Thấy những cuộc tiễn đưa, những giọt nước mắt ngắn dài trong ngày hội tòng quân, tôi bỗng nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ các anh tôi…
Tôi có 3 người anh đi bộ đội. Ba tôi cũng là bộ đội, mẹ là thanh niên xung phong. Thời bình, ba tôi luôn động viên các con đi nghĩa vụ quân sự. Với ba, vào lính là để rèn luyện bản thân và để tuổi thanh xuân có thêm nhiều điều đáng nhớ. “Lính thời bình, hết 2 năm nghĩa vụ rồi về, có gì ngại đâu con. Đi mới biết nếm gió nằm sương, đi để trưởng thành” – ba nói với các anh trước những đợt giao quân.
Anh Hai tôi vào bộ đội, hồi năm 1990. Lính Vùng 3 Hải quân đóng ở Đà Nẵng. Ngày anh đi, tôi mới học lớp Ba, nhỏ xíu nên mấy ông anh ghiền để mái tóc tém cho em. Cái tên của tôi là anh Hai đặt cho với ước mong em gái mình lớn lên sẽ dịu dàng, duyên dáng.
Thuở anh Hai vào lính, 5 anh chị em sau anh đều còn nhỏ dại. Ba mẹ làm công điểm hợp tác xã nuôi mấy mặt con. Chị Ba, anh Tư nghỉ học để lo phụ giúp ba mẹ nuôi 3 em nhỏ học hành. Chị tôi gác lại ước mơ làm cô giáo từ đó. Anh Tư cũng theo ba, theo mẹ ra đồng.
Ba mẹ cùng tác giả và 2 cháu nội. Chú bộ đội ngày xưa nay đã 83 tuổi. Cô thanh niên xung phong giờ đã 72 tuổi |
Tôi và anh Năm, anh Sáu được đi học. Anh Hai làm lính, ở nhà tôi vẫn quen gọi anh là chú bộ đội hải quân. Trong quân ngũ tôi không hình dung anh làm những gì, chỉ biết những lần anh về phép là lòng tôi reo vui. Tôi thấy anh mang về bánh quy kem trong mấy hộp thiếc, bánh xoài thơm và quà lặt vặt cho đàn em ở nhà.
Những món quà lấp lánh đủ để tôi hân hoan, chộn rộn nhiều ngày liền. Những món quà từ “chú bộ đội hải quân” đủ để tôi tự hào khoe với bạn bè, ngoài bánh kẹo, tôi còn được anh trai mua cho chiếc áo khoác, đôi sandal nhựa trắng, mang vào “bảnh” nhất xóm nhỏ. Tôi cứ thế mà vui mà lớn lên mỗi ngày. Bây giờ, tôi chỉ còn nhớ mang máng anh Hai đi lính hải quân lâu lắm, 3 năm hay 5 năm gì đó, nên anh mới có những lần về phép thăm nhà.
Biết mẹ mê đài cassette, mà chính xác là mẹ mê những ngọt ngào từ tiếng hát của nghệ sĩ Thu Hiền – Trung Đức, với những “bản tình ca lính” như Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Chào em cô gái Lam Hồng, Giận mà thương… nên anh Hai mang theo chiếc cassette Sony về làm quà cho mẹ. Quà cho ba là bộ đồ ấm màu xanh của lính.
Rồi anh Năm và anh Sáu tôi cũng lần lượt vào lính. Tôi chưa đi tiễn các anh lần nào, vì ngày hội lính tòng quân tôi vẫn còn ngồi nắn nót từng con chữ trên ghế nhà trường. Thường là ba tôi đi tiễn con, mẹ tôi được “đặc cách” ở nhà vì nước mắt mẹ “làm mấy đứa con trai nó bịn rịn quá”. Ấy là ba tôi nói vậy.
Trước ngày các anh đi, ba mẹ tôi thường làm mâm cơm thịnh soạn có đông đủ anh, chị em trong nhà. Bữa cơm nhiều món ngon, trước là dâng bàn thờ gia tiên báo cáo ông bà cho con cháu đi nghĩa vụ, sau là những lầm rầm kính cẩn của ba tôi để mong ông bà dõi theo các cháu trong những ngày tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Những đêm trước ngày hội lính như thế, nhà tôi vừa chộn rộn vui cười, lại có lúc tĩnh lặng với những niềm thương cất giữ trong lòng. Mờ sáng, ba mẹ tôi trở dậy nấu thêm nồi xôi mới, luộc quả trứng dầm nước mắm, đánh thức anh tôi dậy ăn bữa sáng ở nhà trước khi anh đi. Và cứ như lệ thường, ba đốt nén nhang như để báo cáo với ông bà, rằng có “thằng cháu” sáng nay lên đường nhập ngũ. Rồi ba cùng anh lên chuyến xe tới điểm giao quân của xã.
Những câu chuyện của buổi sáng xúc động đó, những bịn rịn, lưu luyến chia xa đó, ba sẽ kể ở những bữa cơm tối sau khi các anh đã vào lính.
Tôi trở thành người viết thư cho anh Năm và anh Sáu. Tôi kể chuyện nhà, kể chuyện mùa và chuyện tôi. Cứ nhận được thư các anh là tôi phải đọc đi đọc lại cho ba mẹ nghe và đêm đó sẽ vừa học bài vừa ngáp vì buồn ngủ; nhưng hễ ngồi viết thư kể chuyện “linh tinh” cho mấy ông anh là tôi tỉnh như sáo.
Tôi kể về nhà mình mùa lúa đã xong, mùa sắn đang đến, tôi kể ngày 27 tháng Chạp cóng cả tay mà mẹ vẫn dẫn em ra đồng đi dặm lúa chứ chưa cho em đi chợ tết – một tiếng nức nở trẻ thơ khi thấy tết, thấy áo mới nhà ai đã phơi trên rào mà tôi còn chưa thấy chợ ở đâu.
Thấm thoắt mà nhanh, các anh tôi xuất ngũ, đã thành gia lập thất, đã già đi. Và tôi cũng đã lớn, con tôi đã lên 7 tuổi. Mới đây, thấy những cuộc tiễn đưa với màu áo xanh, những giọt nước mắt ngắn dài và những cái xoa đầu, cái ôm chào từ biệt của người đi – người ở trong ngày hội tòng quân, tôi bỗng nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ các anh tôi…
Thụy Vũ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/di-moi-biet-nem-gio-nam-suong-a1485479.html” name=””]