Trong dịp lễ 30/4 sắp tới, du khách trong và ngoài nước có cơ hội tham quan tòa nhà đang được sử dụng làm trụ sở HĐND và UBND TPHCM (số 86 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1).
Công trình kiến trúc hơn 110 năm tuổi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2020.
Đã có một hãng lữ hành công bố tiếp nhận đăng ký giữ chỗ tour tham quan trụ sở HĐND và UBND TPHCM trong hai ngày 29 và 30/4 tới với chi phí tham quan 280.000 đồng/người. Trải qua hơn 100 năm, tòa nhà vốn được đặt tên Hôtel de ville khi mới hoàn thành, nay là trụ sở HĐND và UBND TPHCM vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo.
Đại diện đơn vị lữ hành tổ chức tour tham quan toà nhà UBND TPHCM cho biết, tòa nhà mở cửa đón khách và không thu phí với các đoàn tham quan. Chi phí tour chỉ bao gồm ô tô, hướng dẫn viên, thuyết minh theo đoàn tại điểm tham quan miễn phí. Phương án tổ chức mới nhất là mỗi ngày có 8 khung giờ tham quan vào lúc 8h, 9h, 10h, 11h, 13h, 14h, 15h và 16h. Mỗi khung giờ có 3 đoàn, mỗi đoàn vào tham quan cách nhau 20 phút.
Theo đó, ngày 29 và 30/4 này, du khách nội địa và quốc tế đi theo đoàn và có đăng ký sẽ được tham quan, trải nghiệm một phần trụ sở HĐND và UBND TPHCM gồm khu vực sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế, cầu thang chính… của tầng trệt và tầng một.
Cột cờ trên đỉnh của toà nhà nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ. Công trình lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng, thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao – kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối. Điểm nhấn mặt tiền là lầu chuông đúc cao, có gắn đồng hồ cùng nhiều phù điêu đắp nổi.
Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên Hôtel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây, đến năm 1954 đổi tên thành toà Đô chánh Sài Gòn và sau năm 1975 thì mang tên như hiện nay. Những phần tượng trang trí nổi gắn ngoài trụ sở ban đầu do họa sĩ điêu khắc Ruffier đảm trách. Trong ảnh, hình tượng nữ thần Marianne bác ái đặt ở trọng tâm dưới tháp chuông tòa nhà. Marianne trong tư thế và trang phục Phrygia, gần giống với tượng nữ thần chiến thắng Samothrace, tà áo bay linh động hài hòa với tất cả chi tiết trong cụm điêu khắc.
Góc nhìn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ từ lối đi thường nhật của cán bộ, viên chức, người dân đến liên hệ công tác…
Hàng cửa ngay mặt tiền rất ít khi được mở. Hàng cửa này thường mở vào các dịp khánh tiết đón tiếp các đoàn ngoại giao… Cổng làm bằng sắt uốn hình hoa cầu kỳ, đặt ngay giữa tòa nhà. Bên trong cổng trang trí bởi những chiếc đèn cổ, phù điêu nổi trên từng cột thiết kế đăng đối nhau.
Sảnh chính ở tầng trệt
Từ ngày khánh thành, tòa nhà này là nơi làm việc và hội họp của chính quyền các thời kỳ. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của HĐND và UBND TPHCM.
Hơn trăm năm tuổi nhưng kiến trúc bên trong toà nhà vẫn giữ được nét sang trọng.
Trần nhà được trang trí bằng tranh, những bó hoa, vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng, tranh kính nhiều sắc màu…
Một phần kiến trúc của trần tòa nhà
Hệ thống cửa gỗ trăm năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn tại khu hành lang tầng 1 tòa nhà.
Ban công tòa nhà nhìn ra ôm trọn phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tầm mắt
Phần kết cấu dây dẫn điện nhiều đoạn được giữ nguyên bản.
Rất dễ bắt gặp những chú bồ câu làm tổ trên trần nhà, hình ảnh tượng trưng cho “đất lành, chim đậu”.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/can-canh-toa-nha-hon-100-tuoi-sap-mo-cua-don-khach-du-lich-o-tphcm-2023042318442458.chn” name=””]