Khi hiệp 2 trận đấu đầu tiên của World Cup 2022 bắt đầu, hàng nghìn ghế trên khán đài đã trống trơn dù người Qatar đã đợi hơn một thập kỷ cho ngày này.
Từ trưa ngày 19/11, hàng nghìn người lao động nhập cư tập trung tại một sân vận động ở ngoại ô Doha, thủ đô Qatar, để xem trận khai mạc World Cup đầu tiên ở Trung Đông. Họ háo hức chụp selfie trên khán đài và ngồi trên bãi cỏ. Fanzone được dựng ở khu công nghiệp ngoại ô có màn hình khổng lồ cho khán giả xem. Nó nằm ngay cạnh một số lán trại công nhân nơi hàng trăm nghìn người lao động thu nhập thấp đang sinh sống.
Ronald Ssenyondo, 25 tuổi, người Uganda cho biết: “Chúng tôi ở đây để tận hưởng thành quả mồ hôi của mình. Tôi đã sống ở đây hai năm, làm việc nhiều giờ dưới nắng để giúp xây dựng các sân vận động nơi diễn ra giải đấu. Tôi bị choáng ngợp bởi những thứ tôi đang thấy ngay bây giờ”.
Ở sân vận động chiếu bóng miễn phí, không khí nô nức và đông đúc người tập trung
Quốc gia giàu có Qatar là nơi sinh sống của 2,9 triệu người nhưng tất nhiên không có nghĩa nơi đây có gần 3 triệu người giàu có. Sự thật là phần lớn trong số họ là lao động nước ngoài, từ công nhân xây dựng thu nhập thấp đến giám đốc điều hành cấp cao. Vé cho buổi khai mạc có giá trung bình là 200 đô la, không nằm trong mức chi trả của tất cả mọi người. Thế nên những ai thu nhập thấp sẽ chọn đến xem gián tiếp qua màn hình ở sân vận động miễn phí.
Ali Jammal, 26 tuổi, người đã làm việc ở Qatar được 5 năm, cho biết: “Tôi cần gửi tiền về nuôi các anh chị em ở Ethiopia, vì vậy tôi đến đây vì vé quá đắt”.
Một y tá đến từ Nepal – một trong số ít phụ nữ tham dự – cho biết cô sẽ không thể tham gia xem bất kỳ trận nào nữa vì những ca trực dài tại bệnh viện nơi cô làm việc.
Mohammad Ansar, 28 tuổi, người Ấn Độ, làm việc tại Qatar từ đầu năm 2022, cho biết anh là tình nguyện viên của FIFA cho hai trong số các trận đấu sắp tới. Đó là cách duy nhất để anh có cơ hội đến xem trực tiếp các trận đấu.
Bắt đầu khác xa kỳ vọng của người Qatar
Còn ở sân vận động Al Bayt, nơi trực tiếp diễn ra trận tranh tài giữa Qatar và Ecuador, khung cảnh lại vô cùng khác biệt. Rất lâu trước khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, nhiều người hâm mộ của nước chủ nhà trong số 67.372 khán giả đã bắt đầu tiến về phía lối ra. Họ bỏ về ngay sau khi tiền đạo Enner Valencia ghi bàn thắng thứ 2 cho Ecuador, tức chỉ sau nửa giờ vòng chung kết World Cup 2022 chính thức diễn ra.
Khi hiệp hai bắt đầu, mọi người có thể nhìn thấy hàng loạt ghế trống khắp sân vận động. Đây vốn là một buổi tối bắt đầu bằng những màn ăn mừng vui vẻ và sự lạc quan cuồng nhiệt, là buổi tối mà người Qatar đã chuẩn bị cả thập kỷ.
Hàng ghế trống ở khu vực cho cổ động viên Qatar
Khung cảnh này hoàn toàn trái ngược với tâm trạng trong vài giờ trước khi trận đấu bắt đầu tại sân vận động ở Al Khor, cách thủ đô Doha của Qatar 50 km về phía bắc. Hàng nghìn người đã đến nhà ga xe lửa Lusail rộng lớn, nơi tuyến tàu điện ngầm được xây dựng đặc biệt cho giải đấu này với chi phí 36 tỷ đô la kết thúc. Sau đó đoàn người đi lên một đoàn xe buýt để đến sân vận động. Lực lượng an ninh tỏ ra căng thẳng vì biết rằng con mắt của cả thế giới đang đổ dồn vào quốc gia vùng Vịnh này, quốc gia mà nhiều người chỉ trích cho rằng lẽ ra không bao giờ nên được trao quyền đăng cai World Cup.
Carlos Alvear, một người Ecuador bay sang Qatar để cổ vũ đội nhà thi đấu nêu cảm nhận “Thật đặc biệt khi có mặt ở đây. Đây là kỳ World Cup đầu tiên ở Trung Đông, mang tính lịch sử và Ecuador có mặt ở đây để thi đấu trận khai mạc. Thành thật mà nói, tất cả đều hơi kỳ lạ so với tưởng tượng của tôi. Nó khá yên tĩnh, ngay cả khi có nhiều người Ecuador hơn tôi nghĩ. Nhưng tất cả những tòa nhà này trông khá vắng vẻ”.
Lễ khai mạc hoành tráng không có kết cục vui vẻ với nước chủ nhà
Danny, một cổ động viên đến từ thành phố Norwich của Anh cho biết anh ủng hộ đội chủ nhà Qatar khi đội nhà vẫn chưa thi đấu. Danny và bạn bè đã ở trong khu nhà container được xây dựng đặc biệt để tiếp các cổ động viên nước ngoài đến Qatar xem World Cup. Tuy nhiên anh nói rằng đó “không hoàn toàn như những gì tôi mong đợi”.
Leopold Fes (65 tuổi) – một người Bỉ thì cho biết ông cảm thấy khó chấp nhận quyết định vào phút chót về việc cấm bán rượu tại các sân vận động ở quốc gia Hồi giáo nghiêm khắc này: “Tôi không nghĩ nó sẽ giống như các kỳ World Cup khác. Không được uống rượu là một điều lạ lùng. Bóng đá và rượu luôn phải đi với nhau”.
Chi phí ước tính để tổ chức World Cup 2022 là con số 220 tỷ đô la – nhiều hơn cả tổng GDP quốc gia năm 2021 (179,6 tỷ đô la) của Qatar. Để so sánh, World Cup 2006 của Đức chỉ tiêu tốn 5 tỷ đô la.
Kỷ lục là đội chủ nhà đầu tiên thua trong trận khai mạc là một sự thất vọng to lớn cho đất nước Trung Đông. Kể từ khi Qatar giành được quyền đăng cai giải đấu vào năm 2010, đội tuyển quốc gia nước này đã tập trung cao độ cho giải đấu. Nhưng “tập” đầu tiên của World Cup 2022 có vẻ không được như kỳ vọng của họ.
Những gì đang xảy ra ở Qatar – đất nước có GDP bình quân đầu người luôn thuộc top 5 thế giới lúc này cho thấy tiền chỉ mua được sân vận động hoành tráng, mua được dàn điều hòa làm mát cả thành phố chứ không thể mua được một đội tuyển mạnh, tinh thần yêu bóng đá hay “lửa” từ các cổ động viên.
Qatar đang tổ chức kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử
Dẫu vậy thì rõ ràng, Qatar không tiêu tốn 220 tỷ đô để đổi lấy 3 trận thi đấu vòng bảng “cho vui”. Họ đã lựa chọn tạo ra cả một kỳ World Cup với mục tiêu quảng bá đất nước nhỏ bé của mình cho toàn thế giới.
Những gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn cần phải đón xem. Trái bóng đã lăn, và mọi thứ khác dừng lại. Trong những ngày tới sẽ có những xáo trộn, sẽ có những chiến công vĩ đại, sẽ có đau lòng và sẽ có chiến thắng. Chỉ có một điều kỳ lạ là chúng ta chỉ có thể nâng ly chúc mừng không cồn tại Qatar 2022.
Nguồn: AFP, The Guardian
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/chuyen-buon-phia-sau-hang-nghin-ghe-trong-trong-tran-mo-man-world-cup-2022-o-qatar-20221122174716577.chn” name=””]