Chúng tôi phải đối diện với canh nhạt cơm sống, vụng chi vụng tiêu nên chúng tôi trước cười nhau sau tự cười mình rồi soi vào nhau, cùng nhau sửa sai.
Buổi tối, sau mấy vòng đi bộ thì chị em tụ tập lại nói chuyện phiếm, tôi lấy mấy chai nước mang chia cho mọi người. “Nước gạo với đậu rang à, cô siêng thế?”, “Cô làm vào lúc nào thế? Chúng tôi về đến nhà chỉ muốn chết giấc. Cơm nước cho chồng, đưa đón đám con ngày nào cũng lu xu bù như ngày nấy, có mấy sợi tóc mà nhăm nhe cả tháng chưa cắt được!”.
Tôi cười cười: “Chồng em rang ạ!”, không khí lập tức im phắt, và sau đó là những câu hỏi dồn dập có cả quan tâm, ganh tị lẫn… giễu cợt.
Tôi từ từ trả lời hết từng câu hỏi, rằng chồng em chỉ là dân công sở thôi, vì em nấu nướng vụng nên ảnh nhận phần vào bếp, cơm cháo của con bé cũng một tay ảnh lo….
“Vì em nấu nướng vụng nên ảnh nhận phần vào bếp, cơm cháo của con bé cũng một tay ảnh lo” (Ảnh minh họa) |
Các chị nhìn tôi như nhìn sinh vật lạ và bắt đầu “kể tội” chồng: anh thì ngáy to đến mức chị phải chia phòng mới được ngủ yên; anh thì ở dơ, phải hò hét mới chịu đi tắm; anh thì về nhà là ôm tivi thắm thiết và điểm chung ở tất cả các anh là đừng bao giờ mong các ông ấy xuống bếp kể cả nhấn bật bình đun nước siêu tốc. Còn lau dọn nhà cửa hay phơi gấp áo quần thì đừng bao giờ nghĩ …
Tôi nhận ra, các chị một là đang bảo bọc chồng quá kỹ, hai là đã coi thường khả năng của chồng mình. Thay vì để chồng con tự làm, tất nhiên có sai, có vụng, có đổ vỡ rồi sẽ khá thì các chị thiếu kiên nhẫn kiểu “nhìn ngứa mắt thà làm luôn cho nhanh”.
Các chị cứ “thà” từ ngày này qua ngày khác, rồi thành việc của mình luôn, các anh từ hăng hái giúp đỡ chuyển sang “quê quê” khi bị phê phán rồi thành phó mặc khi bị nói “cứ ngồi đó cho yên cửa yên nhà!”.
Chính các chị tự ôm rơm nặng bụng, cứ cầu toàn quá rồi tự mình ra sân bao thầu hết rồi than khổ than mệt. Con người ai chẳng có những sai lầm khiếm khuyết, lơ được thì lơ, bỏ được nên bỏ.
Như vợ chồng tôi, cưới nhau chưa được ba tháng tôi đã phải đi sắm chén bát, hàng xóm còn tưởng chúng tôi có chuyện, nào ai biết anh chê tôi nấu ăn dở, đòi vào bếp và chén bát cứ thế… hy sinh.
Ban đầu tôi cũng xót, cũng cáu nhưng thấy nụ cười hì hì chữa ngượng của anh, tôi nhịn. Anh nấu cơm cũng khi khô khi nhão, cắm cơm mà chưa nhấn nút là thường. Con gần một tuổi mà anh bế con còn chưa thạo, mỗi khi nghe con khóc là anh cứ nhũn người ra nên anh “đùn” việc trông con cho tôi…
Con đầy tuổi, tôi muốn đi làm, nhưng ông bà hai bên lại ở xa không thể giúp, anh đã rất nghiêm túc đề nghị tôi ở nhà thêm một thời gian đợi con cứng cáp. Anh cũng chẳng ngại ngần chuyện nhà cửa. Anh nói: “Anh đi làm còn có một tiếng nghỉ trưa, em ở nhà triền miên cả mười tiếng đồng hồ vất vả…” nên đi làm về là anh nhận phần cơm nước, giặt giũ.
Anh cũng chẳng ngại ngần chuyện nhà cửa… (Ảnh minh họa) |
Có thể ngày xưa tình yêu khiến hai chúng tôi về một nhà, nhưng chung nhà rồi thì tình yêu liền biến mất, chúng tôi phải đối diện với canh nhạt cơm sống, vụng chi vụng tiêu nên chúng tôi trước cười nhau, sau tự cười mình, rồi soi vào nhau, cùng nhau sửa sai, cố gắng.
Tám năm bên nhau, chúng tôi học cách làm vợ làm chồng, học cách tha thứ và cười xòa bỏ qua. Học cách làm cha mẹ, học nhìn nhận cái sai của mình để ngày mai bớt sai, để con cái chúng tôi sau này đỡ phải đi đường vòng.
Nên ai nói tôi lười, tôi chịu. Ai bảo tôi siêng, tôi chịu. Ai bảo tôi khéo dạy chồng, tôi chịu. Ai bảo tôi được nhờ chồng, tôi cũng chịu.
Bởi thiên hạ có nhìn thấy gì cũng chỉ là thấy bề nổi, còn ngọt nồng ấm lạnh sao, con đường chúng tôi đi có gì, chỉ chúng tôi mới biết rõ.
Thảo Nguyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-luoi-la-do-cac-chi-bao-boc-ky-qua-a1458748.html” name=””]