Vừa qua cái tết lo toan tứ bề, má chồng lại nhắn chị về lo giỗ chạp. Chị thở dài, nhà đông dâu con, nhưng chỉ mình chị tất tả.
Chị về làm dâu được hơn chục năm. Nhà chồng chị đông con cháu lắm. Ba chồng lại là trưởng họ, chồng chị là đích tôn. Xét theo vai vế, chị là dâu trưởng. Dưới chị còn 4 nàng dâu khác, vậy mà chẳng ai cực như chị.
Hơn 10 năm nay, không năm nào chị được nghỉ ngơi dịp đầu năm (ảnh minh họa) |
Hơn mười năm nay, không có năm nào là chị được nghỉ ngơi dịp tết. Nhắc tới tết là chị sợ như sợ một cơn ốm vật vã. Càng sợ hơn khi qua tết là nhà chồng chị có một đám giỗ quan trọng. Cứ thế, suốt tháng Giêng là chị quay cuồng với đủ mâm chén, thủ tục, biện bày…
Từng có năm chị ngỏ ý xin đi du lịch dịp tết cùng bạn bè, nhường việc lo tết lại cho em dâu kế, nhưng nhà chồng không chấp thuận.
Má chồng chị ngọt ngào nói chị làm đã quen, em dâu biết gì mà liệu. Một mặt, bà ngợi khen chị vén khéo, mặt khác bà nhẹ nhàng buộc sợi dây trách nhiệm dâu trưởng vào tay chị. Còn ba chồng – người gia trưởng có tiếng chỉ nói một câu: “Con liệu sao thì liệu”.
Rốt cuộc, năm ấy chị không đi cùng bạn. Từ lúc giao thừa tới tận khi hết tết, chị nhìn những người phụ nữ khác trong gia đình xúng xính váy áo, lo sửa soạn vui tươi mà chạnh lòng. Cùng làm dâu, nhưng tết của chị là lo từ tiền nong tới ký thịt, con cá, rồi hoa trái, nhang đèn… áp lực hơn rất nhiều so với những nàng dâu còn lại. Hay là vì chị ở cùng nhà chồng, nên tất cả đều đổ dồn vào đầu chị, còn những người em bạn dâu “lâu lâu mới về” nên thỏa sức tung tăng?
Đợt tết vừa qua, chị vì bận bịu con ốm mà lỡ quên mua hoa trái đủ số lượng. Đến ngày bày biện, chị quáng quàng chạy đi mua bù. Trưa hôm đó trở về, chị thấy cả nhà đang ngồi thoải mái uống trà, phê bình trái cây năm nay không đẹp bằng năm ngoái, giò thủ hơi nhiều mỡ, cây mai kiểng tuốt lá muộn nên chưa nở chuẩn…
Chị nén tiếng thở dài, dù trong tâm chỉ muốn trút ra hết một lần, nhưng nhìn chồng lặng lẽ dọn bàn thờ, chị lại im lặng.
Các nàng dâu khác thảnh thơi váy áo, trò chuyện vui vẻ cùng ông bà, còn dâu trưởng tối mắt tối mũi trong bếp (ảnh minh họa) |
Đến hôm hết mùng, chị vừa bắt đầu đi làm lại thì má chồng chị gọi điện nhắc lo chuẩn bị cho rằm tháng Giêng, rồi 2 đám giỗ sắp tới. Chị thở dài, muốn bật khóc ngay tại chỗ làm. Từ ngày lấy chồng, chị lo lắng chu toàn, luôn được khen ngợi nhưng có ai hiểu rằng chính chị cũng cần nghỉ ngơi.
Từng năm từng tháng, những việc chị làm từ sự tự nguyện, vui vẻ bỗng trở thành nghĩa vụ. Nhiều lần chị tỉ tê với chồng, giãi bày nỗi vất vả, anh đều an ủi rằng chị cố gắng vì anh là đứa cháu đích tôn, dòng họ lại trọng việc cúng bái.
Cũng phải, là do chị chọn, trước khi cưới anh đã chia sẻ về áp lực làm dâu trưởng, chị vẫn đồng ý lấy anh. Chỉ có điều chị không ngờ là các nàng dâu khác chẳng cùng chị san sẻ.
Càng nghĩ, chị càng thấy mình đã chịu đựng nhiều và chừng ấy thời gian cũng là quá đủ. Nhà có đông người, tại sao không ai đỡ đần chị một tay? Nếu chị cứ im lặng như những năm qua, họ sẽ nghĩ chị cáng đáng được hết.
Chị quyết định sẽ cùng chồng trao đổi với nhà nội. Trách nhiệm dâu trưởng chị vẫn nhận, có điều chị sẽ thẳng thắn bày tỏ mong muốn được hỗ trợ, được giúp sức.
Lần này chị sẽ kiên quyết. Làm dâu trưởng, chính chị cũng có quyền lực của mình, chứ không chỉ quanh quẩn vun vén tứ bề như trước nay. Khi chị thay đổi cách nhìn về vai trò của mình, chắc chắn người khác cũng sẽ thay đổi.
Q. Thư
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dau-truong-so-le-tet-gio-chap-nha-chong-a1457003.html” name=””]