Ở xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông), ai cũng biết đến Nguyễn Văn Tiến (31 tuổi) với câu chuyện hiếu thảo anh dành cho mẹ.
Anh Tiến là con trai thứ năm trong một gia đình thuần nông. Các anh chị lớn đều đã lập gia đình, chỉ còn anh Tiến ở cùng mẹ. Mặc cho gia đình thúc giục chuyện lập gia đình, nhưng nhìn mẹ già đau ốm vẫn hằng ngày đi làm rẫy, làm thuê, chưa kể mẹ còn có nhiều bệnh trong người nên anh Tiến không đành để mẹ ở một mình, quyết tâm ở nhà chăm mẹ.
26 năm trước, bà Vũ Thị Hải – mẹ anh Tiến – từng bị đau thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống, gai đốt sống; nhưng vì thương con, mong cho các con có cuộc sống đủ đầy, ai thuê làm việc gì bà cũng cố gắng làm. Những ngày gần tết năm ấy, vì muốn có thêm tiền sắm sửa cho gia đình, bà Hải nhận đi hái tiêu thuê. Lúc đang trèo hái tiêu trên cái thang cao 4-5 mét, chẳng may bà bị té.
Anh Tiến tỉ mỉ cắt móng chân cho mẹ |
Căn bệnh vốn đã nặng nay lại càng nặng thêm. Bà được các con tận tình chăm sóc tại bệnh viện tỉnh Đắk Nông, nhưng đã qua 1 tháng mà bệnh tình vẫn không có biến chuyển. Anh Tiến bàn với các anh chị, chuyển mẹ xuống Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM chữa trị.
Anh Tiến xung phong đi cùng mẹ để các anh chị yên tâm lo cho các cháu. Những ngày đầu nhập viện, cơn đau kéo đến dồn dập làm bà Hải khóc suốt. Không kể sáng tối, hễ thấy mẹ đau chân là anh Tiến lại ngồi xuống bóp chân, xoa thuốc cho mẹ. Có những lúc, dù đã 2, 3 giờ sáng, chỉ cần mẹ gọi: “Tiến ơi, Tiến à. Mẹ đau chân quá” là anh Tiến dậy ngay, rồi ân cần dỗ dành mẹ và tiếp tục xoa bóp chân cho đến khi mẹ có thể ngủ lại được.
Dù hành trình chăm bệnh vất vả, anh Tiến không hề tỏ ra mất kiên nhẫn. Anh chăm sóc mẹ từng li từng tí, dù là con trai anh vẫn không nề hà bất cứ việc gì. Ngay cả việc mẹ không thể tự đi vệ sinh, anh cũng giúp mẹ vệ sinh tại giường rất khéo léo, để mẹ bớt đi những cơn đau.
Những câu chuyện hài hước anh thường kể mẹ nghe trong lúc xoa bóp hay lúc mẹ ăn cơm để quên đi cái đau, sự mệt mỏi đã giúp bệnh tình của mẹ tiến triển tốt hơn. Thấy mẹ đã dần khỏe, anh theo lời bác sĩ dặn, mỗi ngày giúp mẹ tập đi nhẹ nhàng trong phòng 1-2 vòng cho giãn gân cốt. Sau đó anh lại tiếp tục xoa bóp chân cho mẹ.
Đôi tay nhẹ nhàng xối những ly nước làm ướt tóc mẹ, rồi từ từ vừa mát-xa đầu cho mẹ, anh Tiến vừa nói: “Đã lâu rồi mẹ tôi chưa được gội đầu. Mẹ đã vất vả nhiều vì anh chị em chúng tôi. Giờ mẹ đau nằm một chỗ, tôi nghĩ đây là việc mà mỗi người con cần phải làm cho đấng sinh thành. Anh chị em tôi mỗi người mỗi việc, ai cũng lo lắng cho mẹ. Tôi chưa lập gia đình nên có thể toàn tâm chăm sóc mẹ được. Chỉ mong mẹ thật khỏe để về nhà với chúng tôi”.
Anh Tiến bên mẹ khi bà tập đi |
Không chỉ ân cần, chu đáo lo cho mẹ. Những tháng ngày ở trong bệnh viện, anh Tiến đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho các bệnh nhân chung phòng bệnh. Ai cần việc gì anh đều sẵn lòng xắn tay vào giúp đỡ. Vốn tính vui vẻ, cả phòng bệnh ai cũng yêu mến và cảm phục anh Tiến vì tấm lòng hiếu thảo của anh.
Bà Nguyễn Thị Liên – bệnh nhân giường bên – cho biết: “Anh Tiến tốt bụng lắm. Con gái chăm mẹ đã khó, con trai chưa vợ chăm mẹ lại còn khó gấp mấy lần. Tôi thấy hiếm có người con trai nào làm được như vậy”.
Tôi vẫn thấy ở ngoài kia có biết bao cảnh con cái thờ ơ, vô tâm với cha mẹ lúc về già. Nhưng nhìn anh Tiến và những điều anh dành cho mẹ, dù chỉ là những cử chỉ quan tâm, chăm sóc ngỡ như đơn giản, cũng đủ để chúng ta nhận ra: cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều tốt lành và những con người bình dị mà đáng trân trọng.
Vân Trình
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chi-mong-me-that-khoe-de-ve-nha-voi-con-a1516586.html” name=””]