Số người chết đến nay vẫn không ngừng tăng lên, vậy nhưng ngay cả với những người may mắn sống sót, đây mới chỉ là điểm khởi đầu của một cơn ác mộng mới.
Tại 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ , hàng trăm nghìn căn nhà đã đổ sập hoặc không còn sử dụng được nữa. Ước tính, động đất đã khiến 1 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ vô gia cư , cuộc sống của họ giờ bất định trên những vỉa hè. Những túp lều mỏng thường không chống chịu được cái giá rét mùa này, ban đêm nhiệt độ thường xuống dưới -5 độ C, đó là nếu họ còn có lều.
Ông Mustafa Kocer – Người dân Thổ Nhĩ Kỳ, 62 tuổi nói: “Tôi đã mất 15 người thân, giờ đây vẫn đang sống ở ngoài đường, bên cạnh ngôi nhà đã đổ sập của mình. Trời lạnh ư, nhưng tôi làm gì được bây giờ. Tôi vẫn phải sống”.
Hiện chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức quốc tế đang gấp rút xây dựng những chỗ ở tạm cho người dân, nhiều đứa trẻ nay phải học những bài toán sinh tồn. Với các em còn đủ cả cha lẫn mẹ đã thật là may mắn, dù vậy phía trước sẽ là vô vàn nỗi lo.
Anh Mohamed – Tổ chức Cứu trợ Help Yetim: “Ba ngày đầu sau động đất, nhiều người không có gì cả, không đồ ăn, không nước uống, không chỗ ở. Giờ thì mọi thứ đã dần tốt lên, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ phải lo. Đồ ăn cho trẻ nhỏ, vệ sinh cho người dân, bởi hiện không thể tắm giặt gì ở đây, và thuốc men y tế nữa”.
Động đất tàn phá tỉnh Hatay trên diện rộng – Ảnh: Reuters
Ông Batyr Berdyklychev – Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại: “Đó không chỉ là nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm từ nguồn nước, đó là còn là dịch cúm, hay COVID-19. Việc tập trung người dân vào những khu ở tạm lại càng làm tăng đáng kể nguy cơ bùng phát dịch bệnh”.
Ước tính, quá trình tái thiết sau động đất sẽ tiêu tốn của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 70 tỷ USD. Nước này đặt mục tiêu sẽ xây dựng lại trong vòng 1 năm, nhưng khi khối lượng phải gây dựng lại quá khổng lồ, tài chính quá lớn. Không ai dám chắc, cuộc sống của mình sẽ sớm có được một mái nhà, chưa dám nghĩ đến có thể trở lại như xưa.
Ông Ibrahim Savas – Người dân Thổ Nhĩ Kỳ, 41 tuổi: “Ban đầu chúng tôi chìm trong cơn sốc và hoảng sợ, không thể nghĩ được gì. Nhưng khi thời gian trôi đi, chúng tôi mới nhận ra, chỉ vài chục giây thôi bỗng biến chúng tôi trở thành những con người tay trắng”.
Người dân đang cần sự hỗ trợ nào nhất?
Ngay khi động đất xảy ra, đoàn phóng viên VTV thường trú khu vực Trung Đông đã di chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ để trực tiếp ghi nhận những câu chuyện đã xảy ra. Trong 1 tuần ở đây, phóng viên đã gặp rất nhiều những số phận ở nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Chiếc lều này là ngôi nhà của 13 người – Ảnh: DW
Về đồ ăn, giới chức và các tổ chức cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang làm khá tốt. Chợ lúc này không hoạt động, lương thực người dân phải xếp hàng nhận từ các chuyến xe viện trợ. Tất nhiên không thể đủ, nhưng hầu như không thấy ai kêu bị đói. Tuy nhiên cái khó khăn nhất đối với người dân chính là làm sao để vượt qua giá rét. Ban ngày, trời thường có nắng, nhưng khi mặt trời lặn nhiệt độ giảm rất nhanh. Sống trong những khu lều tạm thì khó mà chống chịu được cái giá rét như vậy. Một số nơi có lò sưởi, đốt bằng củi, nhưng nhiều nơi thì lò sưởi chưa đến được. Ở những nơi như vậy, ban đêm thực sự là một cuộc vật lộn để sinh tồn.
Quần áo ấm là rất cần trong lúc này. Với những nạn nhân may mắn sống sót, đa phần đồ đạc của họ đều đã bị vùi trong những đống đổ nát. Hiện nay, nước được chuyên chở đến chỉ đủ để ăn uống, giặt giũ hay tắm thì không có nước. Ngoài ra người dân cũng rất cần các khu vệ sinh.
Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là hỗ trợ nơi trú ẩn cho người sống sót
Hơn 2 tuần sau động đất, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã bắt đầu tập trung vào công cuộc tái thiết. Tổng thống Tayyip Erdogan đã công bố một loạt biện pháp như xây dựng các tòa nhà chất lượng cao và an toàn để đáp ứng nhu cầu nhà ở trong vùng xảy ra động đất, hỗ trợ thân nhân những người thiệt mạng và cam kết hoàn thành tái thiết trong 1 năm.
Người dân đi qua các tòa nhà bị tàn phá sau động đất ở thị trấn Jandaris, Syria, ngày 9/2. Ảnh: Reuters.
Ông Rolf m. Bakken – Nhân viên Cơ quan Điều phối và Đánh giá thảm họa của Liên hợp quốc: “Những gì bạn đang thấy là có hàng nghìn nghìn người đang cần nơi trú ẩn, điều kiện vệ sinh an toàn, hệ thống sưởi ấm, chăm sóc y tế. Đây là những nhu cầu liên tục. Có một mái nhà và một nơi ấm áp, an toàn để ở là điều quan trọng nhất lúc này”.
Công tác tái thiết dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3, với việc xây mới gần 200 nghìn ngôi nhà, trong đó có hơn 130 nghìn ngôi nhà ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hatay, Kahramanmaras và Malatya. Tất cả nhà xây mới sẽ được xây dựng trên nền đất chắc chắn, nằm xa các đường đứt gãy địa chất và chỉ cao tối đa 4 tầng.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp chỗ ở tạm cho khoảng 1,6 triệu người trong khu vực. Nhưng không chỉ là nơi trú ẩn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tiếp tục giải các bài toán khác khi tái thiết như nhu cầu thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh, cho đến các nhu cầu về trường học, việc làm. Những nhiệm vụ này cần một nguồn kinh phí khổng lồ, trong khi kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong giai đoạn khó khăn với lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao, khoảng 20%, khiến các sức ép kinh tế càng thêm lớn.
Bên cạnh các nỗ lực của chính quyền thì các tổ chức cứu trợ cũng đang vào cuộc khá tích cực. Ngoài ra, cũng có rất nhiều chuyến xe cứu trợ đó là các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ ở những vùng không động đất đi tới để hỗ trợ người dân. Thời gian đầu sau động ở một số nơi xảy ra tình trạng cướp bóc hàng cứu trợ, tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau đó đã nhanh chóng chỉ đạo tăng cường an ninh mạnh mẽ. Hoạt động cứu trợ giai đoạn sau này diễn ra khá trật tự.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/con-ac-mong-moi-cua-nhung-nguoi-song-sot-sau-tham-hoa-dong-dat-20230222184115982.chn” name=””]