Vì cái tật “ôm hết đắng cay”, chị luôn trong trạng thái mệt mỏi, chịu đựng. Đến khi chuyện vượt quá giới hạn chịu đựng, chị lại không tiếc lời buộc tội và trách mọi người.
Năm nào vợ chồng tôi cũng chơi trò “tổng kết cuối năm”. Trò này để đôi bên cùng kể ra những điều hài lòng và cả những mong mỏi về nhau. Thường, chồng tôi chỉ khen vợ. Suốt 15 năm hôn nhân, anh chưa từng nói muốn vợ phải sửa đổi hay thêm thắt đức tính nào. Thế nhưng năm 2022, anh đĩnh đạc nói: “Anh chỉ mong em có gì thì nói liền, đừng im lặng chịu đựng rồi quăng bom phút cuối!”.
Chị vừa nghe đã hiểu, anh đang ám chỉ chuyện chị mới “quăng quả bom giận dữ” vào nhà chồng. Cái tật “quăng bom” chị đã mắc từ lâu, nhưng đây là lần đầu chị… quăng bom diện rộng.
Năm 2022 ghi dấu một bước ngoặt đầy thử thách với anh chị khi bố chồng mắc bệnh nặng, phải lên thành phố để điều trị. Vợ chồng chị “đăng cai”, đón bố về nhà, việc chăm sóc thì chia đều, mấy chị em bên chồng phải thu xếp để thay nhau chăm bố theo lịch.
Tật “quăng bom”, chị mắc từ lâu (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: SHUTTERSTOCK) |
Thế nhưng suốt 1 năm qua, lịch trực thường xuyên bị “co giãn”. Các em chồng hay bận, thường phải “đổi ca” hay đi muộn, về sớm. Những khoảng sớm hoặc muộn đó, chị thường phải bù vào. Việc chăm bố rất nặng nề, vì bố chỉ nằm một chỗ. Suốt 1 năm trời chị chưa từng than vãn. Những lúc bị trễ nải việc riêng, kiệt sức vì “gánh việc” cho các em, chị cũng vui vẻ.
Thế nhưng, những ngày cuối năm nay quá sức chịu đựng với chị. Công việc ở cơ quan đầu tắt mặt tối, chị về trễ liên tục. Để rồi, vào một sáng, khi cậu em út nhắn “em tới trễ 30 phút”, chị bèn… bốc hỏa.
Chị nhắn cái sớ dài gửi vào nhóm chat gia đình, nói về sự vô tâm của anh chị em và sự mệt nhọc chị chịu đựng suốt năm qua. Chị tuyên bố sẽ không làm thay cho mọi người nữa, dù chỉ một phút. Chị đề nghị cả nhà đi đúng giờ, thậm chí “nên đi sớm hơn 5-10 phút”. Chưa hết, chị gọi điện cho từng người để “kể tội”, rằng người đó đã trễ nải thế nào, đã bất chấp thời gian và sức khỏe của chị ra sao. Khổ nỗi, không ai không từng trễ. Mọi người đều trở thành điểm đến của những tràng trách cứ nơi chị.
Mọi người đều “té ngửa” vì lần đầu thấy chị “lên cơn”. Có người còn tự ái, cho rằng chị “thay đổi” nên nặng lời. Khi thấy em dâu đùng đùng nổi giận và không tiếc lời chỉ trích cả nhà, chị Hai của anh còn đòi “đón bố về nhà”, rằng “tưởng em dâu vui vẻ hóa ra em chịu đựng khổ sở vậy thì phải tìm giải pháp”.
Mọi chuyện bung bét theo những bức xúc leo thang. Dù thương chị, nhưng ai cũng có phần tổn thương khi bị chị lôi những lỗi nhỏ từ thời tám hoánh ra để… hạch tội. Chuyện chăm bố vốn đã vất vả, nay càng nặng nề vì anh chị em phải chạm mặt nhau, đề phòng nhau, rồi rào đón nhau.
Anh là người lãnh đủ. Phải giải thích với từng người đã đành, anh còn phải dỗ chị bằng sự bình tĩnh và khôn ngoan nhất. Suốt 15 năm hôn nhân, thỉnh thoảng anh hay bị vợ kết án “ngang hông”. Nào là những cái án “vô tâm”, “vô tình”, và có khi là “nhẫn tâm”. Tất cả những lần đó, đều là do chị đã chịu đựng một nỗi ấm ức hay một sự vất vả nào đó mà không chia sẻ, chỉ đến khi hết chịu nổi, chị mới “xả giàn” bằng một trận kinh thiên động địa.
Lần gần nhất là khi đứa con trai của anh chị học hành sa sút vì mê game. Phát hiện con mê game, chị lẳng lặng dạy dỗ, kèm cặp, và có khi là theo đuôi để rình con, nhưng chị tuyệt nhiên không cho anh biết. Lý do: Chị thấy anh bận việc nên không muốn anh bận tâm. Đến khi bao phương kế với con đều thất bại, chị mới “nổ tung” những ưu phiền ra với chồng, rồi trách anh vô tâm, bỏ mặc con cái.
Khi không thề chịu đựng được nữa, chị đã… xả giàn. (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Jcomp) |
Cũng chính vì cái tật “ôm hết đắng cay”, chị luôn trong trạng thái mệt mỏi, chịu đựng. Lúc lẳng lặng chịu đựng, chị nghĩ rằng mình đang “hy sinh cho mọi người”. Nhưng đến khi chuyện vượt quá giới hạn chịu đựng, chị lại không tiếc lời buộc tội và trách mọi người vô tâm vì… không biết cái việc chị đã nỗ lực giấu.
Anh phân tích, rằng mọi người cũng ỷ y, cũng giống như anh cũng từng ỷ y vào chị. Nhưng chị cần chia sẻ những khó khăn từ đầu để mọi người được biết, được tham gia giải quyết. Không thể “độc quyền thông tin”, để rồi ức chế.
Chị “sáng” ra. Điều này có giá trị hơn cả là với hôn nhân của chị. Bởi 15 năm qua, chị đã bao lần ảo tưởng rằng mình hy sinh, để rồi cứ “độc quyền thông tin” để chồng phải vào vai một kẻ vô tâm ngờ nghệch.
Đức Hoa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chiu-dung-roi-quang-bom-a1481121.html” name=””]