Món canh cua mát lành, dân dã, có thể “chấp” mọi loại cao lương mỹ vị, đủ khiến cho chúng ta thỏa cơn thèm.
Món canh cua mát lành và rất hao cơm |
Sống ở thành phố một mình, tôi biết nấu nướng cơ bản, tích hợp trong một cái nồi điện, tầng dưới nấu cơm, hơi bốc lên hấp chín đồ ăn ở tầng trên. Tôi chọn cách ăn uống thuận tự nhiên (eat clean) ít công đoạn chế biến, nên tôi chẳng phải “đầu tắt mặt tối”.
Tôi vin vào lý do không có đồ nghề để “dở trò” bếp núc, chứ tôi từng nấu được món khá phức tạp như canh cua, từ A tới Z. Tức từ nguyên liệu đến thành phẩm, tôi tự tin ra tay xử lý hết. Bởi đó từng là “món tủ”, xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong mâm cơm gia đình.
Hồi còn nhỏ, tôi dậy sớm nhìn dòng sông lững lờ, những đám lục bình trôi. Tôi đinh ninh, nếu cắp theo chiếc rổ tre với cái giỏ đeo ngang hông, đi hớt cua rốc (hay còn được gọi là cua đồng), thì hứa hẹn trưa nay cả nhà sẽ có bát canh cua. Tôi canh lúc trời còn chưa đổ nắng gắt, khi lũ cua đang “nghỉ mát”, ẩn mình dưới đám rễ lục bình. Cơ may tóm được chúng sẽ cao hơn.
Một tay sục nhè nhẹ chiếc rổ xuống nước, hứng chờ sẵn phía dưới. Tay kia túm lấy đám bèo giũ giũ, rồi lại thả trôi đi. Tôi hồi hộp, thấp thỏm nhất là lúc nhấc chiếc rổ tre lên khỏi mặt nước, sẽ gom được gì? Cua rốc bò tán loạn, khua càng, nhưng đừng hòng thoát khỏi bàn tay nhanh nhảu chộp vội, bắt bỏ giỏ. Thỉnh thoảng, tôi lại ré lên vì bị cua kẹp. Có mẻ, nhặt nhạnh thêm được con tôm, con tép, cá con, hay vài con ốc… Con gì cũng tóm, bỏ giỏ. Cứ thế tôi háo hức với những mẻ hớt tiếp theo.
Nhắm chừng đủ ăn, tôi mới về. Trút hết thành quả trong giỏ vào cái xô, rồi phân loại. Cua để nấu canh. Cá, tôm, tép bé cỏn con “bồi dưỡng” cho mấy con gà mái, sớm thêm trứng. Đám ốc gom lại sẽ hấp lá chanh chấm mắm gừng tỏi ớt hay khêu chúng ra để nấu canh khoai. Con nào cũng có giá trị, nên tôi dễ vui với thành quả kiếm được từ dòng sông. Mẹ tôi cũng tiết kiệm được một món tiền nội trợ nhỏ.
Tôi thoăn thoắt lột cua, rồi đem rửa sạch, để ráo nước, giã chúng trong cối đá, càng nát càng tốt. Sau đó sẽ lọc cùng nước, để lắng cặn, rồi lọc tiếp. Tôi cũng nhớ giữ lại từng chiếc mai cua để lấy thứ tinh chất quý của chúng – gạch. Có khi mẹ giã, lọc thì con ngoáy gạch, nhặt rau mồng tơi, rau đay, gọt vỏ trái mướp… Mẹ con tôi ra vào căn bếp, rộn ràng buổi ban trưa thơm mùi bữa cơm nhà thơm thảo.
Nấu canh cua đòi hỏi phải khéo canh lửa. Lúc sôi nhỏ lửa riu riu, đám riêu, gạch cua se lại, làm sao để chúng kết thành từng tảng bồng bềnh trong làn nước canh rau xanh dịu. Khi ăn kèm với cà pháo chấm mắm tôm thì đưa cơm lắm!
Mùa hè vốn “được mùa” cua nhất, quá dễ dàng để có thể “săn lùng” đám sinh vật kia. Mùa hè, tôi cũng rảnh rỗi, vừa rong chơi, vừa phụ cho bữa cơm nhà thêm tươm tất, ngon lành.
Tôi lớn lên, dòng sông như già đi, hiu hắt, nghèo nàn. Có những đợt nạo vét lòng sông xong, loáng thoáng thấy chẳng còn mấy sinh vật sống sót. Thành ra, cua hay tôm, cá cũng dần trở thành của hiếm, có giá.
Có những dịp đi dự tiệc tùng, buffet với đồ ăn bày ra la liệt, tôi nhìn hoa cả mắt với đủ loại, nhưng ăn hoài rồi cũng ngán. Tôi chợt thấy, bát canh cua chính là “món ngon nhớ lâu”. Giờ khó kiếm ra bát canh cua sao cho “chất”? Lại nhớ tiếng húp canh nghe mát lòng mát dạ đã thành hương vị của ký ức quá đỗi yên lành, chỉ có thể tìm thấy ở quê nhà…
Trần Duy Thành
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/canh-cua-mon-tu-cua-toi-a1470409.html” name=””]