Chị gọi điện cho chồng cũ liên tục nhưng điện thoại “ò í e”. Con sốt hầm hập trên giường, đồng nghiệp nhắn tin không ngừng. Chị bất lực bật khóc.
Chị và chồng cũ ly hôn đã 7 năm. Ngày ly hôn, chị nhận nuôi con, anh đồng ý chu cấp mỗi tháng 5 triệu đồng và tới lui thăm nom, chăm sóc.
3 năm đầu sau ly hôn, anh thuê trọ gần nhà mẹ con chị. Sáng chị chở bé đi học, chiều anh đón về, cho con ăn uống, tắm rửa. Khi chị tan sở về nhà, con đã sạch sẽ, no bụng, chỉ cần ngồi vào bàn học bài với mẹ.
Thời gian đó, ai cũng nói chị sướng và may. Chồng cũ chu cấp đầy đủ, đưa đón con bé, tuần nào cũng chở con đi ăn, đi chơi… Thậm chí, giáo viên và bạn con trên trường cũng không biết anh chị ly hôn, vì thấy anh vẫn xuất hiện thường xuyên.
Chị làm kế toán, những ngày cuối tháng bận tối mắt tối mũi, anh sẵn lòng thay chị chăm con. Chị thầm biết ơn anh và hy vọng anh sẽ luôn tới lui gần gũi con như thế.
Nhưng, mọi chuyện dần dần thay đổi kể từ sau khi anh có bạn gái. Bạn gái anh là một cô gái trẻ, kém anh 12 tuổi.
Biết hoàn cảnh của anh và chấp nhận, nhưng cô gái ấy ghen kinh khủng, cô đồng ý cho anh đón đưa con nhưng không cho anh bước vào nhà chị. Vậy là sau mỗi giờ tan học và được ba đưa về nhà, bé con chị phải tự xoay xở cơm nước, tắm rửa và ở nhà một mình chờ mẹ về.
Con gái dần bị ba bỏ rơi, sau khi ba có bạn gái mới (ảnh minh họa) |
Thời gian anh quen cô gái ấy càng lâu thì số lần anh đưa đón, tới lui thăm nom con càng thưa thớt. Sau khi kết hôn, anh dọn về hẳn nhà cha mẹ ruột, cách nhà chị hơn 20 cây số, vậy là việc đón con tan học cũng dừng hẳn. Chị đành nhờ bác xe ôm quen ở gần nhà đón con mỗi buổi chiều, đưa con chìa khóa để con tự vào nhà chờ mẹ về.
Tiền trợ cấp hàng tháng cũng bắt đầu trồi sụt thất thường, khi anh đưa không đủ, khi thì 2-3 tháng mới đưa một lần. Anh cũng thưa dần việc gọi điện hay đón con đi chơi. Có những khi cả tháng trời không gặp ba, con chị nhớ ba khóc, chị gọi điện, anh mới tạt qua chở con đi ăn dăm phút rồi về.
Biết anh có gia đình mới phải chăm lo, chị cũng không mấy khi phàn nàn. Những gì tự lo được, chị đều tự lo để không phải phiền anh hay xích mích với cô vợ mới. Chị chỉ mong anh mỗi khi con chẳng may ngã bệnh thì phụ chị một tay nhưng có vẻ như điều đó cũng trở nên quá sức anh.
Ngay cả khi con bệnh nhập viện, chồng cũ chị cũng không đoái hoài (ảnh minh họa) |
Tuần trước, con chị bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Chị ở bệnh viện chăm con suốt 2 ngày 2 đêm, vừa mệt vừa đuối, việc cơ quan thì chồng chất, chị bấm bụng gọi anh vào “thay ca” cho chị 1 đêm, để về nhà nghỉ ngơi, tắm rửa và chạy lên cơ quan giải quyết việc một chút. Ban đầu anh đồng ý, nhưng sau đó anh gọi lại và bảo vợ anh không cho phép.
“Vợ anh nói vào chăm con chút thì được, chứ ngủ lại không được, cô ấy không thích anh ngủ ngoài đường”, chồng cũ phân trần.
Chị ngỡ ngàng: “Vào viện chăm con sao có thể gọi là ngủ ngoài đường được? Anh không vào thì ai giúp em? Anh thừa biết gia đình em ở xa mà!”. Chồng cũ im lặng rồi gác máy, và sau đó là khóa máy, chị không tài nào liên lạc được.
Nhìn con sốt mê man trên giường, chị bật khóc. Không thể ngờ sau khi lấy vợ, ba của con bé lại thay đổi đến mức này. Không còn cách nào khác, chị đành gọi xin sếp nghỉ không lương 1 tuần để chăm con và giải quyết việc nhà.
Đợi con khỏi bệnh và xuất viện, chị sẽ đưa con bé lên gặp ông bà nội và cặp vợ chồng kia để ba mặt một lời. Chị có thể không có chồng, nhưng con chị cần cha. Chồng cũ của chị và vợ của anh ta không thể đối xử với con chị như thế này. Chị nhất định sẽ làm rõ trắng đen ngọn nguồn chuyện này!
Trần Khoa Yêng Hạ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-cu-tron-cham-con-vi-vo-moi-khong-cho-phep-a1483448.html” name=””]