Có người thể hiện sự tiếc nuối, an ủi tôi rằng học tài thi phận và điểm số không nói lên tất cả. Cũng có người chỉ trích “Nghe đồn con nhà ấy học giỏi lắm. Giỏi mà trượt đại học”.
Ảnh minh họa |
Mùa hè năm 2010, tôi thi trượt đại học. 12 năm học liên tiếp đạt loại giỏi, ai cũng nghĩ 21 điểm đầu vào cho 3 môn khối D (toán, văn, Anh văn) là chuyện dễ dàng với tôi. Vậy mà tôi trượt.
Tôi không còn nhớ cụ thể cảm giác của mình khi nhìn kết quả thi trên màn hình máy tính. Tôi như kẻ mộng du, không khóc, không bộc lộ sự buồn bã. Tôi ngồi im lặng trong sự lo lắng của ba mẹ. Ngay sau đó, tôi lấy những cuốn sách ôn thi đại học – những cuốn sách đã được tôi cất gọn vào thùng ngay khi kỳ thi kết thúc – xếp trở lại giá sách, bắt đầu quá trình ôn tập lần hai.
Những người xung quanh động viên tôi cố gắng ôn tập để thi lại vào năm sau. Có người thể hiện sự tiếc nuối, an ủi tôi rằng học tài thi phận và điểm số không nói lên tất cả. Cũng có người chỉ trích “Nghe đồn con nhà ấy học giỏi lắm. Giỏi mà trượt đại học”. Dù họ nói gì đi nữa, tôi chỉ cười, không đáp lại.
Không khí trong gia đình tôi trầm hẳn xuống. Ông bà và ba mẹ đều tránh nhắc tới chủ đề học, thi. Mọi người cố gắng cư xử với tôi ấm áp, tình cảm như những ngày trước đó. Nhưng bằng sự nhạy cảm bẩm sinh, tôi vẫn nhận ra sự lo lắng của họ. Ông bà nén tiếng thở dài. Ba ngồi hút trộm thuốc lá ngoài ban công tới 3 – 4g sáng. Ánh lửa đỏ ở đầu điếu thuốc vừa tàn đã lại được châm lên. Còn mẹ tự dằn vặt bản thân thiếu sót trong việc hỗ trợ và chuẩn bị cho tôi trong quá trình học tập, thi cử.
Vì sợ mọi người buồn thêm, tôi càng cố gắng tỏ ra mình “ổn”, dẫu trong lòng đầy những cảm xúc phức tạp. 1 tuần sau khi biết kết quả thi, tôi vẫn cố gắng giữ thái độ kiên cường. Tôi đóng chặt cửa phòng, miệt mài ôn tập, nhưng không thể tiếp thu kiến thức. Nhiều lúc, tôi gần như ngồi bất động trước trang giấy trắng tinh. Đêm đó, nhân lúc em trai tôi ngủ say, mẹ nhẹ nhàng mở cửa phòng và ôm lấy tôi, vuốt ve mái tóc, vầng trán, mẹ thủ thỉ: “Bé bỏng của mẹ, con không cần cố tỏ ra dũng cảm”.
Ngay lúc đó, tôi bùng nổ trong nước mắt. Vòng tay mẹ ôm chặt hơn, bàn tay ấm áp vỗ về như khi tôi còn thơ bé. Mẹ an ủi tôi rất nhiều. Mẹ nói tôi có thể khóc khi buồn bã, thất vọng; điều đó tốt hơn nhiều so với việc cố gắng gồng mình tỏ ra mạnh mẽ. Mẹ giải thích rằng, ba mẹ và ông bà cảm thấy buồn vì hy vọng và kỳ vọng của tôi không thành hiện thực. Mọi người không hề thất vọng hay xấu hổ vì tôi trượt đại học. Những người thân yêu của tôi chỉ mong tôi được hạnh phúc và đạt được mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là vui vẻ và tự do. Tôi khóc mãi rồi ngủ thiếp đi trong vòng tay của mẹ.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy với đôi mắt sưng mọng, nhưng không khí trong gia đình dường như nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Khi cả nhà quây quần sau bữa cơm tối, ba nói: “Ba mẹ thấy kết quả thi của con không tồi, hoàn toàn có thể ứng tuyển nguyện vọng 2 vào chuyên ngành khác hoặc trường khác. Con cũng có thể ôn tập và thi lại nếu con muốn. Ba mẹ và ông bà luôn ủng hộ quyết định của con”.
Tôi đã nghiêm túc suy nghĩ và quyết định ứng tuyển nguyện vọng 2, vì không muốn đi học muộn hơn 1 năm so với bạn bè cùng trang lứa.
“Thi trượt đại học” là một bài học nhỏ mà ông trời đã dành để rèn luyện cho tôi. Thay vì tiếp tục sống một cách tự tin đến mức có lúc tự mãn, thất bại này đã mang đến cho tôi cơ hội để nhìn lại bản thân và dùng nó làm hành trang cho hành trình dài phía trước. Thay vì lo lắng cho tương lai, tôi đã học cách trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại. Tôi cũng nhận ra rằng, thất bại này mang đến một điều may mắn: nhờ nó, tôi đã thấu hiểu và trân trọng hơn tình cảm gia đình dành cho mình.
Tôi hy vọng các bậc phụ huynh hãy để con mình biết rằng, dù điểm số có như thế nào thì ba mẹ vẫn luôn bên cạnh, ủng hộ và tin tưởng con, mong con luôn kiên định và đạt được những ước muốn trong tương lai.
Nguyễn Thanh Ngọc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-khong-can-co-to-ra-dung-cam-a1523608.html” name=””]