Nghệ sĩ ưu tú Võ Minh Lâm vừa thể hiện cả 2 vai diễn được xem là kinh điển ở cả sân khấu cải lương lẫn kịch nói: ông Bảy Đờn của vở cải lương “Người ven đô” và Hoàng Vũ – tên mới của nhân vật Lữ Đạo Kinh trong bản dựng mới của vở kịch “Tiếng chim vườn ngọc lan”. Báo Phụ nữ TPHCM đã có trao đổi với anh về 2 vai diễn đặc biệt này.
Phóng viên: Diễn cả 2 vai “trong mơ” đối với mọi nghệ sĩ trẻ chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, chắc là áp lực không nhỏ?
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Võ Minh Lâm: Tôi thấy mình rất “có duyên” với những vai diễn gây áp lực khi trước đó đã từng diễn qua các vai vua Riêm của Nàng Xê Đa, Vịnh của Hòn vọng phu hay thông ngôn Liêm của Cô đào hát – những vai diễn mà các nghệ sĩ tiền bối đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Lần này còn khó hơn khi thời gian 2 vở lên sàn không xê xích là bao, phải cân đối lịch tập 2 bên. Tôi cũng đang học đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM nên vừa phải đảm bảo việc học lẫn công việc bình thường.
NSƯT Võ Minh Lâm trong vai ông Bảy Đờn, vở cải lương Người ven đô |
Áp lực dĩ nhiên phải có, nhưng đây rõ ràng là cơ hội không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng có được và không phải ai cũng có khả năng thử sức. Vì thế, tôi càng phải nắm bắt cơ hội và làm hết khả năng. Qua từng vở diễn, từng vai diễn, chắc chắn có khó khăn, nhưng cùng với đó mình sẽ trưởng thành hơn, cũng cảm thấy yêu nghề hơn vì tôi còn may mắn hơn rất nhiều bạn trẻ – những người vẫn đang làm nghề nhưng lại thiếu cơ hội.
* Cảm nhận của anh về từng vai diễn như thế nào, điều gì khó khăn nhất?
– 2 vai diễn này quá đặc biệt và khác hẳn các nhân vật tôi từng thể hiện trước đây. Vai ông Bảy Đờn của Người ven đô là vai kép lão đầu tiên của tôi. Thật tình, tôi không tự tin diễn ra được một ông già hơn 70 tuổi. Ngoài chú ý ca thoại, tôi phải tập tướng đi, dáng đứng, giọng điệu rất nhiều; khi hát cũng mất sức hơn bình thường. Nhưng quan trọng nhất là ở cái thần của nhân vật – một lão nông bình thường thôi nhưng vô cùng khí khái, quật cường trước các thế lực xâm phạm mảnh đất quê hương. Cái khí thế hừng hực trong nhân vật là điều tôi muốn truyền tải trọn vẹn đến mọi người.
Qua nhân vật ông Bảy Đờn, tôi cảm nhận được tinh thần của người đi trước – những con người dù già dù trẻ, dù nam dù nữ, luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước. Tôi tự hào khi được tham gia Người ven đô, có thể nhắc nhớ người xem và cả chính mình về một giai đoạn lịch sử hào hùng, để ghi nhớ và biết ơn mà sống thật xứng đáng.
Còn vai Hoàng Vũ (tức Lữ Đạo Kinh) củaTiếng chim vườn ngọc là duyên kỳ ngộ khi đạo diễn Minh Nguyệt cho rằng tôi hợp vai sau nhiều năm tìm kiếm. Ban đầu, tôi không có nhiều ý niệm về vai diễn này. Tôi có nghe nhắc về Tiếng chim vườn ngọc lan, cũng từng xem vài trích đoạn thi của các sinh viên ngành sân khấu, nhưng vẫn chưa hình dung cụ thể về vở diễn. Khi cô Minh Nguyệt gửi kịch bản cho chọn vai, tôi cứ nghĩ rằng vai NSƯT Thành Lộc đã diễn chắc phải là vai hay nên chọn ngay. Nhưng đọc kịch bản, lại thấy mình hợp vai anh thợ bạc (được nghệ sĩ Quốc Thảo đảm nhận ngày trước, nay do diễn viên Quách Ngọc Tuyên thể hiện) và nhập tâm với nhân vật luôn. Lúc ráp thoại, tôi thoại luôn vai thợ bạc thì đạo diễn và mọi người nhắc: “Lâm ơi, lộn rồi”. Lúc này, tôi mới tá hỏa, năn nỉ đổi vai với anh Quách Ngọc Tuyên không được, tập thử thì không vô nhân vật. Tôi bối rối thực sự, đã xin cô Minh Nguyệt cho trả vai. Nhưng cô nói, đã tìm đủ nhân tố phù hợp, không thể thay đổi một mắt xích nào.
NSƯT Võ Minh Lâm trong vai Hoàng Vũ, vở Tiếng chim vườn ngọc |
* Điều gì đã làm khó Lâm đến mức muốn trả vai? Lâm đã vượt qua như thế nào?
– Lúc đó, tôi không “cảm” được trọn vẹn nhân vật. Ngày nay, chúng ta trao đổi về vấn đề đồng tính rất cởi mở. Đôi khi bạn bè, người quen của mình cũng thuộc cộng đồng LGBT. Phim ảnh hay sân khấu cũng khai thác nhiều đề tài này. Tôi không hình dung được tại sao nhân vật lại khổ sở, dằn vặt bản thân đến cùng cực như vậy. Không đau được như nhân vật thì rất khó thể hiện. Không vô tâm lý nhân vật được thì diễn không ra.
Thêm một lo lắng nữa. Tôi là nghệ sĩ cải lương lấn sân sàn kịch, có khi nào chất cải lương còn đậm sẽ “lạc quẻ” với ê kíp? Dù tôi đã từng tham gia vài vở kịch, nhưng mỗi vở lại là một màu khác nhau. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là kịch văn học, Thế giới trò chơi – Câu chuyện chú bé rồng là kịch thiếu nhi, Em em chị chị là nhạc kịch… Tôi vẫn chưa nhất quán được “màu” ở sân khấu kịch ra sao, nên cũng có chút khó khăn về tâm lý.
Nhưng đã là diễn viên thì phải thử qua nhiều vai diễn, để tự khám phá bản thân, cũng tạo sự mới lạ cho khán giả. Trong quá trình tập, cùng cả ê kíp đào sâu, lý giải tâm lý nhân vật, cùng tranh luận để tìm hướng đi chung, tôi thực sự đồng cảm và rất thương nhân vật Hoàng Vũ. Tôi cũng muốn biến sở đoản thành lợi thế. Tuy mình có nhiều điểm không tương đồng, nhưng lại thành rất phù hợp với nhân vật.
* Võ Minh Lâm trên sân khấu kịch khác với Võ Minh Lâm của cải lương như thế nào?
– Thời gian qua, ở sân khấu cải lương, tôi diễn tuồng cổ nhiều hơn nên hình ảnh người hiện đại trên sân khấu kịch cũng khá mới mẻ. May là tôi cũng đã diễn qua vài vở kịch nên tự tin hơn, biết tiết chế để nhẹ nhàng, vừa vặn hơn. Nhưng có một điều không đổi là dù ở lĩnh vực nào, tôi cũng muốn nhận được nhiều vai diễn để thử sức, để có thể chứng tỏ bản thân. Đó là cách tôi trả lời cho câu hỏi rất hay gặp là – tại sao tôi lại theo cải lương. Tôi tin khi mình đủ đam mê, đủ quyết tâm và cố gắng hết sức thì ở bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ để lại được dấu ấn.
* Cảm ơn Võ Minh Lâm.
Ninh Lộc (thực hiện)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dien-vien-vo-minh-lam-du-dam-me-quyet-tam-se-de-lai-dau-an-a1519488.html” name=””]