Biết là đàn bà yêu bằng tai, nhưng họ không mụ mị đến nỗi bản thân chẳng có gì đáng khen mà vẫn có người nịnh nọt. Đàn bà khôn, dễ nhận ra lời khen nào thật/dối.
Vợ xấu hay đẹp cũng là vợ mình (Ảnh minh họa) |
Hải rất đẹp trai, cao ráo, ăn nói khéo, nhưng vợ anh ấy lại không có nét nào thu hút. Chỉ những ai tiếp xúc lâu ngày, mới nhận ra cái đẹp của vợ Hải. Chị ấy giỏi giang, hiền lành, khiêm tốn, biết chia sẻ, biết thông cảm. Có dịp thuận lợi, Hải không ngại khen vợ mình.
Những ai chơi thân quen với gia đình Hải, đều ghi nhận lời khen ấy. Còn đối với những ai lần đầu gặp mặt vợ Hải, hẳn nghĩ Hải khen là để khỏa lấp cái hình thức không đẹp của vợ, để người khác khỏi ngỡ ngàng “ông ấy đẹp trai thế, mà đi lấy vợ xấu”. Hải kệ tất, vợ đẹp xấu cũng là vợ Hải.
Có lần tôi nghe Hải tâm sự “Bả không xinh nhưng thời trẻ nhìn vẫn dễ thương lắm, học giỏi lắm, trai theo rất nhiều. Tui thuộc dạng… thứ dữ mới cưa đổ bả đó. Lấy nhau rồi, bả đảm đang, vừa làm ra tiền vừa quán xuyến con cái, lo trong ngoài tròn vo”.
Thậm chí có lần trong lúc tụ tập, Hải nói: “Kiếp sau, tui vẫn chọn bả làm vợ”. Tôi nói với Hải: “Một phụ nữ khéo léo như chị ấy, đàn ông dại mới không biết nâng niu, giữ gìn”. Làm như có người hiểu thấu tâm can, Hải gật gù cụng ly.
Biết là đàn bà yêu bằng tai, nhưng họ không mụ mị đến nỗi bản thân chẳng có gì đáng khen mà vẫn có người nịnh nọt. Đàn bà khôn, dễ nhận ra lời khen nào thật/dối. Và dù, cuộc sống vợ chồng rất cần lời khen để động viên nhau, nhưng lời khen phải thực tế. Vợ/chồng khen nhau, lời khen sẽ hiệu quả khi đối phương cảm nhận đó là một lời khen chính xác, không ba xạo, không sến súa.
Có người nói, đàn ông khờ mới không biết khen vợ, thậm chí khen nịnh cũng được. Suy nghĩ ấy sai bét. Có một kiểu khen, mà phụ nữ chúng tôi gọi là khen để trốn trách nhiệm. Như đứa em trai của bạn thân tôi, có vợ rồi mà vẫn lung lạc ngoài đường, về nhà thì nịnh vợ thôi rồi, ngay cả khi vợ la mắng, cũng tìm cách nịnh. Vợ anh ta bảo, nịnh cũng phải biết cách, phải khéo, chớ nịnh xạo, khiến cô ấy nổi da gà.
Mỗi khi đi chơi về, anh ta chạy đến ôm eo vợ, rồi khen: “Bà xã anh là số một, nên dù anh có đi đâu cũng cảm thấy yên tâm”. Đàn bà, dù thích được khen, nhưng đừng nghĩ rằng khen kiểu “mồm miệng đỡ tay chân”, để vợ có động lực mà ôm hết việc nhà, để chồng chạy lông bông ngoài đường, đổ trách nhiệm lên đầu vợ. Đàn bà không ngu muội đến mức, vì những lời khen ấy, mà chỉ biết bằng cách nào đó để được anh ấy khen, kể cả việc có bị chồng lợi dụng tài chính, sức lao động và cả niềm tin.
Khen để làm vừa lòng người khác, là một sự thấu hiểu. Có quan sát, có cận kề, mới thấy và ghi nhận những việc làm của vợ/chồng mình, khen đúng thì vợ/chồng mới ghi nhận. Vợ Hải không đẹp, thì Hải chẳng thể nói vợ mình đẹp. Cô ấy có nhiều điểm mạnh, không khen thì Hải là người chồng vô tình, ích kỷ. Hải cũng không bao giờ nghĩ rằng, khen là vợ “nở mũi”, bởi sau khi được khen, vợ sẽ biết thế mạnh của mình, mà tỏ ra lấn lướt chồng. Kệ tất, cái đáng khen là phải khen.
Bản thân tôi, gần 20 năm làm vợ, mới được ông xã khen biết nấu một số món ăn ngon. Mà kể ra, món ăn ngon ấy, toàn món ưa thích của chồng. Nói thế, chẳng phải anh ấy nịnh vợ để được ăn ngon, nhưng đúng là “tay nghề” tôi đã cứng cáp hơn trước. Cũng chẳng phải anh ấy khen mỗi việc nấu ăn, mà còn biết khen tôi nhiều việc khác, khen với bạn bè, khen hãnh diện đàng hoàng. Ngẫm ra, vợ chồng tiếc gì với nhau một lời khen nhỉ? Lời khen như chất xúc tác, để cuộc sống thêm thăng hoa. Vì lời khen chân thành của chồng, tôi có thể “làm Ô sin” cho anh ấy đến hết cuộc đời.
Khánh Thi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ong-xa-khen-that-hay-khen-lay-long-a1468490.html” name=””]