Các nhà khoa học đã phát hiện một trường hợp song sinh đặc biệt bị tách khỏi nhau từ nhỏ, dẫn đến việc có năng lực nhận thức rất chênh lệch.
Theo IFL Science, một trường hợp song sinh cùng trứng được nuôi lớn ở 2 môi trường khác nhau đã cung cấp thêm nhiều thông tin mới về tác động của các yếu tố bẩm sinh hoặc sinh dưỡng đối với con người.
Ảnh minh họa.
Theo đó, cặp song sinh này ra đời tại Hàn Quốc năm 1974. Vào năm cả hai được 2 tuổi, một người bị lạc khi đi chợ cùng gia đình. Mặc dù đã tìm con trên sóng truyền hình, nhưng cha mẹ người con gái mất tích vẫn không thể tìm ra con mình. Run rủi thế nào, cô bé mất tích được một gia đình Mỹ nhận nuôi.
Lớn lên ở một vùng đất hoàn toàn xa lạ, người bị thất lạc chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có một chị em song sinh khác ở bên kia địa cầu. Tuy vậy, cô vẫn luôn thắc mắc về gốc gác của mình. Năm 2018, cô gửi DNA cho chương trình hỗ trợ đoàn tụ gia đình của Hàn Quốc.
Tới 2 năm sau, cô được biết mình không chỉ có một người chị song sinh, mà còn có cả anh trai và chị gái khác nữa.
Sau khi đoàn tụ, 2 chị em song sinh trở thành đối tượng được các nhà khoa học đặc biệt chú ý. Họ được đề nghị tham gia hàng loạt các bài kiểm tra đánh giá trí thông minh, hồ sơ tính cách, sức khỏe tinh thần và lịch sử y tế.
Một điều gây bất ngờ là IQ của người em song sinh lớn lên tại Mỹ thấp hơn chị mình tới 16 điểm – một con số khá đáng kể.
Kết quả này trái ngược với những nghiên cứu trước đây về các cặp song sinh cùng trứng, trong đó người ta tìm ra rằng khác biệt trung bình giữa họ chỉ là 7 điểm IQ. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định hai chị em có “năng lực nhận thức chênh lệch đáng kể”.
Tuy nhiên, kết quả của việc này có đến từ môi trường sinh trưởng hay không là một câu hỏi khó trả lời, nhất là khi người em lớn lên ở Mỹ từng trải qua tới 3 lần chấn động não.
Ngoài năng lực nhận thức, cả hai rất tương đồng về tính cách và sức khỏe. Ảnh minh họa.
Tiếp tục đánh giá cặp đôi, các nhà khoa học nhận ra thêm rằng “cơ bản tính cách của hai người có sự tương đồng, thống nhất với các tài liệu về ảnh hưởng vừa phải của di truyền lên tính cách ở tuổi trưởng thành”.
Như vậy là mặc dù có trí thông minh cách nhau khá xa, tính cách giữa họ vẫn không quá khác biệt, dù sinh trưởng trong 2 gia đình và môi trường văn hóa hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, cả hai đều có định hướng rõ ràng, có tổ chức, tinh thần trách nhiệm cao và tham vọng nhất định.
Kết quả này càng thú vị hơn khi người ta biết rằng, người chị lớn lên ở Hàn Quốc được sinh trưởng trong môi trường hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương, còn người em tại Mỹ có cuộc sống trắc trở hơn, thường xuyên chứng kiến mâu thuẫn và thậm chí cả ly hôn trong gia đình nhận nuôi mình. Điểm khác biệt rõ nhận ra là ảnh hưởng của văn hóa lên tính cách khi người chị có tinh thần tập thể cao, còn người em sở hữu quan điểm cá nhân hơn.
Hồ sơ y tế của cả hai cũng tương đồng. Cả hai đều từng phải phẫu thuật cắt bỏ u buồng trứng. Những nghiên cứu tương tự rất được mong chờ vì sẽ cung cấp thêm các thông tin quan trọng cho việc tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố sinh học và nuôi dưỡng đối với con người.
Nguồn: IFL
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/cap-song-sinh-cung-trung-co-iq-chenh-lech-do-duoc-nuoi-o-2-quoc-gia-khac-nhau-minh-chung-cho-tac-dong-khong-ngo-cua-moi-truong-song-20221231153549333.chn” name=””]