Helena Morrissey bận rộn như một con quay chuyển động không ngừng nghỉ. Nhưng không cần biết bận bịu đến đâu, Helena vẫn sắp xếp thời gian đồng hành cùng các con.
Helena Morrissey rất ghét từ “nữ cường”, nhưng nhiều người luôn gán cho bà cái mác này.
Với tư cách là bà mẹ 9 con và CEO của quỹ đầu tư trị giá 50 tỷ bảng Anh (hơn 1,2 nghìn tỷ đồng), thật khó để tìm ra từ thích hợp nào khác để mô tả người phụ nữ này.
Helena Morrissey
Không chỉ vậy, Helena còn thành lập “Câu lạc bộ 30%” để tạo cơ hội công bằng hơn cho phụ nữ trong hội đồng quản trị của công ty. Người phụ nữ Anh (55 tuổi) này cũng là nhà quản lý của Eve Appeal, tổ chức gây quỹ ung thư phụ khoa và là thành viên hội đồng quản trị của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia.
Nổi bật hơn, hiện tại, Helena Morrissey là thành viên Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Theo quan điểm của bà, sự cân bằng trong công việc và gia đình của phụ nữ đòi hỏi nỗ lực của riêng họ và sự hỗ trợ của xã hội.
Bị đối xử bất công vì sinh con, nghỉ việc tìm kiếm đế chế mới
Tự tìm con đường cho riêng mình
Sau khi tốt nghiệp Đại học Chichester ở Anh, Helena (21 tuổi) đã đính hôn với Richard. Khi đó ông là một sinh viên luật, và trở thành quản lý quỹ cho bộ phận trái phiếu của Schroeder Group, làm việc tại New York (Mỹ) trong 2 năm. Helena đã mang thai ở tuổi 25.
“Đứa con đầu lòng của tôi đến rất bất ngờ, tôi không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc để trả nợ mua nhà. Nhưng sau khi nghỉ thai sản ngắn ngủi và trở lại làm việc, tôi phát hiện mình đã bỏ lỡ cơ hội thăng chức và tăng lương”.
Helena vốn làm việc vô cùng xuất sắc đã không cam lòng trước quyết định của lãnh đạo. Câu trả lời khiến bà vô cùng bất bình: “Cô vừa sinh con, không thể toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc”.
Năm 1994, Helena rời Schroeder Group và gia nhập Newton Investment Management quy mô nhỏ, bắt đầu lại từ cấp bậc nhân viên bình thường. Năm 2001, Newton Investment Management đã được mua lại bởi gã khổng lồ ngân hàng Mỹ, BNY Mellon Investment Management. Bà cũng trở thành CEO của hơn 350 nhân viên, bắt đầu sự nghiệp rộng mở phía trước.
Năm 2012, Helena được trao tặng huân chương danh giá của Anh và được Bloomberg BusinessWeek bình chọn là 1 trong 50 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tài chính Anh vào năm 2013 và 2014. Năm 2014, bà trở thành Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Đầu tư Anh, cơ cấu sở hữu tổng cộng tài sản hơn 50 tỷ bảng Anh.
Đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Morrissey. Như bà nói với Financial Times, mang thai vẫn là một “sát thủ nghề nghiệp” đối với hầu hết phụ nữ và giới tính ảnh hưởng đến thành tích công việc vượt xa sức tưởng tượng của mọi người.
Khi làm việc cho Newton Investment Management, Helena cảm thấy mình như “người cô đơn nhất” trong nhóm, bởi xung quanh đều là đồng nghiệp nam. Ngay cả toàn bộ nước Anh thời bấy giờ, chỉ có 7% giám đốc tài chính là nữ và có thể tham gia vào tầng lớp CEO lại càng ít hơn.
“Tôi nhận ra rằng bản thân có trách nhiệm giúp đỡ những người phụ nữ khác. Chúng ta cần thêm nhiều phụ nữ ngồi vào vị trí lãnh đạo”, Helena nói với BBC. Phụ nữ không nên suy nghĩ quá nhiều về khi nào có con, bởi vì vấn đề kết hôn và sinh con đẻ cái không nên ảnh hưởng đến sự nghiệp của phụ nữ.
Năm 2010, Helena thành lập “Câu lạc bộ 30%”, dự án sáng kiến liên ngành được phát động bởi các công ty nhằm tăng tỷ lệ giám đốc nữ lên 30%. Tính đến hiện tại, “Câu lạc bộ 30%” đã phủ sóng đến Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Ireland, Nam Phi và Canada.
Những nỗ lực của Helena đã được đền đáp. Trong số 500 công ty hàng đầu thế giới của tạp chí Fortune năm 2014, có 6 nữ CEO có gương mặt mới và gần 25 nữ CEO, mức cao kỷ lục.
“Câu lạc bộ 30%” không chỉ nhận được sự ủng hộ của tỷ phú Warren Buffett, mà còn thu hút sự quan tâm lớn từ Thủ tướng Anh David Cameron lúc bấy giờ. Tầm nhìn của Helena cũng mở rộng từ ủng hộ bình đẳng giới đến đa dạng hóa ở nhiều cấp độ trong lĩnh vực kinh doanh, chẳng hạn như chủng tộc, quốc tịch và nền tảng giáo dục.
Nicky Morgan, nữ Bộ trưởng Giáo dục, hiện cũng là Thành viên Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, vô cùng ngưỡng mộ Morrissey: “Một người phụ nữ như côấy có thể mang lại nguồn cảm hứng vô tận. Cô ấy như ánh sáng rực rỡ cho hàng triệu người”.
Chu toàn làm CEO và làm mẹ
5h sáng đến 11h tối mỗi ngày là khung “thời gian CEO” của Helena Morrissey. Bà bận rộn như một con quay chuyển động không ngừng nghỉ. Nhưng không cần biết bận bịu đến đâu, Helena vẫn sắp xếp thời gian đồng hành cùng con.
5h thức dậy, xử lý thư điện tử. 6h30 chạy bộ cùng con, chuẩn bị sách vở, có khi đích thân đưa con trên đường, có khi ngồi taxi đi làm, lợi dụng thời gian này gọi điện thoại đến văn phòng New York. 8h15 có mặt tại văn phòng.
6h30 tối, Helena đúng giờ có mặt trên bàn ăn cùng cả gia đình. Thứ Bảy họ có truyền thống cùng nhau xem phim, bất di bất dịch, không ai có thể “xin nghỉ phép”, không cho phép chơi điện thoại di động.
Vừa là CEO chấp quản hội đồng quản trị, trái phiếu và chính sách đầu tư, Helena cởi bỏ thân phận cao quý trở thành người mẹ người vợ ở trường học, gia đình và công việc gia đình mà không có bất kỳ trở ngại nào.
Bà có 3 con trai và 6 con gái, hiện tại đã lớn và vẫn có mối quan hệ anh chị em khăng khít. Anh chị lớn đi làm đi học đại học, em nhỏ ở nhà nhớ nhung. Mỗi dịp cả nhà sum vầy thì không gia đình rộn ràng, náo nhiệt khiến ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ.
Trong một gia đình lớn như vậy, lập kế hoạch là rất quan trọng. Mặc dù bận rộn nhưng bà không muốn vắng mặt trong quá trình trưởng thành của các con. Helena vẫn cố gắng hết sức để đóng vai trò của một người mẹ tốt. Bà không thể dành trọn thời gian cho con cái của mình, nhưng sẽ chọn cách tham dự những khoảnh khắc quan trọng của chúng, chẳng hạn như xem các trận đấu bóng đá với con trai, tham gia vào các hoạt động âm nhạc với con gái lớn, hoặc xem các em nhỏ biểu diễn múa ballet.
“Tôi phải lên kế hoạch trước rất nhiều. Tôi viết những gì sẽ làm mỗi ngày trên bảng và cố gắng hết sức để hoàn thành”.
“Trong một gia đình lớn như vậy, bạn không thể dành sự quan tâm vô hạn cho lũ trẻ. Chúng phải tự chăm sóc lẫn nhau. Tôi chỉ chịu trách nhiệm giúp con lựa chọn điều quan trọng nhất đối với chúng, và chồng tôi chịu trách nhiệm đồng hành giám sát. Đôi khi tôi cảm thấy như thể tôi đã bỏ lỡ một cái gì đó, nhưng đó là sự lựa chọn của riêng tôi”, Helena chia sẻ.
“Tôi không phải là siêu nhân, cũng biết mỏi mệt và chán chường. Nhiều lúc tôi cũng nghi ngờ bản thân. Tuổi tác dần lớn, địa vị càng cao, chúng ta sẽ đạt được thành công, cũng sẽ gặp bất hạnh. Tôi cho phép bản thân buồn bã, nhưng không được phóng đại nỗi đau. Mỗi người đều có khả năng tự phục hồi. Phụ nữ cũng vậy!”, bà nói.
Helena thích làm việc chăm chỉ và tin rằng tiềm năng của con người lớn hơn họ nghĩ. Người phụ nữ bận bịu này làm việc tối tăm mặt mày, cũng chẳng hiểu động lực nào khiến bà làm nhiều như vậy. Song, bà không muốn thừa nhận bản thân là người cuồng công việc.
“Tôi chỉ là hơi nhiệt tình và hăng say hơn so với người khác mà thôi. Tôi từ nhỏ đã như vậy”, Helena cảm thán.
Khi được gọi là “nữ cường”, Helena cho rằng mình không xứng đáng vì bản thân cũng yếu đuối như bao người.
Chữ “bình đẳng” luôn tồn tại giữa vợ chồng và con cái
Sau khi đứa con thứ tư được sinh ra, chồng của Helena, Richard Morrissey, đã từ bỏ công việc là phóng viên tài chính của Bloomberg, trở về với gia đình để sáng tạo nghệ thuật và chăm sóc lũ trẻ. Người giúp việc gắn bó với gia đình hơn 20 năm giúp đỡ rất nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ của họ, Helena không thể có ngày hôm nay.
“Tôi không nói rằng tất cả phụ nữ nên có một ‘người chồng nội trợ’, nhưng nếu không có anh ấy, tôi không thể tiếp tục làm việc trong khi phải chăm sóc 9 đứa con”, Helena dường như hơi mệt mỏi và căng thẳng vì thiếu ngủ, nói với Daily Telegraph.
Nếu như nói Helena là trụ cột kinh tế, thì Richard chính là trụ cột tinh thần. Mỗi lần nhắc đến chồng, bà đều ngọt ngào nói: “Anh ấy lúc nào cũng im lặng ít nói. Tôi hy vọng học được sự bình tĩnh như nước tù đọng này từ anh. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ dừng lại sau khi sinh 5 đứa con, nhưng không biết vì sao chúng tôi lại lại tiếp tục. Điều này dường như chẳng có gì kỳ lạ”.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Times, Flo, con gái lớn của Morrissey, tiết lộ rằng sự nghiệp và ảnh hưởng của mẹ khiến người khác phải ấn tượng sâu sắc, nhưng bà vẫn là một người mẹ tự tay nuôi con khôn lớn và thậm chí phải làm việc nhà chồng chất sau một ngày làm việc ở công ty.
“Tôi thật sự không hiểu mẹ đã xoay xở như thế nào. Nhưng mẹ đã tự chăm sóc chúng tôi. Cha tôi nấu ăn, tôi giặt quần áo, mẹ ủi quần áo”, Flo nói.
Helena và con gái Flo
Mô hình gia đình “nam chủ nội, nữ chủ ngoại” này không hề phổ biến, nhưng gia đình Helena cảm thấy ổn với điều này. Suy nghĩ của các con cũng độc lập và cởi mở hơn.
“Một người đi làm, một người ở nhà, thế mà chúng tôi đều cảm thấy thoải mái và tự do. Chúng tôi đều hạnh phúc mỗi ngày trôi qua”. Richard nói với The Guardian rằng tất cả điều này là hợp lý và nam giới có thể có nhiều lựa chọn.
Khoảng vài năm trước, Helena hỏi con trai thứ hai muốn làm gì khi lớn lên, anh đã trả lời “muốn ở nhà như bố”.
Việc có rất nhiều anh chị em khiến Flo cảm thấy may mắn. Họ có thể cùng nhau đi nghỉ mát, chơi đùa và xem tivi. Ở trường, cô sẽ từ chối một số bữa tiệc của các bạn cùng lớp và thích dành nhiều thời gian hơn với gia đình hoặc chăm sóc em trai và em gái nhỏ của mình.
Quan trọng hơn, “cuộc cạnh tranh” trong gia đình đã cho trẻ em nhiều động lực để thành công hơn, bởi vì “bạn cần phải chứng minh bản thân nhiều hơn”. Mặc dù điều kiện kinh tế vượt trội nhưng Helena không bao giờ cho phép các con được sống và tư duy như “con nhà tài phiệt”, chúng phải làm việc chăm chỉ cho những gì chúng muốn.
Gia đình của Helena trong đám cưới của con gái bà
Năm 17 tuổi, Flo quyết tâm bỏ học để theo đuổi ước mơ âm nhạc của mình và Helena đã ủng hộ con gái.
“Bố mẹ không muốn tôi nghỉ học nhưng họ ủng hộ sự lựa chọn của tôi”, Flo nói với The Huffington Post. Helena cũng nói cho Flo hiểu rằng cô phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Bất kể ký hợp đồng với một hãng thu âm, đi lưu diễn ở Na Uy và Pháp, hoặc đến Los Angeles để thu âm album đầu tiên “Pages of Gold”, Flo luôn một mình trải nghiệm và thực hiện.
“Tôi không phải là đứa trẻ hung hăng được nuông chiều, nếu bố mẹ cho tôi tiền tiêu vặt, tôi càng cảm thấy tội lỗi hơn. Mẹ tôi không phải là con nhà giàu sinh ra đã ngậm thìa vàng nhưng bà có sự nghiệp riêng và bà có thể chứng minh bản thân”.
Nhìn lại câu chuyện của Helena Morrissey, thật ra bà cũng như những người mẹ khác, yêu thương con cái, dạy dỗ con theo cách riêng, chỉ là bà biết cách dung hòa công việc và gia đình, vừa chấp quản sự nghiệp bạc tỷ vừa giữ vững hạnh phúc với chồng và 9 đứa con.
Không phải người mẹ nào cũng như Helena, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể làm được một điều: “Đừng đánh giá thấp sức mạnh của mình”.
Nguồn: Sohu, Sina
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/ceo-helena-morrissey-dau-tranh-cho-quyen-loi-phu-nu-chu-toan-lam-me-cua-9-dua-con-2022092521453049.chn” name=””]