Kiều Trinh những ngày này, tự thấy mình trong hình ảnh người má năm xưa, khi luôn tất bật cho những việc không tên ngày Tết.
Năm nay là một cái Tết khác hẳn mọi năm của gia đình Kiều Trinh, vì tận 29 Tết, cô còn cùng con trai – Kỳ Phong – chu du ở miền Tây theo đoàn phim Đất rừng phương Nam. Mọi năm, mấy mẹ con đã về quê nhà ở Bình Long từ sớm để chuẩn bị đón Tết.
Kể từ ngày mẹ mất cách đây 13 năm, những ngày Tết đến, là lúc Kiều Trinh thấm thía nhất nỗi vất vả của mẹ năm xưa.
“Hồi nhỏ, tôi cùng anh trai và hai chị sống ở gần chợ Búng, Bình Dương. Tết là dịp tôi mong chờ nhất, vì cả nhà được đoàn tụ. Ba má tôi rời Bình Dương lên Bình Phước lập nghiệp, để lại các con ở lại với bên nội, và chỉ có Tết mới về thăm nhà.
Tôi nhớ gần Tết, má dẫn mấy anh chị em tôi ra chợ mua vải may cho mỗi đứa một bộ đồ mới. Tôi là con út, hay bị mặc lại đồ cũ của các chị nên có đồ mới thích lắm. Vì vậy sau này lớn lên, tôi quyết tâm học may và trở thành thợ may.
3 năm nay, mỗi năm tôi đều may áo dài đồng phục Tết cho ba và mấy mẹ con cùng mặc. Tết năm nay tôi cũng vừa may xong cho cả nhà mỗi người hai bộ áo dài, màu xanh và màu hồng.
Tôi ở Bình Dương đến năm 11 tuổi thì theo ba má lên Bình Phước sống. Nhà tôi ở trong rẫy, trên đồi, cách trung tâm huyện 2,5km, xung quanh dân cư thưa thớt, nên mấy ngày Tết chỉ có những người trong nhà quây quần bên nhau, chơi đánh bài quẹt lọ nghẹ.
Ở quê, 5 giờ chiều đã ăn cơm, 6 giờ đi ngủ, nên hầu như đứa con nít như tôi không thức đón giao thừa. Má tôi mua hai chục trứng vịt lộn để cả nhà ăn mấy ngày tết mong xui rủi đi qua. Má còn nấu bánh tét, bánh ú, bánh tổ, làm cơm rượu. Nhờ vậy tôi cũng biết gói bánh, chỉ có món cơm rượu tôi chưa kịp học làm thì má đã mất.
Có một kỷ niệm nhớ đời của tôi xung quanh chuyện nấu bánh. Đó là có lần tôi thấy má gói cái bánh tổ thật to nên buột miệng nói với má: “Bánh này chắc nấu cả ngày không chín quá”. Không hiểu miệng tôi “linh” sao mà năm đó mớ bánh nấu bị sượng ngắt. Kể từ đó, mấy lần Tết sau, má đều đuổi tôi đi thật xa mỗi khi sắp nấu bánh, vì sợ cái miệng “ăn mắm ăn muối” của tôi. Giờ đến lượt tôi áp dụng “chiến thuật” này với hai đứa nhỏ”.
Có thể nói, với Kiều Trinh, những tháng ngày còn nhỏ sống cùng ba má là những mùa Tết hạnh phúc nhất của cô. Cuộc sống tình cảm của Trinh không suôn sẻ, nên từng có những ngày Tết cô sống trong buồn bã.
Trinh nhớ lại: “Cách đây hơn chục năm, tôi từng bị chồng cũ đánh vào đúng đêm giao thừa. Sáng mùng Một, tôi nén đau xách xe gắn máy chở hai con về Bình Long dự định đón Tết củng ba. Chồng cũ biết tin liền gọi điện ép tôi phải trở lại Sài Gòn. Sáng mùng Hai, ba mẹ con tôi đành đùm túm quay về”.
Năm đó, ăn Tết ở Sài Gòn đối với cô là một kỷ niệm rất buồn, và sau Tết cô mới về thăm được ba. Kể từ khi chia tay người chồng vũ phu, cô cũng không còn muốn đón Tết ở Sài Gòn trong căn nhà trọ nữa, mà luôn đưa các con về quê vui với ông ngoại.
Ngày trước má tất bật ra sao, giờ Trinh y vậy. Cô luôn tay luôn chân dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu bánh, nấu cơm cúng Tết hàng ngày – những việc má làm năm xưa – trong nỗi chạnh lòng nhớ má.
Trinh tâm sự, điều cô mong muốn nhất hiện nay là mấy anh chị em có dịp tụ tập đầy đủ để chụp chung với ba tấm hình dịp Tết. Vì công việc và cuộc sống gia đình riêng, nên kể từ lúc má mất, ít khi các anh chị em hẹn được nhau về chung một ngày thăm ba dịp Tết. Kiều Trinh sợ chẳng còn mấy mùa Tết nữa được đón Tết cùng ba, bởi ông năm nay cũng đã ngoài 80 rồi.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dien-vien-kieu-trinh-hoi-tiec-vi-chua-hoc-lam-mon-com-ruou-cua-ma-a1482781.html” name=””]