Chu Nguyên Chương là khai quốc Hoàng đế nhà Minh của Trung Quốc. Ông ghét một gia tộc đến mức chỉ muốn đày đọa người thuộc họ này, đến khi tuyệt diệt mới thôi.
Người khiến Chu Nguyên Chương ôm mối hận trong lòng này chính là Bồ Thọ Canh thuộc gia tộc Bồ thị, một thương nhân giàu có người Phúc Kiến chuyên buôn bán và vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vào cuối triều đại nhà Tống và đầu nhà Nguyên.
Theo lý mà nói, họ này hầu như không liên quan gì đến Chu Nguyên Chương vì sống khác triều đại. Nhưng tại sao ông lại mạnh tay trấn áp họ này như vậy, thậm chí còn bắt hậu nhân gia tộc làm những công việc thấp kém, để họ vĩnh viễn không thể ngóc đầu lên được?
Mặc dù gia tộc nhà họ Bồ chủ yếu làm kinh doanh, nhưng bản thân Bồ Thọ Canh lại rất thích làm quan.
Vào cuối thời Nam Tống, Bồ Thọ Canh từng là sứ thần không thường trực của Phúc Kiến và Quảng Đông, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý bộ phận tàu thuyền Tuyền Châu và thông thương nước ngoài. Ông đã đảm đương chức quan này được 30 năm. Vậy tại sao Bồ Thọ Canh lại thích làm quan đến vậy?
Trên thực tế, Bồ Thọ Canh hăng hái làm quan không có nghĩa là muốn ích nước lợi dân, mà là muốn tư lợi, lợi dụng quyền thế để kiếm tiền cho bản thân. Vào thời điểm đó, ông đã xây dựng một “Vọng vân lầu” (lầu cao ngắm mây) trên bờ biển Tuyền Châu, nơi được sử dụng đặc biệt để theo dõi các tàu buôn ra vào cảng Tuyền Châu. Nhờ đó, Bồ Thọ Canh có thể kiểm tra các tàu buôn và đánh thuế xuất nhập khẩu tương ứng, làm chủ và kiểm soát thương mại hàng hải.
Có những quyền hạn này, Bồ Thọ Canh có thể khuếch trương sản nghiệp gia tộc và phục vụ cho lợi ích kinh doanh của mình. Vì vậy, nguyên nhân cơ bản giúp gia tộc Bồ thị có thể trở thành phú hộ thương nhân hàng hải lớn nhất Tuyền Châu lúc bấy giờ là do Bồ Thọ Canh nắm giữ quyền lực về thương mại hàng hải giữa Đông Nam Á, các quốc gia ven Ấn Độ Dương và Phúc Kiến lúc bấy giờ.
Năm 1276, nhà Tống và nhà Nguyên giao tranh, trước khi quân Nguyên tiến vào Phúc Kiến, Hốt Tất Liệt biết rằng Bồ Thọ Canh có uy tín cao ở vùng đất này nên đã cử sứ giả đến thu phục Bồ Thọ Canh.
Trong lòng Bồ Thọ Canh cũng biết rất rõ, triều đình Nam Tống lúc này đã suy kiệt, nếu không nhân nhượng với nhà Nguyên thì khi quân Nguyên vào thành, của cải và tính mạng của ông sẽ khó bảo toàn. Nhưng nếu quy phục Nguyên triều, vậy thì đồng nghĩa với phản quốc, cho dù sống sót, sau này cũng sẽ bị tiếng xấu trong giới thương nghiệp. Vì vậy, Bồ Thọ Canh phải nghĩ ra một cách để “tiện cả đôi đường và không mất lòng ai”, như vậy thì không chỉ có thể bảo toàn tài sản và tính mạng mà còn giữ được danh tiếng của mình.
Và khi Bồ Thọ Canh còn đang do dự, cơ hội đã đến. Ngay sau đó, Hoàng đế Triệu Bính của Nam Tống và Trương Thế Kiệt, phó sứ của Hội đồng Cơ mật, rút lui đến cảng Tuyền Châu bằng thuyền.
Với tư cách là “chủ nhân” của Tuyền Châu lúc này, Bồ Thọ Canh đã lên thuyền mời Hoàng đế vào thành, nhưng Trương Thế Kiệt đã nhìn ra rằng Bồ Thọ Canh có ý định quy phục nhà Nguyên nên nhất quyết không cho Hoàng đế vào thành vì sẽ bị Bồ Thọ Canh sát hại.
Lúc này, có người đề nghị bắt giữ Bồ Thọ Canh, nhưng Trương Thế Kiệt không tuân theo và thả Bồ Thọ Canh trở lại Tuyền Châu. Song Trương Thế Kiệt đã tịch thu tất cả các thuyền buôn của gia tộc Bồ thị.
Phải biết, thuyền thông thương là huyết mạch của Bồ gia, Bồ Thọ Canh sao có thể cho phép chuyện này xảy ra, vì vậy ông đã đầu hàng Nguyên triều để tìm kiếm thế lực giúp đỡ. Theo đó, Bồ Thọ Canh đã xử tử tất cả con cháu hoàng tộc sống ở Tuyền Châu.
Ngoài ra, ông còn cử chiến thuyền của mình đến hỗ trợ quân Nguyên tấn công nhà Tống. Trương Thế Kiệt gần như không thể đối phó với Bồ Thọ Canh, vì vậy ông chỉ có thể bảo vệ Hoàng đế rời khỏi Tuyền Châu và đi về phía Nam đến Quảng Đông.
Sau khi Bồ Thọ Canh đầu hàng Nguyên, để bảo vệ lợi ích và danh tiếng của gia tộc, ông đã đăng một thông báo ở Tuyền Châu, nói rằng ông đầu hàng Nguyên để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Tuyền Châu.
Tuy nhiên, do chiến tranh giữa nhà Tống và nhà Nguyên, nhiều thương nhân nước ngoài không còn dám đến Trung Quốc để kinh doanh. Vào đầu thời nhà Nguyên, thương mại hàng hải đã từng bước sa sút. Ngay sau đó, những người cai trị nhà Nguyên cũng tích cực thực hiện các thay đổi để nối lại thương mại hàng hải càng sớm càng tốt.
Năm 1278, Bồ Thọ Canh được chính quyền nhà Nguyên phong là Tả thừa của Phúc Kiến, chịu trách nhiệm về các chư quận ven biển, cho phép ông tiếp tục kiểm soát sức mạnh thương mại hàng hải. Ngay sau đó, công việc kinh doanh hàng hải của gia đình Bồ phát đạt trở lại.
Sau khi nhà Minh được thành lập, Chu Nguyên Chương vô cùng phẫn nộ trước hành vi phản bội cầu vinh, giúp đỡ ngoại bang tiêu diệt Hán tộc của Bồ Thọ Canh. Chu Nguyên Chương đã hạ lệnh: “Cấm con cháu của Bồ Thọ Canh ở Tuyền Châu không được bất kỳ quyền lợi nào, vì tội ác theo Nguyên diệt Tống mà đuổi cùng diệt tận”.
Dù Bồ Thọ Canh đã qua đời gần trăm năm nhưng Chu Nguyên Chương vẫn hạ lệnh đào xác ông lên và phạt “đánh 300 roi”. Họ Bồ từ đó bị xếp vào hạng thấp kém, nghiêm cấm việc người họ Bồ đi học làm quan, làm nô lệ muôn đời, nữ giới nếu không muốn làm nô bộc thì chỉ có thể làm trong kỹ viện, suốt đời mang tiếng xấu.
Sau đó, nhiều người họ Bồ phải di cư khắp mọi miền đất nước và đổi họ thành họ Bốc, Dương, Ngô… hòng thay thân đổi phận, được sống như người bình thường.
Nguồn: Sina
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/chu-nguyen-chuong-han-nhat-1-gia-toc-trung-phat-con-chau-mang-ho-nay-nam-doi-doi-lam-no-boc-nu-ban-than-trong-ky-vien-20230202212306844.chn” name=””]