Quyết định này được nhiều nghị sĩ đánh giá là “khá muộn màng”.
Thí nghiệm trên động vật diễn ra thế nào?
Thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, chủ yếu là chuột cống, chuột nhắt, chuột lang và thỏ, gồm thử nghiệm trên mắt và da để kiểm chứng xem động vật có gặp bất kỳ biểu hiện dị ứng, kích ứng gì không, rồi sau đó mới được áp dụng cho con người. Động vật sẽ phải chịu đau đớn, thậm chí bỏ mạng trong quá trình thử nghiệm.
Chính vì sự tàn nhẫn này mà nhiều nước thế giới bắt đầu nỗ lực cấm hành vi thử nghiệm. Liên minh châu Âu đã chính thức thông qua đạo luật cấm sản xuất và nhập khẩu mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật từ 2013, đồng thời cấm bán các mỹ phẩm đã từng được thử nghiệm theo cách trên. Tuy nhiên, vẫn mất thêm vài năm để các công ty lớn từ bỏ và tính đến các biện pháp thay thế.
Hơn 40 quốc gia, bao gồm cả Anh, đã cấm thử nghiệm các sản phẩm mỹ phẩm trên động vật, cũng như một số bang của Hoa Kỳ, gồm California, Maine và Louisiana.
Chuột thường được chọn làm đối tượng thử nghiệm vì có bộ gen khá gần với con người
Đến lượt Canada chuẩn bị “nhập hội”
Sau nhiều năm thảo luận và lên kế hoạch, Chính phủ Canada đang chuẩn bị cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật. Những nhà hoạt động vì quyền của động vật cho rằng chính phủ lẽ ra phải thông qua điều luật này từ lâu.
Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos chuẩn bị thúc đẩy những thay đổi đối với Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm liên bang, dự kiến sẽ cấm bán mỹ phẩm đã được thử nghiệm trên động vật, Bộ Y tế Canada xác nhận.
Lệnh cấm sẽ áp dụng cho một loạt sản phẩm, gồm đồ trang điểm, nước hoa, sữa dưỡng thể, sản phẩm tạo kiểu tóc, bọt cạo râu và cả sơn móng tay. Rất có thể, trong tương lai không chỉ mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật bị cấm mà chỉ cần mỹ phẩm đó chứa thành phần đã thử nghiệm trên động vật thì vẫn bị cấm như thường. Sự thay đổi này xảy ra một phần là nhờ vào công sức vận động của các nghị sĩ trong nhiều năm trời.
Nghị sĩ Nathaniel Erskine-Smith nói: “Cuối cùng thì ngành công nghiệp làm đẹp và những người ủng hộ phúc lợi động vật đã tìm được tiếng nói chung”.
Không chỉ riêng ngành mỹ phẩm, chính phủ Canada hiện cũng đang tìm cách giảm thử nghiệm trên động vật trong các lĩnh vực khác, ví dụ như ngành y tế. Bộ Y tế Canada và Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada đang đưa ra các chính sách điều chỉnh quy định thử hóa chất, thuốc và độc tính trên động vật.
Darren Praznik, chủ tịch và giám đốc điều hành của liên minh, cho biết tổ chức này “hoàn toàn ủng hộ” lệnh cấm. “Tất cả các bên liên quan, bao gồm cả ngành công nghiệp, đã làm việc rất chăm chỉ trong vài năm qua để thúc đẩy lệnh cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật ở Canada, bao gồm cả việc tuân thủ các nguyên tắc với Bộ Y tế Canada để đảm bảo luật khả thi”, ông nói.
Các lựa chọn thay thế là gì?
Thực tế, ngày nay các khách hàng hiện đại đều đã có ý thức cơ bản về phương thức thử nghiệm trên động vật của ngành công nghiệp làm đẹp. Do đó mà các nhãn hiệu, dù muốn hay không, cũng dần dần chuyển đổi sang các phương thức khác để tránh bị tẩy chay. Cũng chính vì sức ép dư luận mà nhiều phương thức khác sáng tạo, rẻ và tiên tiến hơn lần lượt ra đời.
Charu Chandrasekera, giám đốc điều hành của Trung tâm Canada về các phương pháp thay thế cho động vật của Đại học Windsor, cho biết có nhiều lựa chọn khác cũng hiệu quả không kém, ví dụ như:
– Thí nghiệm trong ống nghiệm: Viện Harvard’s Wyss đã chế tạo thành công “nội tạng trên con chip”, hiểu đơn giản là một con chip chứa tế bào mô phỏng nội tạng người. Những con chip này có thể dùng thay thế động vật trong trường hợp cần thử thuốc, thử chất độc và sản phẩm mỹ phẩm gây kích ứng.
– Thuật toán máy tính: Dữ liệu lớn (Big data) xác định tác dụng, hiệu ứng phụ của một hợp chất mỹ phẩm mới bằng cách tiêm trực tiếp trên động vật đôi khi sẽ khá tốn thời gian. Các thuật toán máy tính có thể dựa trên một lượng lớn dữ liệu để dự đoán độc tính, mức độ hiệu quả của chất.
– Nghiên cứu trên người thật: Một lượng nhỏ chất hóa học được tiêm vào cơ thể tình nguyện viên, các nhà nghiên cứu vẫn theo dõi được quá trình phản ứng của mỹ phẩm với cơ thể nhưng không nguy hiểm với con người. Tuy nhiên tính ứng dụng của phương pháp này còn hạn chế.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/den-luot-canada-gia-nhap-hoi-nhung-nuoc-khong-thu-nghiem-my-pham-tren-dong-vat-20230125221952408.chn” name=””]