“Ở nhà ăn bám sướng quá ha! Tiêu tiền không phải do mình vất vả làm ra nên cứ thoải mái mà vung nhỉ! Cô đúng là thứ ăn tàn phá hại, hoang phí!” – Vừa nhìn mâm cơm tươm tất, đủ đầy, Khánh không vui mà lại tức giận mắng vợ hoang phí rồi hất thẳng xuống đất.
Nhà tôi và Khánh cách nhau có 5km, hai đứa yêu nhau từ thời sinh viên. Khi đó, chúng tôi là một trong những cặp “trai tài gái sắc” được hội trẻ quanh khu phố biết tới và ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, trong khi bạn bè ra sức xuýt xoa thì bố tôi lại tỏ rõ thái độ ghét bỏ. Ông nói Khánh là người mồm mép, khéo ăn khéo nói nhưng không chân thành. Những người đàn ông như thế chỉ làm khổ con gái nhà lành. Tôi vẫn cãi bố, ra sức bảo vệ tình yêu của mình.
Bố không có thiện cảm với con rể. (Ảnh minh họa)
Ra trường được vài tháng, tôi dính bầu. Thế rồi bố tôi cũng miễn cưỡng cho tổ chức đám cưới. Nhưng trước ngày tôi lên xe hoa, bố đã vào phòng con gái và ngồi căn dặn đủ điều. Trước khi rời đi, ông nói 1 câu mà sau này mỗi lần cãi nhau với chồng tôi lại ân hận vì không nghe lời bố: “Đây là con tự làm, tự quyết, mai này sướng khổ con chịu. Nhưng bố thấy Khánh là thằng không đáng để con tin tưởng hoàn toàn và dựa dẫm đâu. Nên muốn vun vén hạnh phúc thì con cũng cần nỗ lực, cố gắng nhiều. Hãy tự xây dựng sự nghiệp của bản thân, đừng phụ thuộc vào chồng, con gái ạ”.
Tôi xúc động nghẹn ngào vâng dạ trước lời bố dặn, nhưng khi về chung sống với Khánh tôi lại quên sạch. Tôi vẫn đi làm nhưng vì đang nghén ngẩm nên cũng chỉ cố gắng hoàn thành nhận lương. Khánh là trụ cột kinh tế trong gia đình. Thời gian đầu mới cưới mọi thứ chẳng vấn đề gì, anh vẫn chiều hay đưa tôi đi ăn hàng mỗi cuối tuần như hồi còn yêu.
Nhưng được chừng đôi tháng, tần suất giảm dần. Tôi có chủ động thì anh bắt đầu cằn nhằn là tôi ăn ngoài nhiều tốn tiền. Và từ vấn đề đó anh mắng vợ đủ các vấn đề khác: “Sao em không chịu nấu cơm mà cứ gọi đồ ngoài mãi thế?”, “Anh thấy nên về sống chung với bố mẹ, cho mẹ dạy em nấu nướng làm việc nhà. Em nấu chẳng món gì hợp ý anh”, “Em đang hoang phí quá nhiều đó. Anh đi làm vất vả chứ không phải cái máy in tiền”…
Sau đôi tháng kết hôn, chồng tôi đã như thành 1 con người khác – tính toán, gia trưởng. (Ảnh minh họa)
Những khác biệt trong cách chi tiêu, sinh hoạt dẫn đến những mâu thuẫn. Tôi biết mình không đúng hoàn toàn, nhưng Khánh thì ngày càng bộc lộ sự ngạo mạn vì là trụ cột kinh tế, đồng thời tính toán, bủn xỉn với cả những nhu cầu cơ bản trong gia đình.
Ví dụ tôi mua sữa bầu anh hỏi giá bao nhiêu, rồi lại cằn nhằn vợ “con nhà lính tính nhà quan”, lúc nào cũng chọn loại đắt. Mua đồ dùng trong gia đình, anh mắng vợ không biết vun vén, tích cóp, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết chứ cái gì cũng thích là mua. Sự chi li, tính toán ấy ngày càng đáng sợ khi bữa ăn gia đình cũng bị Khánh can thiệp.
Tôi mà nấu nhiều món kiểu gì cũng bị chồng nói là hoang, còn nấu quá đơn giản anh chê khó nuốt, không có gì ăn. Tôi bực mình cãi lại thì Khánh bảo: “Không biết cách lên thực đơn, chi tiêu cho hợp lý. Đến mức chồng bận rộn bên ngoài còn phải dạy mà em không tự nhìn ra thiếu sót của mình, lại còn cãi à?”.
Nhưng sau khi tôi sinh con mới thật sự là cực hình. Suốt nửa năm trời, tôi nghỉ ở nhà nên tôi không có thu nhập, Khánh phải chuyển tiền để tôi trang trải, anh lại càng hay khó chịu vì mọi thứ vợ làm. Biết thân biết phận, tôi luôn cố gắng giới hạn tài chính mỗi bữa tầm 50-70k. Thế nhưng, hôm vừa rồi là cuối tuần tôi muốn bữa ăn tươm tất 1 chút, hơn nữa cũng đang thèm món sườn nướng nên mua đồ hết hơn 130k.
(Ảnh minh họa)
Tối đến Khánh vừa nhìn mâm cơm anh lập tức sa sầm mặt rồi hỏi tôi bằng giọng hằn học:
– Bao nhiêu tiền mâm cơm này?
– Ừm hôm nay cuối tuần em nấu cầu kỳ 1 chút!
– Anh hỏi bao nhiêu? – Khánh quát lên.
– 130, 140k gì đó!
– Gì cơ? Ở nhà ăn bám sướng quá ha! Tiêu tiền không phải do mình vất vả làm ra nên cứ thoải mái mà vung nhỉ! Cô đúng là thứ ăn tàn phá hại, hoang phí!
Nói rồi, Khánh hất cả mâm cơm mà tôi vừa trông con vừa nấu xuống. Chưa dừng lại tại đó, anh ta còn gọi cho bố tôi để kể tội. Tôi cứ nghĩ rằng, bố mình sẽ khuyên nhủ con rể vài câu để anh ta nguôi giận, nhưng không! Bố bất ngờ bảo: Có mỗi bữa ăn cũng không lo được cho vợ con, tự hào lắm à mà anh còn gọi mách tôi? Thấy kém cỏi quá không kham nổi, mang con gái tôi về đây, tôi nuôi!
Sau câu ấy, Khánh ú ớ không nói nên lời. Tôi thì hiểu rằng đã tới lúc phải nỗ lực kiếm tiền rồi, khi đó mới có thể hiên ngang đứng trước mặt chồng mà tranh luận…
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/chong-hat-thang-mam-com-roi-goi-mach-bo-me-vo-nhung-cau-dap-tra-khien-anh-ta-ten-to-c59a12389.html” alt_src=”https://eva.vn/tam-su/chong-hat-thang-mam-com-roi-goi-mach-bo-me-vo-nhung-cau-dap-tra-khien-anh-ta-ten-to-c391a531496.html” name=””]