Cha mẹ có thể không còn thương nhau, nhưng nhất định phải thương con cái. Con đau, lẽ nào lòng cha mẹ không đau?
Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái trong phiên tòa |
Lúc 8g sáng nay (25/11) phiên tòa xét xử Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái trong vụ bạo hành bé V.A. được khởi động trở lại.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) về việc tại sao không ngăn cản bị cáo Quỳnh Trang bạo hành con gái mình, bị cáo Thái nói: “Vì bản thân nhu nhược nên không phản ứng ngay lập tức, mà chờ lúc ở riêng với Trang mới lên tiếng”.
Câu trả lời của Thái khiến dư luận phẫn nộ. Khi thấy một đứa trẻ bị hành hạ đau đớn, bất kỳ ai cũng thấy cần can thiệp để cứu đứa trẻ. Thái là cha ruột bé V.A., lẽ nào trái tim người làm cha ấy đã hỏng? Hoặc, Thái đang mê muội bởi tình trẻ nên chẳng nhìn thấy điều gì bất ổn?
Khi cha mẹ ly hôn, đứa trẻ rất đáng thương vì không còn một gia đình nguyên vẹn. Bất cứ người làm làm cha làm mẹ nào cũng thấy có lỗi với con, cần bù đắp cho con.
Thái thì ngược lại, vì “nể nang” người tình trẻ nên không nhận ra những tổn thương của con. Thái chuyển nhà, đồng ý cho Trang đuổi việc người bảo mẫu bấy lâu chăm sóc tốt cho V.A. Thái còn cấm cản chị Hạnh (mẹ ruột bé V.A.) gặp con… Điều đó cho thấy Thái không quan tâm đến con, chỉ nghĩ cho bản thân, chiều chuộng vô đối người tình trẻ, bỏ mặc cảm xúc của con.
Những việc đó, có thể Thái cho là nhỏ nhặt, nhưng việc để mặc Trang đánh đập con gái mà không lên tiếng can ngăn, cho thấy Thái là kẻ mất lương tri, không xứng đáng là một người cha.
Không ít lần, Thái còn hùa với Trang bạo hành bé V.A.. Điều đó khiến Trang hả dạ. Cha ruột mà không thương xót con, nên Trang không cần dè chừng thái độ của Thái. Chính sự thờ ơ và “nhu nhược”, như Thái khai trước tòa, đã khiến cho bạo lực leo thang, Trang càng nặng tay hơn với bé. Nếu Thái can ngăn hoặc quyết liệt bênh vực con, câu chuyện có thể đã khác.
Không quá ngạc nhiên khi dư luận xã hội một mực đòi toà án xét xử Nguyễn Kim Trung Thái tội ác giết người, với mức án xứng đáng thay vì tội “hành hạ người khác” và tội “che giấu tội phạm”.
Người ta hay nói “hổ dữ không ăn thịt con”. Thái còn hơn cả hổ dữ, không chút động lòng khi thấy con gái bị hành hạ, thậm chí chính Thái còn ra tay hành hạ con…
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận xã hội trông chờ ở Thái sự ăn năn, hối lỗi. Nhưng câu trả lời “vì nhu nhược nên không phản ứng” của Thái khiến nhiều người thất vọng và phẫn nộ. Khi ly hôn, cha mẹ có thể không còn thương nhau, nhưng nhất định phải yêu thương con cái. Dòng máu trong người con là máu của mẹ của cha. Con đau, lẽ nào lòng mẹ cha không đau?
Tôi thích xem những chương trình gameshow như “Bạn muốn hẹn hò”, hoặc “Hẹn ăn trưa”… Nhiều ông bố, bà mẹ đơn thân dắt con cái cùng tham gia chương trình. Họ luôn bày tỏ mong muốn là đối phương chấp nhận đứa con riêng, yêu thương và bao dung với đứa trẻ. Cảm xúc lứa đôi đối với họ có thể đã thành thứ yếu, xếp sau tình mẫu tử, phụ tử. Con trẻ thiếu cha hoặc vắng mẹ vốn đã rất dễ tổn thương. Chúng cần được bù đắp, cần được yêu thương, chăm sóc… Người đến sau phải yêu thương, có trách nhiệm với đứa con bé nhỏ ấy, họ mới chọn.
Trong một tập của game show, tôi bắt gặp ông bố đơn thân dắt theo con trai chừng 8 tuổi. Khi MC mời bé lên sân khấu, người bố quan sát cách cô gái nhìn con trai anh, cách cô ôm và trò chuyện với bé. Anh hồi hộp, không phải vì những cảm xúc với cô gái, mà là cảm xúc của cô gái dành cho con trai anh. Anh cân nhắc, cân đo đong đếm để xem người phụ nữ ấy có thật dạ yêu thương con trai anh.
Nhìn ánh mắt khoắc khoải của anh, cách anh thương con, lo lắng cho con, tôi biết chắc đây là người cha có trách nhiệm. Tôi tin, những người cha yêu thương con cái bao giờ cũng là người đàn ông tốt, là bờ vai vững chắc cho người phụ nữ của họ.
Mọi người chờ đợi bản án đúng người đúng tội dành cho kẻ thủ ác.
Thùy Gương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/de-nguoi-tinh-danh-con-vi-nhu-nhuoc-loi-bao-bien-cua-nguoi-cha-toi-te-a1478678.html” name=””]