Dù sao đó cũng là khoản nợ của gia đình chị, chị phải gánh vác, vợ chồng chúng tôi giúp được chừng nào hay chừng đó.
Chồng tôi có một người chị gái. 4 năm trước, chồng chị qua đời do tai nạn giao thông. Sau khi chồng mất, chị có khoản nợ hơn 200 triệu đồng do chạy chữa cho anh rể và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Sau mấy năm trời, không hiểu sao khoản nợ đó đã lên đến hơn 400 triệu.
Hiện căn nhà của chị đang phải thế chấp ngân hàng để trả nợ. 2 năm trước, chồng tôi bàn với tôi, hay lấy 400 triệu đồng trong số tiền tiết kiệm của chúng tôi cho chị vay để chị trả nợ ngân hàng, lấy sổ đỏ ra. Chị sẽ trả lãi cho chúng tôi bằng với tiền lãi tôi được hưởng từ ngân hàng. Chồng tôi còn nói nếu chưa yên tâm, chị có thể đưa sổ đỏ cho chúng tôi cầm.
Lúc đó vợ chồng tôi đã có nhà, có 700 triệu đồng tiền tiết kiệm. Thấy số tiền chị chồng hỏi vay chiếm hơn 50% số tiền tiết kiệm, nên tôi đã dự liệu với chồng, rằng anh có tính được bao giờ chị trả tiền cho chúng tôi không? Nếu chị không thể trả nợ, chúng tôi đâu thể bán nhà của chị để lấy tiền. Chồng tôi im lặng.
Dù đang nợ nần, chị chồng tôi vẫn mua sắm tết thoải mái (ảnh minh họa) |
Phải nói thêm là chị chồng tôi là công nhân may, nếu tăng ca thì lương tháng của chị hơn 7 triệu đồng. Chị có một bé gái học lớp 6 và một bé trai học lớp 4. Tiền lương của chị không đủ để 3 mẹ con sinh hoạt hàng tháng.
Sau ngày anh rể mất, ba má chồng tôi cũng chuyển từ quê lên thành phố ở chung với chị để giúp chị trông nom các cháu. Ông bà có lương hưu, mỗi tháng đều trích ra một phần, phụ chị nuôi con. Chồng tôi cũng lo toàn bộ tiền học phí cho hai cháu.
Tôi từng giới thiệu cho chị làm quản lý cửa hàng cho người bạn tôi, mỗi tháng bạn trả chị hơn 10 triệu đồng. Nhưng chị không muốn đi làm, do 10 giờ đêm cửa hàng đó mới đóng cửa, chị không thích ngày nào cũng đi làm về muộn, vì phải lo cho hai đứa con, dù hai cháu đã có ba má chồng tôi phụ chăm sóc.
Ngày trước, khi anh rể còn sống, chị có chồng làm chỗ dựa kinh tế nên chi tiêu khá thoải mái. Hồi anh rể mới mất, chị vẫn giữ thói quen chi tiêu như cũ. Tôi nghĩ đó là lý do khiến chị rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”.
Chồng tôi là lao động chính trong nhà, thu nhập của anh hơn 40 triệu/ tháng, còn tôi là giáo viên mầm non, lương chỉ hơn 5 triệu. Tôi hỏi chồng, nếu không may anh gặp bất trắc, mất việc, thì em và con sẽ ra sao, có thể đòi tiền chị mượn? Tôi thấy anh tiếp tục im lặng.
Do ba má chồng gây sức ép nên cuối cùng tôi đồng ý cho chị chồng 200 triệu, không cần chị trả lại. Ngoài ra còn cho chị vay thêm 100 triệu không lấy lãi. Chị hẹn đến tết năm nay sẽ trả hết.
Thế nhưng, tết đã cận kề mà tôi chưa thấy chị trả tiền. Vô tình tôi còn nghe được chị nói với chồng tôi, muốn vay thêm 100 triệu nữa và muốn chồng tôi hỗ trợ chị 20 triệu đồng để sắm tết. Năm nay kinh tế khó khăn, tôi phải tính toán cẩn thận khi sắm sửa cho ngày tết. Chị đang nợ chúng tôi tiền, vậy mà vẫn muốn sắm tết kiểu “vung tay quá trán”, điều này khiến tôi bực mình.
Tôi muốn nhắc chị chồng trả nợ đúng hẹn, nhưng chồng tôi lại nói cứ để ra Giêng rồi tính. Tôi nói chồng đừng cho chị gái vay thêm tiền nữa, chỉ lì xì hai cháu 5 triệu và nói thẳng với chị rằng có bao nhiêu sắm sửa bấy nhiêu, đừng học làm sang mà thêm lún vào nợ nần. Chồng tôi ậm ừ cho qua chuyện, khiến tôi cảm thấy bất lực.
Ngọc Hiền (Bình Dương)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chi-chong-khong-tra-no-lai-vay-them-tien-sam-tet-sang-chanh-a1479324.html” name=””]