Không xếp những trang sách cũ, sao có cơ hội đọc được những trang sách mới? Tất cả chúng ta đều xứng đáng được vui, được hạnh phúc, chỉ khác nhau ở chỗ ta có muốn hay không.
Ảnh Shutterstock |
Có nhiều lần, đưa tay lấy 1 quyển sách trên kệ, nhìn bìa thì biết rằng mình đọc rồi nhưng không hiểu sao, tôi không nhớ trong ấy viết gì. Thậm chí có những cuốn sách một thời mình rất yêu quý, đọc ngấu nghiến xuyên đêm, giờ cũng chỉ lờ mờ trong ký ức. Tôi băn khoăn tự hỏi, có phải trí nhớ của mình có vấn đề.
Ở cái tuổi 40-50, nói vui như bạn bè tôi những khi có dịp gặp nhau: “Nửa trăm tuổi rồi!”, chúng ta như một quyển sách đã được đọc đến 2/3. Có biết bao chuyện đã xảy ra trong chừng đó thời gian. Bất kỳ ai cũng từng có những trang sách trong sáng tươi vui, xanh thẳm ước mơ hoài bão. Và cũng có thật nhiều trang đầy hoang mang, thất vọng, trầy xước; cả những giọt nước mắt chảy ra ngoài hay lặng lẽ chảy ngược vào trong…
Kiểu gì thì nó cũng là những trang sách đã đọc. Chúng ta buộc phải xếp lại để còn đọc tiếp những trang khác, buộc sẽ quên đi vì bộ não không thể nhớ nhiều. Đôi khi có thể bắt gặp 1 cuốn sách quá hay mà người ta có thể đọc cả đời, đọc đi đọc lại. Cũng không loại trừ trường hợp người đọc không có khả năng hoặc không muốn đọc cuốn sách nào nữa trong đời mình nên cứ khư khư lần giở những trang sách cũ, sống mà để vui buồn hiện tại và tương lai lẫn trong tiếng vọng của quá khứ.
***
Thi thoảng, nhà tôi đi Đà Lạt vài hôm. Có thể Đà Lạt của bây giờ không giống Đà Lạt lần đầu tôi được biết với cái mát lạnh thật êm, len vào từng sợi tóc – một cái lạnh có thể khiến người ta thèm ghê gớm một ly nước nóng, một bàn tay ấm, một cái ôm. Có thể Đà Lạt không còn những cây hồng trước cửa những ngôi nhà chênh vênh trên sườn dốc. Có thể Đà Lạt giờ rất hiếm chút lờ mờ sương khói hư ảo… Nhưng với người thành thị quanh năm nóng bức, Đà Lạt vẫn là sự lựa chọn đầu tiên. Lần nào tìm đến, trong tôi cũng nghe dâng lên niềm cảm ơn thật thà vùng đất ấy. Mấy chị em dì cháu đi bộ hơn nửa bờ hồ Xuân Hương lúc gần 12g đêm, sương mù giăng lối ngỡ như mình vừa đưa tay chạm phải một Đà Lạt xa xăm. Em tôi chợt nói: “Đi Đà Lạt với người yêu là hay nhất. Ủa, rồi chẳng lẽ lỡ chia tay, hết yêu thì mình không đi được nữa? Những con đường, những quán ăn… nhớ lại buồn chết!”.
Không gian mờ mịt, thả từng bước chân xuống vỉa hè hoang vắng, tôi im lặng không trả lời em, cũng không nói gì. Tôi bận hỏi lòng mình rằng chốn cũ có thể vì người xưa không gặp, không thích mà tôi không đi nữa, ngăn mình được vui nữa không… Rằng con đường này đã từng bước với ai trong quá khứ bây giờ không bước nổi lại nữa, vì nhớ vì đau hay tệ hơn là vì hận không?
***
Tôi nhận ra rất rõ rằng tôi không nhớ, không buồn và càng không hận bất cứ điều gì từ quá khứ. Có thể ký ức như sương có lúc thoáng qua khi vô tình chạm phải hoặc ai nhắc đến nhưng chỉ như bỗng nhiên ta nhớ về một cái tên, một ngày, một người, một nơi nào đó. Rất tĩnh lặng! Không có chút cảm xúc nào trỗi dậy trong tôi. Nó có cái gì giống hệt như khi với tay lấy 1 cuốn sách cũ đã từng đọc trên kệ mà không nhớ trong ấy viết gì.
Ngày nào đó, tôi từng buồn, từng đau, từng co rúm ngồi một góc, tưởng như chỉ cần đứng lên bước ra thì ai đó sẽ lấy những cái gai nhọn hoắt đâm vào thịt da mình. Tôi thả bản thân chìm nghỉm trong sự tan vỡ, chia lìa, tàn nhẫn và phản bội. Tôi cảm thấy thế giới quay lưng với mình, cảm thấy sao chẳng còn chút thiết tha nào với cuộc sống. Tôi cảm thấy rùng mình trước sự thẳm sâu ghê lạnh của lòng người và cái mong manh của những thứ mình tin tưởng tôn thờ.
Vết thương nào lúc mới cũng sẽ chảy máu, loét ra, mưng mủ nhưng rồi sẽ lành lặn, chỉ còn là vết sẹo mờ mờ. Sống trên đời này, có người nào tránh khỏi những vết thương, chỉ khác nhau ở mức độ. Đó là quy luật. Chỉ cần đủ thời gian và đủ ý thức yêu thương chăm sóc bản thân, một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn nó mà quên rằng nơi đây từng có một vết thương đau ngỡ như không chịu nổi.
Ảnh minh họa |
***
Sáng, vẫn đang trong kỳ nghỉ, cô em họ nhắn cho tôi thật nhiều. Rằng em vẫn hận vô cùng người đàn ông em từng gọi là chồng. Rằng em tự trách bản thân không biết bao lần, tại sao mình có thể yêu và lấy người đàn ông ấy. Rằng em thực sự hiểu hết nhưng không thoát ra được cảm giác này. Rằng em không dưới 1 lần có ý nghĩ dại dột…
7 năm em rời bỏ cuộc hôn nhân nhiều đau khổ. 7 năm chồng em đã có gia đình mới. 7 năm có 2 con bên cạnh, ba mẹ anh em luôn đồng hành, có công việc thu nhập, em vẫn không thôi uất hận chồng cũ, tự trách bản thân? Cậu con trai lớn của em bước vào tuổi dậy thì bắt đầu ương bướng. Nhìn vóc dáng, tính nết con hệt chồng cũ, trong những lần bất lực khi dạy dỗ con, trong những lúc cảm thấy gánh nặng của người mẹ đơn thân 1 nách 2 con đè xuống vai mình, em nhắn cho tôi: “Chị ơi, em ghét luôn thằng bé!”.
Đọc những dòng tin rất dài của em, tôi hiểu cảm giác của những người thân yêu xung quanh em. Tôi hình dung được sự đau lòng xót xa của ba mẹ em – chú thím tôi. Trên đời này, có ai thương yêu bền bỉ, kiên nhẫn, thậm chí dùng cả đời để vỗ về, xoa dịu, dõi theo chúng ta ngoài 2 người sinh ra mình? Bạn bè, anh chị em, con cái thậm chí chồng/vợ hay người yêu cũng không. Ai cũng có vấn đề, gánh nặng, lo toan riêng, không ai có thể ngồi mãi với người không biết yêu thương bản thân.
Em chưa dành đủ tình yêu thương cho bản thân. Tôi sẽ nói vậy khi em bình tĩnh lại. Tôi hiểu được nỗi đau, thấy rõ vùng tối đen ngòm trong trái tim em. Em khó nhọc và đã rất cố gắng quản lý cảm xúc nhưng chưa được. Em hà khắc với sai lầm của bản thân. Em căm ghét bản thân và tự hành hạ chính mình bằng những cảm xúc, những vấn đề tự phóng đại. Khi em không thực sự quý trọng bản thân làm sao có thể đủ bao dung để bỏ qua cho người?
Sự phụ bạc, quay lưng, thậm chí là tàn nhẫn của chồng em đã xảy ra và em làm gì được?
Người ta có cuộc sống khác, người yêu khác, em làm gì được? Con giống cha, từ giọng nói đến tính cách, em làm gì được? Em căm hận người, không cho vết thương có cơ hội lành lặn, ai sẽ là người đau? Buồn rầu sinh bệnh tật, ai gánh? Công việc không suôn sẻ, thậm chí mất việc thì tiền đâu nuôi thân, nuôi con? Ba mẹ tuổi già suốt bao năm không một giây phút an tâm, tội đó ai gánh?
Sợ nhất là khi thấy em loay hoay trong nỗi đau của chính mình, ngăn bản thân bước ra ngoài, thoát khỏi vọng âm thê thiết của quá khứ. Em cố chấp khư khư đóng đinh đời mình vào những trang sách cũ. Đã là cũ thì tốt xấu gì cũng nên xếp lại, huống chi đó là những trang sách đen tối, không ai, kể cả em, muốn đọc lại dẫu 1 lần.
Tôi thương em, thương ba mẹ em, thương con em. Nhất định tôi sẽ gặp em. Nếu bảo ban không được, tôi sẽ thuyết phục em đi gặp bác sĩ. Không xếp những trang sách cũ, sao có cơ hội đọc được những trang sách mới? Không riêng em tôi mà tất cả chúng ta đều xứng đáng được vui, được hạnh phúc, chỉ khác nhau ở chỗ ta có muốn hay không.
Triệu Vẽ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dong-dinh-doi-minh-vao-nhung-trang-sach-cu-a1527153.html” name=””]