấy cô con gái đòi quyền thừa kế với miếng đất sau khi bác gái mất ít lâu.
Lý do là vì: “Anh đi biền biệt suốt bao nhiêu năm, chẳng có trách nhiệm trong việc thờ cúng ông bà, mẹ ốm đau cũng không về chăm lo. Nay mai anh sẽ bán mất mảnh đất hương hỏa của ông bà cho coi. Rồi chúng tôi biết thờ cúng mẹ ở đâu?”
Căng thẳng bắt đầu từ việc lời qua tiếng lại trên điện thoại, rồi leo thang dần. Mấy cô em gái bảo nhau “nâng cấp” lại ngôi nhà, xây tường bao, khóa kín cổng lại trên mảnh đất ngay trước khi anh trai về làm giỗ đầu cho mẹ.
Không chỉ vậy, bất kì người thân nào trong họ tộc có đón tiếp, chứa chấp người anh khi anh về quê đều trở thành kẻ thù của các cô em. Cô em út còn hung hãn đến mức chửi mắng thậm tệ anh trai ngay trước cổng nhà một người họ hàng vì người này dám “chứa chấp”.
Đỉnh điểm của căng thẳng khi người anh cả ngà ngà hơi men rồi đập bức tường vừa được các cô em xây để “bảo vệ đất”. Một tay cầm búa, một tay cầm con dao đứng trên hiên nhà, anh dọa chém “bất kỳ thằng nào tiến vào đất nhà tao”.
Khi những mâu thuẫn không thể giải quyết bằng tình thân thì đích đến là tòa án |
Ít lâu sau, người anh nhận được trát toàn án yêu cầu lên làm việc liên quan đến tranh chấp đất đai. Trong số các hồ sơ, có một tờ giấy yêu cầu hủy bỏ quyền thừa kế mảnh đất đối với người anh cả, được điểm chỉ bởi người mẹ đã mất. Ngày ghi trên giấy chỉ vài hôm trước khi bà được anh đón vào Nam chăm sóc.
Hôm trước tôi gặp anh ở quê. Người đàn ông gầy guộc, đen nhẻm đã gần 60 tuổi có khuôn mặt đầy nỗi u uất. Anh than thở với ba tôi: “Chú coi, cháu không thể nào nghĩ được cảnh vì miếng đất mà chúng nó mang cháu và người mẹ đã mất ra tòa. Hồi xưa cháu phải bỏ xứ ra đi vì nhà cháu khổ quá. Đến giờ nhà cháu hết nghèo rồi mà vẫn khổ!”.
C.A
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cac-em-gai-loi-anh-ruot-ra-toa-vi-manh-dat-huong-hoa-a1477235.html” name=””]