Anh ăn chơi kiểu đó thì tiền núi cũng hết. Khuyên mãi không được, chị chấp nhận để bạn nhậu, gái gú “rút ruột” anh cho đến khi anh… sáng mắt.
Chị quyết định để mặc anh trôi nổi theo bè theo bạn (Ảnh minh họa) |
Gia đình chị nghèo lại đông con, bữa no bữa đói vì ba mẹ chẳng có tài sản hay nghề nghiệp gì, chỉ quanh năm đi làm thuê làm mướn. Lấy được tấm chồng khá giả, chị hy vọng cuộc sống sang trang. Nhưng chồng chị có tính sĩ diện hão, thường đặt bạn lên trên gia đình. Bạn bè “gợi” là anh “mở”, khích là anh chiều.
Yêu chồng, thương con chị cặm cụi, đầu tắt mặt tối chẳng mấy khi than thở. Là con cả, làm thuê làm mướn từ nhỏ nên chị có sức chịu đựng ghê gớm.
Hồi mới ở riêng, mỗi tuần anh rủ bạn bè về nhà một lần. Ban đầu chị vui vẻ để chồng được nở mặt nở mày. Rồi số lần ấy tăng dần theo năm tháng, chị không thể mỉm cười như trước.
Bạn bè anh khiêu khích: “Vì tình vì nghĩa, tao đến nhà mày mà vợ mày không vui, sợ tốn kém à?”. Máu sĩ diện lên cao, anh bắt chị ra xin lỗi bạn. Biết tính chồng, dù ấm ức nhưng chị phải nhận lỗi cho êm chuyện.
Có lần lè nhè men say, bạn bè thách thức kiểu gì mà anh bắt chị dội nước nhà vệ sinh cho bạn của anh. Chị cũng bấm bụng làm theo lời chồng.
Anh có nhiều bạn, nhưng người đàng hoàng, tử tế đếm không được số ngón bàn tay. Trước mặt, họ vui vẻ nhằm lợi dụng cái tôi “cồng kềnh” của anh để có chốn ăn uống, có vợ anh phục vụ miễn phí. Sau lưng thì họ nói anh chẳng khác gì thằng đàn ông bất tài, chỉ biết đay nghiến vợ để ra oai với thiên hạ.
Mệt mỏi vì bị chồng xem thường lại phải phục vụ bạn nhậu của chồng, chị bức xúc: “Khi nào anh muốn nhậu thì anh rủ bạn đi quán. Anh đưa bạn bè về nhà, các con còn nhỏ, lại học theo thói ăn nói bậy bạ. Tôi cũng không phải ô sin”.
Anh quát lại: “Nhà này nhà tao, tao muốn làm gì thì làm, bên ngoại nhà mày có đóng góp gì mà lên tiếng”.
Chị biết giờ đây mình chẳng thể góp ý, những lời nói của chị đối với bệnh sĩ diện của anh cũng trở nên vô nghĩa. Chị quyết định để mặc anh trôi nổi theo bè theo bạn.
Từ nhậu nhẹt, bê tha, anh theo bạn bè tìm đến thú vui lăng nhăng như cách khẳng định đàn ông trải đời. Có khi anh đi suốt cả tuần, lúc về thì nhìn chẳng ra hồn.
Nhiều người thương chị một mình nơi quê chồng, khuyên chị ly hôn cho khỏe tấm thân, chị đáp: “Bình thường thì anh cũng tốt lắm, nhưng chỉ vì cả nể, đua theo những lời khích bác của bạn bè nên không phân biệt được phải trái. Đánh thì em chạy, khi nào ngủ thì em lại về nhà, mong một ngày nào đó anh nghĩ lại và thay đổi”.
Người khác thì động viên: “Bây giờ có nói cũng không sáng đâu, em cứ để khi nào anh cạn tiền, mắt tự sáng ra à”.
Chị nghĩ cũng đúng, anh phải tan nát đúng nghĩa thì mới bỏ được tính sĩ diện.
Khuyên mãi cũng chán, ba mẹ anh bỏ lên Bình Dương sống để trốn tránh sự gièm pha của làng xóm và không phải chịu đựng anh quậy phá mỗi khi say.
Có lần anh dắt cả gái về nhà vui vẻ. Giận quá chị bế con sang nhà hàng xóm ở. Qua cơn vui vẻ, anh có vẻ nghĩ ngợi về những gì mình đã làm, sang gọi mẹ con chị về. Chị không nói gì, lại bế con theo anh. “Thắng” vợ, anh tưởng đó là bản lĩnh của đàn ông.
Chị thừa biết sống thế này không mong hạnh phúc, nhưng chị vẫn có lý do để cố níu gia đình, mong ngày anh thay đổi (Ảnh minh họa) |
Cả hai đều biết rất rõ cứ kéo dài tình trạng này làm sao có hạnh phúc. Nhưng “giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”. Anh không trị được bệnh sĩ diện hão, lại càng không muốn ly hôn.
Chị biết anh ăn chơi kiểu đó thì tiền núi cũng sẽ hết. Khuyên anh thất bại, chị chấp nhận để bạn nhậu, gái gú “rút ruột” anh cho đến khi không còn gì.
Nghe tin anh đang bị đánh chí tử, chị hớt ha hớt hải đến nơi thì hỡi ôi bạn bè nghĩa tình đâu chẳng thấy, chỉ còn lại anh tơi tả như… tấm chiếu rách. Chị thở dài, đến mức này, liệu anh có chịu thay đổi hay chưa?
Phương Khanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-hu-vo-bo-tay-chap-nhan-de-chong-tu-sang-mat-a1468537.html” name=””]