Vợ đầu tắp mặt tối làm không hết việc, chồng ngồi thư thái đọc báo xem tivi. Rốt cuộc cũng chính đàn bà tự làm khổ mình vì thói quen ôm đồm.
Cũng có nhiều nhà, chồng tuy không về trễ nhưng khi nàng tất bật 3 chân 4 cẳng thì anh vẫn nằm sôpha xem tivi, lướt Facebook hoặc chơi game (Ảnh minh họa) |
Lịch sinh hoạt của phụ nữ có chồng thường dày đặc. Sáng: Vệ sinh cá nhân / Gọi con dậy, vệ sinh cho con, thay quần áo / Ăn sáng, cho con ăn sáng / Đưa con đi học/ Đi làm. Chiều – tối: Đón con về / Ghé chợ hoặc siêu thị mua thực phẩm/Tắm cho con / Nấu cơm / Ăn và cho con ăn / Rửa chén/ Dạy con học / Cho con đi ngủ.
Trong khi đó danh sách công việc của các ông chồng thì có thể kể ngay chỉ vài hoạt động như: tập thể dục, đọc báo, cà phê, lướt web, xem tivi, gặp bạn bè…
Cảnh thường thấy trong đại đa số các gia đình là hình ảnh những bà vợ còn mặc nguyên bộ đồ đi làm, đón con về là xắn tay áo vo gạo, cắm nồi cơm rồi lại quay sang ướp thịt cá, lặt rau. Lâu lâu lại vọng vài câu nhắc con kiểu “ngồi xa tivi ra” hay “cô giáo có dặn bài tập về làm không con?”.
Xong xuôi cơm nước thì mẹ con đi tắm rồi ăn cơm tối. Ăn xong bữa cơm người vợ mới có thời gian xem điện thoại rồi đọc tin nhắn của chồng: “Mẹ con ăn trước đi, nay anh bận việc về trễ”.
Tin nhắn vẫn còn hiện trên điện thoại hôm trước thì là: “Anh đi ăn với đồng nghiệp, về trễ tí nhé”. Mẹ con lại ngồi vào bàn học, kiểm tra bài vở và chuẩn bị cặp sách cho ngày mai. Trước khi đi ngủ, đứa con nhỏ thì thào hỏi: “Nay ba lại về khi con đã ngủ à mẹ?”.
Bởi vậy nên có bao nhiêu ông chồng thảnh thơi thì có bấy nhiêu bà vợ đang tối mặt với việc nhà. Vợ chồng lỗi nhịp từ những chuyện như thế.
Vậy nên có lẽ đàn bà phải thay đổi. Nếu kinh tế không quá khó khăn, tôi ủng hộ việc thuê người giúp việc theo giờ để “giảm tải”, từ đó chị em nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Nếu không thích trong người có người lạ thì việc nhà thì chia ra mỗi người một việc. Anh một tay – em một tay.
Tôi có người bạn phân công cho gia đình rất hay. Chồng quét nhà – vợ sẽ lau nhà. Chồng giặt quần áo – vợ sẽ đem đi phơi. Chồng dọn dẹp bàn ăn – vợ rửa chén. Chồng đưa con đi học – vợ sẽ đón con về.
Nhìn thì có vợ chồng bạn quá rạch ròi, sòng phẳng 50/50, nhưng như thế lại bền. Ai cũng có trách nhiệm, ai cũng phải làm nhưng không ai quá tải. Cảm giác có người san sẻ luôn dễ chịu. Và cũng để cho mấy ông đừng “Rảnh rỗi sinh nông nổi” “nhàn cư vi bất thiện”…
Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Tuần trước, tôi giao kèo chồng sẽ rửa chén, anh cũng gật đầu và thực hiện. Thế nhưng, kết quả là anh làm vỡ mất tiêu cái nắp xửng kho tộ, chén bát thì sứt mẻ nham nhở. Tôi đụng đến cái hộp nhựa thì thấy còn dính dầu. Bực mình, tôi quát: “Thôi để đó, để đó em làm hết”. Chồng tôi gãi đầu: “Ừ thì em làm đi, ai giành với em đâu?”.
Nghe anh nói tôi giật mình. Ơ thế hóa ra chính mình lại tiếp tục ôm đồm, mình nghĩ chỉ có mình làm mới ra hồn còn cứ hễ ai động tay vào giúp thì đều không hài lòng. Thật ra, mấy ông chồng lười cũng chính vì mấy bà vợ giỏi giang quá mà, làm hết được mà!
Hải Yến (Bình Phước)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dan-ba-cang-ban-ron-dan-ong-cang-ranh-roi-a1472303.html” name=””]