Cuối cùng chị đã dẹp bỏ tư tưởng con gái là con người ta, có con gái là nằm… kèo dưới. Con gái vừa là con mình, vừa con “người ta”, đều là con chung, quý giá và đáng tự hào.
Gần 2 năm sau khi kết hôn, con gái chị Thảo sinh con đầu lòng. Được bồng cháu ngoại, chị hạnh phúc khôn tả. Hôm con gái ở bệnh viện, mẹ chồng con tới thăm, bà ôm lấy cháu nội hôn lấy hôn để, hôn cả vào mặt cháu. Chị Thảo lấy chai dầu khuynh diệp vừa bôi vào áo, vào tóc đứa trẻ, vừa nói: “Bôi cho em bé thơm tho, chứ mùi người lớn không tốt cho bé”.
“Tôi không có bệnh gì đâu mà sợ. Tôi đâu phải người lạ, tôi là bà nội của cháu mà” – bà sui thanh minh.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
“Con so nhà mạ”, chị đưa con gái về nhà mình, định chăm sóc con trọn 3 tháng 10 ngày cho đủ ngày “ở cữ”. Nhưng vừa mới tròn tháng, chị sui đã sang đòi “bắt” dâu và cháu “về bển”.
Sợ con chưa kịp phục hồi sức khỏe sau sinh, chị Thảo muốn giữ con lại thêm một thời gian, nhưng bị chị sui dọa: “Chị giữ con gái chị ở thêm, nếu hôn nhân tụi nó trục trặc là lỗi do chị đó nghen”.
Mấy lời của chị sui, nghe cũng không sai, khiến chị Thảo thôi ý định giữ con ở lại. Chị thấy thấm thía câu nói “con gái là con người ta”. Chị nghĩ chị đang nằm “kèo dưới”. Con gái mình giờ thành con dâu người ta, gánh vác nhà chồng, nếu giữ con lại, con sẽ gặp bất lợi trong việc giữ hòa khí với chồng và mẹ chồng. Thôi thì, thương con thương cháu, chị đành chiều chị sui.
Trước khi con gái quay về lại nhà chồng, chị Thảo dặn rằng con mới sinh, chuyện nặng nhọc thì nhờ chồng làm giúp, cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, bồi bổ để mau lại sức, có chuyện gì khó giải quyết thì bảo với mẹ, mẹ có thể bị mẹ chồng con lấn lướt, chứ mẹ nhất định không để ai ăn hiếp con…
Thực ra, bà sui của chị Thảo không quá đáng. Qua lời con gái chị thì bà ấy cực kỳ thương con, thương cháu. Vừa rước dâu, rước cháu về, bà đề nghị con trai, con dâu để bà giữ cháu từ 9 giờ sáng tới 4 giờ chiều, bà muốn san sẻ vất vả với con dâu, bởi cháu nội bà hay khóc, phải có người ôm bế.
Nếu con dâu giữ cả ngày lẫn đêm sẽ kiệt sức, còn con trai bà đi làm việc, tối về phải được nghỉ ngơi sớm để tái tạo năng lượng cho hôm sau. Bà dù bận nhiều việc, vẫn ưu tiên giữ cháu. Từ ngày có cháu, việc làm ban ngày, bà chuyển sang làm đêm, bà còn nói tài sản bà để lại cũng dành hết cho cháu nội. Thấy con dâu tăng cân, bà nhắc siêng tập thể dục để lấy lại dáng…
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Có những điều con dâu cảm thấy mẹ chồng hơi vô lý, có khi cửa quyền, nhưng tất cả cũng chỉ vì con cháu, nên nàng dâu chẳng để bụng. Tính bà thẳng thắn, bất bình gì là nói ra ngay, nhưng luôn trên tinh thần xây dựng. Câu nói “Chị giữ con gái chị ở thêm, nếu hôn nhân tụi nó trục trặc, là lỗi do chị đó nghen” thực ra chỉ là dọa vui, chỉ vì bà rất mong được bế cháu, được ở gần đứa con dâu ngoan hiền.
Một nguyên nhân khác nữa là, những ngày “ở cữ”, con dâu không kiểm soát chồng đi những đâu nên bắt đầu ghen tuông, kiếm đủ chuyện khiến vợ chồng mâu thuẫn, trong khi con trai bà làm việc không ngừng nghỉ, nên bà muốn đón con cháu về sum họp. Từ ngày con gái “về bển”, con thường gọi video cho chị, báo cháu bà ngoại được bà nội chăm sóc chu đáo.
Có khi bà nội thằng nhóc còn nói vọng vào điện thoại: “Cháu bà nội thì bà nội chăm là đúng rồi, bà ngoại nếu nhớ cháu thì qua thăm cháu bất cứ khi nào nhé”. Từ đó, chị Thảo có ấn tượng tốt hơn về chị sui. Phần con gái, mỗi lần về thăm đều có quà cho mẹ, thỉnh thoảng chị Thảo cũng được chị sui biếu quà. Chị Thảo cũng dẹp bỏ tư tưởng con gái là con người ta, có con gái là nằm… kèo dưới.
Con gái vừa là con mình, vừa con “người ta”, đều là con chung, quý giá và đáng tự hào.
Thái Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-gai-lay-chong-van-la-con-minh-a1515709.html” name=””]