Một lần vợ chồng tôi cãi nhau to. Tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, miệng vẫn cứ nói không ngừng, đay nghiến chồng vì chuyện gì đó.
Chồng tôi từ đâu mang một chiếc quạt vào, cắm điện rồi cho quạt quay về phía vợ để cho vợ mát. Xong xuôi, anh mới tiếp lời: “Em đừng nói thế, chuyện không phải như em nghĩ đâu”. Rồi khi vợ giận đến mấy thì giận, làm gì thì làm, cứ đến giờ cơm là chồng tôi vẫn đi nấu cơm, cho các con ăn uống hoặc làm bài tập về nhà.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Nhiều lần cãi nhau diễn ra theo cách như vậy; rằng tôi cứ một mình điên lên, chồng thì vẫn cố gắng nghe vợ nói cho bằng hết nhưng không giải thích gì dài dòng, đến lúc tôi tự… hạ hỏa, bình thường lại anh mới nói chuyện. Khoảng vài chục lần tôi đòi ly hôn, chồng đều bảo em viết đơn thì tự đi mà ký, anh không ký. Tôi cũng chẳng ly hôn được. Mà giả như anh có ký, tôi đâu dám mang đi nộp.
Đến bây giờ, khi cuộc hôn nhân đã đi đến năm thứ mười một, tôi nhận ra chính thái độ chồng phản ứng trong những lần vợ chồng chiến tranh mới là lý do khiến tôi có thể… ở lại.
Tôi nhớ đến câu chuyện của cô bạn. Chỉ cần bạn đi đâu về muộn, sẽ nhìn thấy chồng đứng chờ ngay trước cửa nhà với câu nói: “Đi với ai, vào nhà nghỉ nào mà giờ này mới vác mặt về?”. Vợ chồng bạn cãi cọ, nếu bạn khóc thì sẽ lập tức bị mắng: “Khóc cái gì mà khóc? Chuyện có gì mà bù lu bù loa lên?”.
Bạn cũng chẳng bao giờ dám nói đến chuyện ly hôn vì bạn biết rõ chồng sẽ nói: “Cô đưa đơn đây tôi ký! Bỏ cô thì tôi có cưới vội cũng phải được dăm bảy người”. Chồng bạn cũng chẳng bao giờ ngại mắng nhiếc vợ trước mặt đứa con trai mới lên 3 tuổi. Cách chồng bạn phừng phừng lên dọa dẫm trong những lần tức giận khiến ai cũng phải sợ.
Nghĩ lại, tôi từng cho rằng việc chồng mình lẳng lặng đi đóng cửa phòng, một mình chịu đựng trước cơn giận của vợ là sự nhu nhược, không chịu đối thoại. Tôi càng được đà gào to. Dù trong lòng tôi đã luôn đòi hỏi, chờ đợi người kia dỗ dành, xoa dịu mỗi khi mình “hóa thú” mà không được đáp ứng.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Nhưng sau này chứng kiến chuyện của bạn và trải qua nhiều vấn đề hơn trong đời sống hôn nhân, tôi mới biết cách chồng mình hành xử rõ ràng rất… đàn ông. Thái độ bình tĩnh của anh có được là do anh chẳng bao giờ chấp nhặt và luôn nhường vợ đúng lúc, hiểu rõ tính vợ.
Tôi đọc đâu đó rằng một cơn giận hoặc nỗi đau thường cũng chỉ kéo dài khoảng 10-20 phút. Không biết chồng tôi có nắm rõ “nguyên lý” này không nhưng tôi cảm nhận anh luôn giống như một đỉnh núi kiên cố, đợi chờ cơn bão cảm xúc của vợ đi qua, để tôi có thể lắng lại và nhìn mọi sự thấu suốt. Tôi biết ơn sự kiên nhẫn của anh và chính điều đó giúp tôi học được cách để trưởng thành, bớt đi những giận dỗi, đòi hỏi vô cớ.
Có lẽ, muốn biết người đàn ông tốt hay không thì hãy nhìn vào những lần vợ chồng cãi nhau. Một chị trên diễn đàn hội chị em kể lại: “Cãi nhau thì cãi nhau chứ đến bữa cơm là vẫn phải dừng lại, vì chồng cứ tự động gọi đồ ăn, bắt mình ăn để còn có sức… chửi. Thấy vợ nói khàn cả giọng rồi thì chồng lại bảo: “Thôi nghỉ đi, có gì mai chửi tiếp”. Nhiều lần như thế xong lại thấy yêu chồng nhiều hơn, không bỏ nhau được”.
Những người đàn ông trưởng thành sẽ luôn phân biệt được đâu chỉ là cơn giận dỗi trẻ con của vợ, qua đi là hết, hoặc những lời vợ nói khi nóng giận vốn chẳng có ý nghĩa gì. Họ sẽ luôn thấy mình càng cần là điểm neo vững chãi để người vợ có thể ngồi xuống bên cạnh, nhất là những khi trái tim đã đủ xáo động, mỏi mệt. Ngược lại, cũng sẽ có những người đàn ông chấp nhặt, cố tình ghim chặt những gì vợ đã lỡ lời để đẩy căng thẳng lên cao, khiến mâu thuẫn toang hoác chẳng cách nào vá lại được.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Tôi vẫn nghĩ đàn bà vốn luôn thông minh để nhận diện được những người đàn ông tốt hay không tốt chỉ qua vài lần… gây chiến rồi kiểu gì cũng dần trở nên lặng yên hơn. Nhưng với những người đàn ông tốt, đàn bà sẽ tĩnh hơn để đối thoại, mối quan hệ sẽ thành kết nối sâu sắc. Còn với những ông chồng tệ, sự lặng yên lại là câm nín, bế tắc, không còn có nhu cầu chuyện trò, thậm chí nước mắt cũng khô.
Vậy nên nhìn cách phản ứng của đàn ông qua những lần cãi cọ, đàn bà chúng ta sẽ biết phải ở lại hay ra đi. Tất nhiên sự ra đi có khi chỉ là trốn vùi vào trong thế giới cô độc của riêng mình hoặc ở lại nghĩa là hết lòng hết dạ để thương nhau đến già.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cai-nhau-moi-biet-chong-dan-ong-a1486601.html” name=””]