Tôi giàu có, đó là lợi thế đồng thời cũng là nỗi khó của tôi bởi làm sao biết chắc người ta yêu mình không phải vì tiền. Và cũng thật viển vông khi ở tuổi này mà mong người ta yêu mình chỉ vì yêu…
Nguồn ảnh: Shutterstock |
Trong nỗi nhớ của tôi, khi nghe người ta nói cha thích cô nào đó thì chị Hai chỉ cười mỉm và phẩy tay. Nhưng từ lúc nghe nhắc tới tên cô Dung thì chị lo lắng. Không dễ khiến chị Hai của tôi lo lắng…
Cô Dung là cô giáo của tôi thời tiểu học. Hồi đó, cha mẹ tôi còn là nhân viên tiếp thị cò con. Ngày nào 2 người cũng chở mấy thùng hàng chạy xe máy về vùng ven chào mời các hàng quán nhỏ ven đường. Tạo dựng thị trường mới là điều rất khó khăn nên cha mẹ tôi thường xuyên về trễ. Rất nhiều buổi chiều cô Dung ở lại với tôi trước cổng trường đã vắng tanh, cho tới khi cha hoặc mẹ tôi tới đón. Cô Dung lấp đầy nỗi chờ đợi của tôi bằng cách bày ra chơi cờ vua hoặc vẽ tranh, cô còn cho tôi hộp bút màu.
Nhờ cô, tôi mới biết có loại bút màu dầu tô tranh rất mượt mà. Trong căn phòng trọ gia đình tôi thuở đó, có nhiều bức tranh ngộ nghĩnh của tôi được dán khắp nơi. Mỗi khi có câu hỏi “Lớn lên em thích làm nghề gì?”, trong khi bạn bè còn ấp a ấp úng thì tôi trả lời không chút ngập ngừng: “Em thích làm họa sĩ”.
Cô Dung là kỷ niệm ấm áp nên khi nghe nói cha yêu cô Dung, tôi chỉ thắc mắc là trong nhà mình chẳng có đứa nhóc nào tuổi tiểu học thì làm sao cha có cớ gặp lại cô Dung. Thì ra công ty của cha tài trợ cuộc thi cờ vua, cha được mời trao giải thưởng còn cô Dung đưa học trò đi nhận giải.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Từ ngày gặp lại rồi yêu cô Dung, cha hay trò chuyện với tôi. Cha nói cô vẫn như ngày nào, tận tâm với học trò và đó là điều khiến cha xiêu lòng. Tôi lý lẽ với cha là yêu vì cô Dung tận tâm với học trò thì chắc là tất cả phụ huynh đều muốn cưới cô Dung. Cha cười ha ha. Lâu lắm rồi tôi mới thấy cha cười sảng khoái vui vẻ vậy.
Với chị Hai thì cha không cười vui được vì chị phản đối dữ dội. Chị nói cha cứ yêu đương lăng nhăng như bấy lâu nay cho vui, miễn đừng tính chuyện rước ai về nhà. Chị vẫn mong có ngày hàn gắn được cha mẹ. Dĩ nhiên tôi cũng mong nhưng đồng thời tôi biết là vô vọng bởi vì ngay cả trong đám cưới của chị Hai, cực chẳng đã cha mẹ tôi phải đứng bên nhau phía đàng gái nhưng khi vừa rời sân khấu, mẹ đã quay đi lập tức. Mẹ không chịu nổi cho dù chỉ là diễn vai bạn bè.
Lý do của sự giận dữ không nguôi đó, là cha từng nghi ngờ mẹ ngoại tình, đã tuôn ra những câu sỉ vả sát thương. Thậm chí cha đã xét nghiệm cả 2 chị em tôi để chắc chắn là mình không đổ vỏ ốc cho kẻ khác.
Yêu lắm nên mới ghen, có lần cha phân bua với chị em tôi như vậy nhưng chẳng cứu vãn được nữa.
***
Chị Hai ra điều kiện, hoặc là chị sẽ làm dữ để cô Dung phải tự lùi bước hoặc là cha phải sang tên sổ đỏ sổ hồng nhà cửa đất đai xe cộ cho chị em tôi. Chị xìa ra những trang báo kể về các cuộc hôn nhân mà cả 2 bên đều là người tử tế nhưng đến lúc ra tòa ly hôn mới tung tóe trắng đen. Cho nên dù pháp luật quy định tài sản trước khi cưới là của riêng nhưng biết đâu cô Dung sẽ ngon ngọt rủ rê cha cầm cố giấy tờ vay mượn ngân hàng để lấy vốn cho cô mở một trường tiểu học tư thục chẳng hạn…
Cha đồng ý với chị Hai và cha cũng ra điều kiện là cả nhà phải bí mật chuyện này. Chị Hai cười đắc thắng, biết ngay mà, vì không còn nắm giữ gì trong tay nên cha sợ cô Dung sẽ lùi lại, vậy thì cô Dung yêu cha vì cái gì?
Kỷ niệm về cô Dung vẫn còn ấm áp trong tôi nên tôi cãi lại chị: “Là cha sợ cô ấy bị tổn thương”.
Chị Hai hạ một câu độc địa: “Bằng cách lừa dối trong bí mật sao?”.
***
Bây giờ tôi 50 tuổi, là mẹ đơn thân và đang tính kết hôn lần nữa.
Tình yêu, à, không, gọi là chuyện yêu thì đúng hơn, vì có quá nhiều chuyện khi người ta đi bước nữa ở tuổi 50. Trước tiên là những đứa con, con của anh và con của tôi. Con của tôi lo lắng hỏi: “Người ta có thật lòng yêu mẹ không?”. Tôi giàu có, đó là lợi thế đồng thời cũng là nỗi khó của tôi bởi làm sao biết chắc người ta yêu mình không phải vì tiền. Và cũng thật viển vông khi ở tuổi này mà mong người ta yêu mình chỉ vì yêu.
Còn tôi yêu vì điều gì? Giờ thì tôi hiểu khi cha nói yêu cô Dung vì sự tận tâm với học trò. Tôi gặp anh trong một chuyến đi thiện nguyện, người đàn ông ấy trao quà cho kẻ khó một cách ân cần dịu dàng. Ân cần dịu dàng dành cho người khác mà khiến tôi cảm động. Để có cớ gặp lại, tôi đã bày ra những chuyến thiện nguyện khác và mời anh tham gia ban tổ chức.
Ảnh Shutterstock |
Trong mắt anh, tôi là một người đàn bà tốt bụng và đáng yêu vì điều đó, có phải không? Từ quý mến đến tình yêu là bao xa hay chỉ là anh đã ngán một mình, như tôi?
Hội bạn thân của tôi toàn những người dạn dày kinh nghiệm hôn nhân. Ai nấy đều đồng ý là chia tay mà đàn ông nuôi con thì đó là người tốt. Tôi không phản đối mà cũng không gật đầu. Hồi đó, mẹ chịu để tôi và chị Hai ở lại với cha cho thiên hạ thấy chúng tôi đúng là con ruột cho nên cha phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, đó là câu trả lời đích đáng cho những trận ghen tuông vô lối. Vậy thì cha tôi có tốt tính không?
Anh nói gì để 2 đứa con của anh chịu gật đầu với tôi? Anh đã phải chấp nhận những điều kiện gì? Có những dàn xếp bí mật nào để tôi được chào đón trong sự lễ độ hay may mắn cho tôi là anh có những đứa con hiền ngoan?
Dù sao thì tôi cũng đang có cuộc hẹn với con gái anh. Tuần trước, tôi gửi tặng cô bé cái điện thoại iPhone mừng tốt nghiệp đại học và lời mời đảm nhận một vị trí trong công ty của tôi. Có vẻ như tôi đang tìm cách lấy lòng con chồng. Tôi ghét kiểu suy nghĩ này nhưng đúng là không thể tránh được.
Tôi hẹn lúc 3g, mà đã 3g30. Thường thì vòng phỏng vấn mà tới trễ sau 3 phút thì cho dù hồ sơ đẹp đến mấy tôi cũng thẳng tay loại. Người trợ lý ngồi bên cạnh nhìn tập hồ sơ vẫn còn trước mặt tôi với vẻ thắc mắc. Tôi nuốt xuống tiếng thở dài hối hận, lẽ ra chỉ cần tặng cái điện thoại thôi.
Tan giờ, tôi gặp cô bé ngay trước cổng công ty. Đôi mắt nhìn tôi với vẻ quyết tâm và cơ thể nhỏ nhắn như đang gồng lên cho một điều rất quan trọng. Trước mặt tôi là một phiên bản rất khác với những khi tôi gặp tại nhà anh. Thật hơn, trần trụi hơn? Tôi chợt nhớ tới chị Hai của tôi ngày nào và thấy gai người.
– Trên đường tới đây, cháu vẫn tự hỏi mình có nên làm việc trong công ty của cô không. Rồi khi đã tới nơi thì cháu nghĩ là không nên.
– Sao cháu không gọi điện thoại nói rõ để cô…, à, mọi người phải đợi?
– Cháu xin lỗi. Thật lòng là cháu không biết mình đúng hay sai cho nên cháu cứ đứng đây và phân vân.
– Vậy là cháu vẫn chưa quyết định. Không sao. Tuần sau còn 1 buổi phỏng vấn nữa. Nếu…
Cô bé cắt ngang lời tôi và nói thật nhanh:
– Cháu quyết định rồi. Cháu sẽ xin việc công ty khác.
Tôi hít thật sâu một hơi dài, có vẻ như tôi nên chuẩn bị tinh thần cho một bước lùi thì phải.
Cô bé mở ba lô lấy ra cái iPhone, 2 gò má đỏ ửng:
– Cháu rất thích cái điện thoại này nhưng… nếu cô chịu cho cháu trả góp. Cháu sắp đi làm có tiền lương mà. Cô à, cháu chỉ mong cha cháu và cô được hạnh phúc. Ngoài ra, cô không phải bận lòng về chị em cháu đâu.
Hơi thở nén lại trong lồng ngực tôi thoát ra nhè nhẹ. Cảm giác thật tuyệt vời khi nhận biết mình may mắn.
Nguyên Hương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/di-buoc-nua-a1523531.html” name=””]