Có phải vì có ít thời gian sống cùng nên bà “thiên vị” cháu ngoại hơn là cháu nội?
Đọc bài viết Cháu nội – cháu ngoại, thương sao cho đều? tôi cũng muốn kể câu chuyện bất ổn nhà mình.
Cuối tuần vừa rồi, tôi đi làm về, thấy cậu con ngồi trong tay bà nội khóc thút thít. Bên ngoài, cô chú cùng em Bin đang trên xe, chuẩn bị ra về. Bin là con của em gái tôi, đang giữ trên tay con robot của con tôi.
Do là, ít phút trước đó, Bin đang lăn đùng ra đất ăn vạ mẹ và bà ngoại vì “anh Quân không cho con mượn robot” và nghiễm nhiên cậu bé có được con robot của con tôi.
Thường thì cứ mỗi tháng 1 lần, hai vợ chồng em gái tôi sẽ đưa con về thăm và ở chơi với ông bà ngoại. Bin kém Quân nhà tôi 2 tuổi, cậu bé rất thông minh và kháu khỉnh. Anh em lần nào gặp nhau cũng tíu tít như 2 con chim nhỏ, làm vui cả nhà.
Cứ hễ em gái gọi điện báo sẽ về thăm, mẹ tôi lại hồ hởi: “Về đi nhé, bà để dành gà sạch của bà chờ nhà Bin về mới thịt đấy. Bà còn nhặt được bao nhiêu trứng gà để phần kia kìa. Bà nhớ Bin quá đi mất”.
Rồi mẹ tôi sẽ nhắc đi nhắc lại từ đầu tuần: “Tuần này nhà Bin lại về chơi đấy. Xem có gì ngon ngon để đãi nào. Con ơi, có ít thịt ngon hôm nay mẹ vừa mua được ngoài chợ. Cuối tuần mẹ mua thêm ít cá để các em về liên hoan cho vui”.
Hình ảnh bà ngoại lúc nào cũng hiện lên với sự chiều chuộng với các cháu (ảnh mình họa) |
Bố mẹ tôi làm việc tại nhà. Mẹ tôi hiếm khi nghỉ ngơi cả ngày, thậm chí cả ngày lễ. Thế nhưng có cháu ngoại về là bà bỏ hết công việc, dành chọn 2 ngày để bế bồng và chơi với cháu. “Bà phải tranh thủ bế, chứ mai Bin lại đi rồi”
Vợ tôi đôi lúc nửa đùa nửa thật: “Đúng là cháu hàng xịn của bà có khác, chẳng bao giờ thấy bà ở nhà cả ngày chơi với cháu nội. Cứ em Bin về là anh Quân bị ra rìa”.
Việc này xem ra không ảnh hưởng đến gì đến những ngày cuối tuần đầm ấm của cả gia đình lớn. Mọi người trong nhà vẫn quây quần bên nhau vui vẻ, bọn trẻ thì quấn quýt chơi đùa.
Cho đến cái hôm con tôi ngồi trong lòng bà nội khóc thút thít vì phải nhường món đồ chơi yêu thích cho em Bin theo lời bà. Cu cậu vừa khóc vừa dằn dỗi:
– Sao bà cứ bắt con nhường đồ chơi cho em Bin. Lần nào em Bin về bà cũng bắt con nhường em hết thứ này đến thứ khác. Em đánh con mà bà với bố mẹ không mắng em gì hết!
– Vì em bé hơn mà con. Con lớn hơn nên con phải nhường em chứ!
Thằng bé nghe thế òa lên nức nở:
– Vì bà yêu em Bin hơn yêu con. Em về là bà chẳng thèm bế con nữa. Bà chẳng đưa con đi chơi. Có đồ gì ngon bà đều dành cho em. Đồ chơi mới bà cũng cho em. Bà không yêu con!
Dù yêu thương các cháu như nhau, nhưng hành động của người lớn lại thể hiện sự thiên vị (ảnh minh họa) |
Cả tôi và mẹ sững người trước những câu nức nở của cậu bé 6 tuổi. Với nhận thức thơ ngây của mình, con đang nhận thấy sự “thiên vị” của bà và phản kháng.
Tôi lục lại trong trí nhớ thì đúng là nhiều lần thấy Quân đứng ngẩn ngơ nhìn bà vui vẻ bế em, có khi còn bị đuổi ra vì “vướng chân bà”. Nhiều lần con cầm chén cơm tự ăn, nhưng mắt nhìn sang em, khi bà đang cưng nựng và đút cho em từng miếng. Nhiều lần con bị em đánh mà không được ai bênh vực để đòi lại lẽ phải. Con ấm ức chịu đựng đã lâu, có thể này con bung xả vì “con lớn rồi”.
Mặc dù chẳng có ý phân biệt với các cháu, thế nhưng vô tình hành động của người lớn lại thể hiện sự thiếu công bằng. Các cụ ngay xưa hay bảo “xa thương gần thường”. Có thể mẹ tôi chỉ nghĩ cháu ngoại lâu lâu mới về, nên dành sự chăm sóc, ưu ái nhiều hơn. Tuy nhiên việc này rõ ràng bất ổn, cần phải điều chỉnh. Vì nó sẽ khiến vợ tôi cũng trở nên nhạy cảm, dễ chạnh lòng.
C.A
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chau-ngoai-chau-noi-xa-thuong-gan-thuong-a1484623.html” name=””]