Sau 7 phiên tham luận tại ICHCHAA 2022 các nhà nghiên cứu đã có dịp ngồi lại để cùng thảo luận, chia sẻ thêm về vấn đề và giải pháp cho phim cải biên sử Việt.
Dưới con mắt của người nghiên cứu, điều gì khiến các phim điện ảnh Việt lấy đề tài lịch sử hoặc huyền sử chưa được yêu thích bởi số đông công chúng?
– TS. Hoàng Cẩm Giang: Là một người nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, tôi đặc biệt yêu thích phim cải biên, chuyển thể từ chất liệu lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều phim điện ảnh Việt lấy đề tài lịch sử, huyền sử chưa thực sự được công chúng đón nhận. Trong khi nhà phát hành Việt Nam tích cực nhập phim ngoại, công chúng Việt hào hứng tiếp nhận vô vàn sản phẩm giải trí từ nền công nghiệp Hollywood, truyền hình Trung Quốc, văn hóa manga – anime Nhật hay Hallyu… thì họ cũng mỗi lúc lại xa cách với quá khứ của chính cha ông mình.
Nguyên nhân có thể kể ra rất nhiều.
Nếu theo công thức Hollywood, có thể xem điện ảnh là ngành công nghiệp xa xỉ – đặc biệt với đề tài cổ trang, cổ sử, huyền sử – vốn đòi hỏi một kinh phí khổng lồ. Ở Việt Nam hiện tại gần như chưa có một quy chuẩn hoàn thiện và phần lớn các phim ra rạp đều nhận đầu tư của các đơn vị tư nhân là chính.
Ở khâu kịch bản, chúng ta cũng chưa có sự khai thác các đề tài có tính “đại tự sự” trong lịch sử dân tộc một cách gần gũi và duyên dáng, tạo sự thư giãn, sự xúc động hay tiếng cười cho người xem. Các yếu tố hư cấu và phi hư cấu chưa được kết hợp nhuần nhuyễn, nhất quán với tính cách và nội tâm nhân vật. Lựa chọn diễn viên chưa thực sự cân bằng được 2 yếu tố là độ thành thục, kinh nghiệm trong diễn xuất và khả năng đáp ứng yêu cầu của vai diễn, nhất là trong các phim lịch sử. Ngoài ra, kỹ xảo phim cũng còn nhiều hạn chế…
– Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Điện ảnh hay bất kỳ ngành nghệ thuật nào khác, muốn thu hút công chúng thì không thể thiếu ngôi sao.
Thực tế cho thấy, chúng ta không thể tách rời tên tuổi của người nghệ sĩ với thành công của tác phẩm nghệ thuật.
Như vậy, muốn phim vừa có giá trị nghệ thuật, vừa thành công về mặt thương mại, điện ảnh Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào thế hệ diễn viên mới.
Có quan điểm cho rằng “làm phim sử là quá sức đối với nền điện ảnh Việt”. Liệu đây có phải là thử thách bất khả thi đối với các nhà làm phim Việt?
– TS. Nguyễn Thị Bích: Người có quan điểm này có lẽ nghĩ rằng phim lịch sử hay phải có những đại cảnh rất tốn kém, phải kể đúng câu chuyện lịch sử. Theo tôi, những thứ đó đúng nhưng chưa đủ để làm nên thành công của phim lịch sử.
Để tạo ra một bộ phim điện ảnh cải biên, đạo diễn gặp rất nhiều khó khăn:
Thứ nhất, việc chuyển từ một loại hình nghệ thuật này sang một loại hình nghệ thuật khác, với những đặc trưng thể loại và ngôn ngữ riêng thường là không dễ dàng. Ví như các độc thoại nội tâm hay kết cấu dòng ý thức – vốn là điểm mạnh của tác phẩm văn chương – nhưng lại rất khó chuyển tải trong phim.
Thứ hai, nếu tác phẩm gốc có khoảng cách xa về mặt thời gian, có khác biệt về văn hóa với khán giả tiềm năng của phim, thì việc cải biên càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, một số khán giả lại so sánh phim với tác phẩm gốc và phản ứng trước sự cải biên của phim, gây khó khăn cho việc làm phim và sai lầm trong việc đánh giá phim. Theo tôi, đạo diễn và người xem phim đều là các độc giả của tác phẩm gốc, mỗi người sẽ có những cách hiểu riêng về tác phẩm nên sự khác biệt trong việc nhìn nhận và khai thác các yếu tố trong tác phẩm hoàn toàn có thể xảy ra.
– TS. Hoàng Cẩm Giang: Lịch sử điện ảnh Việt Nam không thiếu những phim cải biên được công chúng lẫn các nhà phê bình đánh giá cao như Thằng Bờm (1987), Đêm Hội Long Trì (1989), Dòng Máu Anh Hùng (2007)… Muốn tiếp nối thành công đó, nhà làm phim cần có sự sáng tạo, linh hoạt trong việc sử dụng chất liệu, dữ kiện, nhân vật lịch sử; xây dựng kịch bản chặt chẽ, giàu sức gợi, có thể kết nối (hoặc chất vấn) với các vấn đề đương đại; những con người và cảnh quan (hư cấu và phi hư cấu) thú vị, có chiều sâu và khả năng tương tác mạnh mẽ.
Với dự án phim điện ảnh huyền sử Trưng Vương (She-Kings), các nhà nghiên cứu nhìn nhận như thế nào?
– ThS. Hoàng Dạ Vũ: Từ khi xem những bộ phim hoạt hình ngắn về các nữ tướng, tôi đã háo hức và tin tưởng vào tiềm năng khả thi, hấp dẫn của dự án này. Tôi tin rằng với sự chuẩn bị, đầu tư công phu, kỹ lưỡng về mọi mặt như kịch bản, diễn xuất, trang phục, âm nhạc… nhất là tâm huyết, tầm nhìn của nhà sản xuất Janet Ngo, dự án phim điện ảnh She-Kings sẽ gặt hái được kết quả xứng đáng.
Tại ICHCHAA 2022, dự án phim điện ảnh huyền sử Trưng Vương (She-Kings) của nhà sản xuất Janet Ngo nhiều lần được nhắc đến.
– TS. Nguyễn Thị Tú Mai: Với tư cách là người nghiên cứu văn hoá cổ trung đại, tôi trân trọng những nghiên cứu của TNA Entertainment đổ ra cho dự án She-Kings. Với tư cách là khán giả, tôi mong chờ được thưởng lãm phim hay, nhất là phim cổ trang hay. Tuy nhiên, từ sử liệu đến tác phẩm nghệ thuật còn có cả một con đường rất dài và chông gai, tôi có tin tưởng nhưng vẫn còn lo lắng, bởi họ đang khai mở một hướng mới trong nền điện ảnh cổ trang Việt Nam.
Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Di sản Văn hóa – Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật” (ICHCHAA) 2022 được thực hiện với sự cộng tác của Trung tâm ICISE và Hội gặp gỡ Việt Nam, TNA Entertainment, UNESCO, ĐH Văn Lang, là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án She-Kings do TNA Entertainment thực hiện. Thông qua việc trau dồi, sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, TNA Entertainment mong muốn phát huy sáng kiến và nâng cao thái độ tôn trọng dành cho những tác phẩm cải biên nghệ thuật dựa trên tài nguyên văn hóa – lịch sử của đất nước, tôn vinh các giá trị truyền thống và lưu giữ ký ức văn hóa cho các thế hệ mai sau. |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/cai-bien-phim-viet-can-dung-hoa-sang-tao-va-lich-su-20221230084703249.chn” name=””]