Sau cuộc giận nhau đến mức tưởng ly hôn, Hạnh mới nhận ra giữa cô và chồng có những khác biệt rất lớn trong cách giải quyết vấn đề.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Hạnh vốn là thạc sĩ kinh tế, nhưng lại quyết khởi nghiệp nông nghiệp. Cô làm một mình, trong khi anh chồng kỹ sư nông nghiệp lại an nhàn chốn công sở, chẳng liên quan gì đến việc làm ăn của vợ. Hỏi tới thì Hạnh xua tay:
– Dạ thôi! Có ảnh chỉ thêm rối!
Người nghe đang ngỡ ngàng thì Hạnh tiếp:
– Em thấy phải bỏ bớt kỳ vọng chung chạ thì gia đạo mới yên ổn chị ạ!
Hóa ra, đó là một quyết định từ một quá trình “lên bờ xuống ruộng” của cô vợ trẻ.
Lúc mới cưới, Hạnh cũng như bao cô dâu mới, chuyện gì cũng muốn làm cùng chồng. Đi đâu cô cũng rủ chồng theo. Có rắc rối gì cô cũng nhờ chồng giải quyết. Thậm chí ở chỗ đông người, cô còn “tỏ vẻ ta đây có chồng”.
Lần đầu tiên cô gặp rắc rối vì… có chồng là một chuyện liên quan đến hàng xóm. Đợt ấy, xóm Hạnh có một gia đình cứ đến cuối tuần lại tiệc tùng, hát hò, đến mức vợ chồng Hạnh quyết định phải sang góp ý. Ngặt nỗi, nhà Hạnh chỉ mới chuyển về nơi này sau ngày cưới, lại đi làm cả tuần nên chưa quen hàng xóm. Nếu cuộc trò chuyện đầu tiên mà lại để… góp ý, thì quá nhạy cảm.
Tính tới tính lui, cả hai quyết định phân công Hạnh sang bắt chuyện, chọn thái độ cầu thị. Trước là để làm quen, sau là để nhờ vị hàng xóm bớt hát hò vào ngày Chủ nhật.
Hạnh vào vai khá êm. Đến khi cáo lui, anh hàng xóm có nói một câu nửa đùa nửa thật, rằng sẽ lưu ý nhu cầu nghỉ ngơi của vợ chồng Hạnh, “nhưng em cũng phải nhập gia tùy tục nha”.
Hạnh thấy phần trao đổi cũng tạm êm xuôi, cô cũng gây được cảm tình với hàng xóm. Chẳng ngờ, câu chuyện vào tai chồng lại thành ra… vô lý, cần phải chấn chỉnh. Anh trách Hạnh im lặng trước câu “nhập gia tùy tục”, dù Hạnh khẳng định là anh kia chỉ nói đùa và việc đáp trả sẽ gây căng thẳng không đáng. Chồng Hạnh vẫn ấm ức, quyết sang nói lại cho rõ.
Và kết quả là một cuộc cãi nhau inh ỏi. Hạnh chạy sang thì thấy vị hàng xóm đang khăng khăng đuổi chồng về, còn anh thì đang gân cổ… trích dẫn luật.
Bất hòa với hàng xóm không thể hóa giải. Cuối cùng, dẫu hàng xóm không còn tiệc tùng cuối tuần, nhưng chồng Hạnh thì mãi “không cam lòng ở gần người thiếu hiểu biết” nên quyết chuyển chỗ ở.
Một lần khác, Hạnh đang tìm hiểu thị trường để chuẩn bị khởi nghiệp thì có hợp tác với vài người bạn làm kết nối nông sản. Ai cũng biết chồng Hạnh có chuyên môn về nông nghiệp nên hào hứng mời anh tham gia cà phê đàm đạo. Nhưng sau mấy lần đưa chồng theo, Hạnh lại… mắc mệt vì anh luôn bất đồng quan điểm. Và dù chỉ là “khách mời”, anh thường xuyên nhảy vào đưa ý kiến, phản bác rất hăng. Chưa dừng lại, đến khi về nhà anh còn… căng thẳng, bực dọc với vợ vì những điều anh cho là “không chấp nhận được” trong những cuộc bàn bạc của nhóm Hạnh.
Thời gian đó, Hạnh cũng mệt mỏi và thất vọng vì chồng “không tinh tế, lại luôn cho mình là đúng”. Mọi mối quan hệ của Hạnh đều có thể bị anh làm cho “tiêu tùng” chỉ vì những lý lẽ cứng nhắc.
Bên cạnh đó, vợ chồng xung đột liên miên các vấn đề con cái, gia đình hai bên. Dù là việc em trai Hạnh bỏ học đại học giữa chừng, hay chuyện con gái đi học về có vết bầm trên trán… anh cũng đòi làm cho ra nhẽ với những lời lẽ căng thẳng. Mà căng nhất là sau khi tranh cãi với đương sự xong, về nhà anh lại bực dọc, khiêu chiến với vợ nhằm… thống nhất quan điểm. Hễ Hạnh nói ra ý mình, thể nào anh cũng tranh cãi liên miên cho đến khi… thống nhất ở chính quan điểm của anh.
Theo Hạnh, đã có lúc cô tưởng họ phải ly hôn, vì cô vốn rất độc lập trong suy nghĩ, lại am hiểu, có chính kiến; mà hễ có chồng tham gia trong các vấn đề liên quan đến công việc, mối quan hệ xã hội của cô, thì anh lại áp đảo bằng những lý lẽ cứng nhắc. Thế nhưng, hễ vợ chồng giận nhau, thì Hạnh lại thấy… bình an đến lạ. Bởi cô được làm việc của mình, đồng thời được thấy chồng yên vui với công việc của anh.
Sau cuộc giận nhau đến mức tưởng ly hôn, Hạnh mới nhận ra giữa cô và chồng có những khác biệt rất lớn trong cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là vấn đề công việc. Anh vốn là một người nhiệt tình, tử tế và trách nhiệm, luôn xử lý tốt những việc anh phụ trách. Nhưng tất cả những điều tốt đẹp đó, đều là do anh làm việc của anh – những việc anh nắm rõ từ đầu và là người chịu trách nhiệm sau cuối. Chỉ khi can thiệp vào việc của vợ, anh lại làm cho mọi thứ rối tung.
Hạnh chốt: “Nếu hợp tác không đúng việc cũng làm hỏng cả một mối quan hệ. Từ khi độc lập khỏi chồng, em bình an hẳn. Vợ chồng cũng vui vẻ hơn xưa. Nếu có gì cần nhờ, em sẽ giao hẳn cho anh làm giúp. Còn lại, không bàn bạc hay cùng tính toán gì hết. Bởi cứ bàn là lại cãi nhau, cãi từ công việc sang tình cảm, rất rối”.
Cô lại nói một câu mà tôi thấy rất hay: “Chồng có thể là một sức mạnh tăng thêm, mà cũng có thể là một lực cản đến nghẹt thở. Vậy nên phải biết xa biết gần tùy lúc chị ạ. Nếu cái gì cũng làm chung, chắc… ly hôn mất!”.
Hạnh Hoa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-xuat-hien-la-roi-a1469325.html” name=””]