Bố dượng đã là một phần của gia đình cháu, sống với mẹ cháu suốt quãng đời còn lại. Thêm một người thân, có gì mà phải “xù lông”?
Cháu 15 tuổi, rất ít khi tâm sự với bố dượng, thậm chí tránh mặt, tránh ăn cơm chung. Nhiều khi cháu nói trống không, trả lời nhát gừng như một đứa trẻ hư trong khi hằng tuần vẫn “buôn dưa lê” rôm rả với mẹ; khi ra ngoài vẫn cởi mở tâm sự với bạn bè đủ chuyện trên trời dưới biển.
Bà ngoại khuyên cháu nên gần gũi và học nhiều từ bố dượng. Cháu thấy mình không hợp, chắc là do tuổi hai người “xung khắc” nhau hay do đó không phải là bố ruột nên… khác máu tanh lòng?
Một nam sinh lớp 10 (TP.Hải Phòng)
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Không phải chỉ ở gia đình “cha gà, con vịt” như nhà cháu, con trai mới “xung khắc” với bố. Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tổ chức khác tiến hành cho thấy có đến 47,3% các bạn tuổi teen thích tâm sự với người ngoài, nhất là bạn bè, sau đó là tâm sự với mẹ (26,9%), với anh, chị em là 12,4%; ít chia sẻ với bố nhất – chỉ 2,6%. Từ đó đến nay, tỷ lệ này thay đổi không nhiều.
Sao vậy nhỉ? Lẽ ra hai người đàn ông trong nhà phải có tiếng nói chung chứ?
Các nhà chuyên môn đã chỉ ra rằng: Đặc trưng tâm sinh lý của con trai 12 – 15 tuổi là cơ thể biến đổi để dần trở thành người đàn ông trưởng thành: tóc mọc rậm và mau dài hơn, xuất hiện ria mép và râu, cục yết hầu nổi lên ở cổ, vỡ giọng, mọc mụn trứng cá trên mặt, tăng chiều cao và bắp thịt tạo nên dáng vẻ riêng của phái mạnh, có giấc mơ ướt (mộng tinh)… Nếu được học hỏi từ sách vở; được cha mẹ, thầy cô và người đi trước chỉ dẫn, chàng trai sẽ bớt những lời nói, hành vi “dở dở ương ương”, trẻ con không ra trẻ con, người lớn không ra người lớn.
Về tâm lý, các “chàng trai” bắt đầu quan tâm đến giới tính, luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác, thể hiện chí khí nam nhi. Tâm tính thay đổi thất thường: hay nổi nóng, lòng tự ái cao, hay chống đối người cùng phái (cha, anh, thầy giáo…)… Tâm lý bốc đồng, hay nổi máu anh hùng nên dễ sa đà hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Nếu không được quan tâm và giáo dục đúng, cứ phải mò mẫm tự tìm cho mình lời giải đáp, các cháu sẽ dễ vấp ngã do bản năng thúc ép.
Chắc cháu cũng biết, mức độ gắn kết lỏng lẻo giữa cha – con trong việc chia sẻ các mối quan tâm, lo lắng sẽ khiến các “chàng trai” thiệt thòi mỗi khi cần có người trút bầu tâm sự và sử dụng “quyền trợ giúp” mỗi khi gặp khó khăn.
Các hành vi lệch chuẩn thường xuất phát từ việc con cái chưa nhận được sự chỉ bảo sát sao của cha mẹ trong đời sống tinh thần.
Cháu là một chàng trai có chính kiến, có nghĩa khí vì đã:
1. Không nhận cha một cách dễ dãi.
2. Không dựa dẫm vào sự nuôi nấng, dạy dỗ của người không cùng máu mủ với mình; không thích bị quản lý và áp đặt.
Tuy nhiên, giờ đây bố dượng đã là một phần của gia đình cháu, sống với mẹ cháu suốt quãng đời còn lại. Thêm một người thân, có gì mà phải “xù lông”?
Hiểu về những đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi mình, cháu hãy dẹp bỏ những khí khái, tự ái của tuổi mới lớn để trò chuyện với bố dượng, lắng nghe lời chỉ bảo của ông. Đừng đẩy ông ra xa khỏi cháu. Đừng ảo tưởng rằng mẹ và bố dượng có lỗi với cháu khi đi bước nữa. Dù đây là sự lựa chọn của mẹ, dù cháu không ưa nhưng vẫn phải nhớ mà đáp đền tình nghĩa của một người đã yêu thương chia sẻ cuộc sống với hai mẹ con.
Điều làm mẹ cháu cảm động lúc này là được chứng kiến con trai riêng của mình gắn bó với người chồng sau. Điều đó chứng tỏ mẹ cháu không chỉ chọn được người chồng cho mình mà còn tìm được người cha cho con trai.
Hãy tặng gia đình mình món quà quý giá này, cháu nhé!
Bác sĩ HOA TIÊU
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-phai-vi-khac-mau-tanh-long-a1467796.html” name=””]