Tàn dư của một ngôi sao chết đã được ghi lại đầy ấn tượng trong bức ảnh do Đài quan sát phía Nam châu Âu (ESO) công bố ngày 31/10.
Trước khi phát nổ vào cuối vòng đời của mình, ngôi sao này được cho là có khối lượng gấp ít nhất 8 lần Mặt trời của chúng ta. Đây là ngôi sao nằm trong Dải Ngân hà, cách Trái Đất 800 năm ánh sáng theo hướng chòm sao Thuyền Phàm. Một năm ánh sáng là khoảng cách ánh sáng đi được trong 1 năm, tương đương khoảng 9,5 nghìn tỷ km.
Hình ảnh những đám mây khí được hình thành sau vụ nổ siêu tân tinh Vela. Ảnh: ESO
Hình ảnh ngoạn mục này cho thấy các đám mây khí với những tua rua màu hồng và cam qua các bộ lọc được các nhà thiên văn học sử dụng, trải dài trong không gian lớn hơn khoảng 600 lần Hệ Mặt trời của chúng ta.
“Cấu trúc sợi này là khí được giải phóng từ vụ nổ siêu tân tinh và tạo ra tinh vân này. Chúng ta có thể nhìn thấy vật chất bên trong của một ngôi sao khi nó trải rộng trong không gian”, nhà thiên văn học Bruno Leibundgut thuộc Đài quan sát phía Nam châu Âu (ESO) cho hay.
Nhà thiên văn học này cũng cho biết: “Hầu hết vật chất phát sáng là do các nguyên tử hydro được kích hoạt. Vẻ đẹp của bức ảnh này là chúng ta có thể trực tiếp quan sát vật chất bên trong của một ngôi sao. Vật chất này được hình thành trong nhiều triệu năm, được giải phóng và sẽ lạnh dần trong hàng triệu năm cho tới khi hình thành những ngôi sao mới. Những vụ nổ siêu tân tinh tạo ra nhiều nguyên tố, trong đó có canxi hoặc sắt – những nguyên tố có trong cơ thể của chúng ta. Đây là một một điều thú vị trong quá trình tiến hóa của các ngôi sao”./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/chiem-nguong-hinh-anh-an-tuong-ve-tan-du-cua-mot-ngoi-sao-chet-20221102081657596.chn” name=””]